A có ý thức chiếm đoạt xe của chị B hay không?

Sau khi nghiên cứu bài viết “Sát hại người yêu, rồi lái xe của người yêu gây tai nạn, tội gì?” của tác giả Lê Đức Anh, tôi cho rằng phải xác định rõ A có ý thức chiếm đoạt xe của chị B hay không?

Qua nội dung bài viêt trao đổi, tôi có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, Nguyễn Văn A đã có hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của chị Lê Thị B một cách trái pháp luật, dẫn đến hậu quả chị B tử vong nên hành vi này của A đã phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.

Thứ hai, sau khi giết chết chị B, A đã tự ý lấy xe ô tô của chị B chở xác chị B đi nhiều nơi với mục đích là thăm lại những nơi lúc đang yêu nhau hai người từng đi. Hành vi này của A chưa thể hiện A có ý thức chiếm đoạt tài sản là xe ô tô của chị B hay không. Vì vậy, trong tình huống này, ta xác định A không có ý thức chiếm đoạt xe ô tô của chị B.

Thứ ba, khi đang điều khiển xe lưu thông trên đường cao tốc, do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên A đã để xe ô tô của chị B do A điều khiển va chạm vào 01 xe khách đang dừng đỗ bên đường. Hậu quả xe ô tô do A điều khiển bị thiệt hại 135.000.000 đồng, xe tô khách bị thiệt hại 15.000.000 đồng. Tổng thiệt hại về tài sản trong vụ tai nạn giao thông trên là 150.000.000 đồng.

Nhận thấy, A không có ý thức chiếm đoạt xe của chị B cũng như không được chị B giao xe nên hành vi A tự ý lấy xe ô tô của chị B đi gây tai nạn không loại trừ hậu quả do A gây ra cho chính xe ô tô này. Do đó, hành vi  điều khiển xe lưu thông trên đường gây tai nạn của A đã gây thiệt hại về tài sản là 150.000.000 đồng và là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn nên đã phạm vào tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS.

Vì vậy, hành vi của A phạm vào 02 tội là tội Giết người (Điều 123 BLHS) và tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS).

Trong tình huống này, nếu A có ý thức chiếm đoạt xe ô tô của chị B thì nhận thấy: A đã có hành vi dùng vũ lực làm cho chị B lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản nên hành vi của A đã phạm vào tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS. A đã chiếm đoạt được xe ô tô nên đã gây thiệt hại về tài sản cho chị B. Vì vậy, khi A điều khiển xe ô tô trên gây tai nạn và làm hư hỏng cho chính xe ô tô này với thiệt hại là 135.000.000 đồng thì cũng không làm tăng thêm thiệt hại cho chị B mà nó vẫn đang là một phần thiệt hại mà A đã gây ra cho chị B khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tức thiệt hại về tài sản mà A gây ra cho chị B khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã loại trừ thiệt hại về tài sản mà A gây ra cho chính tài sản mà A đã chiếm đoạt của chị B trong vụ tai nạn giao thông. Do đó, A không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đã gây ra cho xe ô tô của chị B trong vụ tai nạn giao thông nêu trên, thiệt hại về tài sản trong vụ tai nạn giao thông chỉ có 15.000.000 đồng nên hành vi của A không phạm vào tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260BLHS. Khi đó, hành vi của A phạm vào 2 tội là tội Giết người (Điều 123 BLHS) và tội Cướp tài sản (Điều 168 BLHS).

TAND huyện Châu Thành, Đồng Tháp xét xử vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ – Ảnh: Thanh Dự / THĐT

 

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)