Tập huấn về Kỹ năng xét xử trực tuyến

Sáng 28/11, TANDTC tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về “Kỹ năng xét xử trực tuyến”.  Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu trung tâm còn có các thành viên Hội đồng Thẩm phán, các Thẩm tra viên, Thư ký viên TANDTC. Ngoài ra còn các điểm cầu kết nối trực tuyến: TAND cấp cao, TAND địa phương, Tòa án quân sự, Học viện Tòa án.

Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cảm ơn TANDTC nước CHND Trung Hoa đã hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với TANDTC Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.

 

PCA Pham Quoc Hung

Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị.

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Trong giai đoạn đầy biến động với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 vừa qua, công nghệ thông tin đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thông suốt, liên tục của các hoạt động tư pháp. Thực tiễn quốc tế cho thấy, những nước có nền khoa học tiên tiến và sớm chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử đã đạt được những thành tựu lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử và Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề này.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, thời gian qua, lãnh đạo TANDTC luôn chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án để hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, trong đó xác định việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là một nội dung quan trọng của đề án này. Trên cơ sở đề xuất của TANDTC, ngày 12/11/2021, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. TANDTC đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 ngày 15/12/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

 

Diem cau TANDTC

Điểm cầu TANDTC.

Xét xử trực tuyến có nhiều ưu điểm như: Tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kiện trong vụ án hành chính tham gia phiên tòa; đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự (đối với các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc người bị hại là trẻ em thì không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa hay những đương sự trong vụ án dân sự không có điều kiện tham gia phiên tòa thì có thể tham gia tại điểm cầu trực tuyến…).

Tại hội nghị, Báo cáo viên là ông Hà Phàm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC Trung Quốc kết nối từ điểm cầu Bắc Kinh, Trung Quốc, đã chia sẻ 2 tham luận về Kỹ năng xét xử trực tuyến.

Ông Hà Phàm cho biết Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, với hệ thống Toà án có cấu trúc tương tự với hệ thống Toà án tại Việt Nam với TANDC và 31 TAND cấp tỉnh với tổng cộng khoảng 3500 Toà án.

Hệ thống xét xử trực tuyến tại Trung Quốc đã phát triển được khoảng 10 năm. Trong thời gian đầu phát triển Trung Quốc cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, cho đến nay số lượng Thẩm phán của Trung Quốc đã giảm đi một nửa, nhưng thu nhập của Thẩm phán lại tăng khoảng 50%. Bản thân ông Hà Phàm trước đây cũng là một Thẩm phán.

 

Ông Hà Phàm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC Trung Quốc trình bày tại hội nghị.

Trên cơ sở kinh nghiệm của mình, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC Trung Quốc đã giải đáp, chia sẻ một số câu hỏi liên quan đến xét xử trực tuyến như: vấn đề về tài liệu trực tuyến; Yêu cầu của các bên khi kiên quyết đòi bên còn lại tham dự trực tiếp: Hiệu lực và quy định về kiểm định dữ liệu lưu trữ bằng công nghệ chuỗi khối; Tính chính đáng của xét xử không đồng bộ và giới hạn sử dụng chẳng hạn khi một bên đương sự do chênh lệch múi giờ hoặc một bên đương sự do yếu tố bảo mật mà không thể tham dự phiên toà cùng một lúc; Các yêu cầu về mặt kỹ thuật của phiên toà trực tuyến; Bảo đảm vấn đề người làm chứng trực tuyến...

Hiện nay Trung Quốc đang xây dựng một số điểm tham dự phiên toà xét xử trực tuyến cho người dân. Tuy nhiên tố tụng trực tuyến tại Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều trở ngại do hệ thống chồng chéo, khó đồng bộ, tiêu chuẩn dữ liệu thiếu đồng nhất. Việc kiểm tra nhân thân còn nhiều hạn chế, chưa chính xác và tồn tại rủi ro, thực tế vẫn có thể xảy ra tình trạng mạo danh người khác tham gia tố tụng. Ngoài ra việc người dân nhận thức còn kém về tư pháp khiến cho trật tự phiên toà gặp nhiều vấn đề.

Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục triển khai xét xử trực tuyến, điều chỉnh phạm vi, thẩm quyền của các Toà án Internet hiện tại. Đồng thời nghiên cứu Toà án ảo, trên cơ sở lượng án phân bố không đều, hệ thống sẽ phân bố án theo từng khu vực, cho các Thẩm phán có khối lượng công việc ít hơn, tạo điều kiện cho người dân tham dự tố tụng trực tuyến.

Trí tuệ nhân tạo sẽ chủ yếu được áp dụng vào các lĩnh vực: Phân bố án, giới thiệu vụ án tương tự, tham khảo lập luận, tham khảo lượng hình, giám sát sai sót.

Ở Việt Nam, sau gần 01 năm triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 và Thông tư liên tịch số 05/2021, các Tòa án trong cả nước đã tích cực xét xử trực tuyến và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Cho đến nay, đã tổ chức được 3763 phiên tòa trực tuyến trên toàn quốc với chất lượng cao, trong đó có 3114 phiên tòa hình sự, 240 phiên tòa dân sự, 251 phiên tòa hành chính và 158 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đánh giá hội nghị có nhiều nội dung quan trọng và rất mới đồng thời khẳng định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu tất yếu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh.

Kết thúc hội nghị, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xét xử trực tuyến, với nỗ lực cao hơn nữa trong việc khắc phục những khó khăn vướng mắc về công nghệ, về cơ sở vật chất, về con người để đưa xét xử trực tuyến đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ người dân, góp phần để Tòa án thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

 

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị.

 

VŨ PHONG