Bị can trốn khỏi nơi cư trú, do bị truy nã nên ra đầu thú, thì có áp dụng tình tiết “người phạm tội đầu thú” hay không?

Đầu thú là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bị can được tại ngoại đã bỏ trốn, cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, bị can mới ra đầu thú thì có coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?

Quy định của pháp luật

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 4 BLTTHS, “đầu thú” là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Người phạm tội “đầu thú” là điều kiện để xác định có hay không được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định tại Điều 51 BLHS. Khoản 2 Điều 51 BLHS quy định như sau “khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án” .

Tình tiết người phạm tội “đầu thú” được coi là một tình tiết giảm nhẹ độc lập với các tình tiết giảm nhẹ khác, nhưng lại không được quy định tại khoản 1 Điều 51. Bởi lẽ nếu quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS thì tình tiết “đầu thú” sẽ được coi như tình tiết “tự thú”, mặt khác, nhà làm luật quy định tại khoản 2 là để Tòa án lựa chọn có áp dụng hay không, còn nếu quy định tại khoản 1 Điều 51 thì bắt buộc phải áp dụng, đồng thời còn liên quan đến chế định “quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng” quy định tại Điều 54 BLHS.

Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng tại Điều 54 BLHS quy định: 1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. 

Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. 

Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Từ quy định trên cho thấy, nếu người phạm tội chỉ có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và tình tiết “đầu thú” thì không được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà phải có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 mới được áp dụng (khoản 1 Điều 54). Vì lẽ đó, việc quy định tình tiết “đầu thú” tại khoản 2 Điều 51 BLHS là hoàn toàn phù hợp, giúp phân hóa được việc áp dụng pháp luật theo hướng bảo đảm có lợi cho người phạm tội, nghiêm trị nhưng vẫn có chính sách khoan hồng và không áp dụng pháp luật một cách tùy nghi đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

Áp dụng trong thực tiễn

Trong thực tiễn, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội đầu thú” được áp dụng khá phổ biến. Tình tiết này thường được áp dụng trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, trong vụ án chỉ có 01 bị can phạm tội xong sau khi bỏ trốn, hành vi bị phát hiện thì người phạm tội ra đầu thú.

Thứ hai, trong vụ án có đồng phạm khi một người bị bắt ngay sau đó còn người kia sau khi bỏ trốn biết mình không thể trốn tránh cơ quan pháp luật nên đã ra đầu thú.

Thứ ba, trong vụ án có đồng phạm, sau khi thực hiện hành vi phạm tội tất cả cùng bỏ trốn, khi bị phát hiện thì tất cả ra đầu thú.

Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt mà chúng tôi đưa ra sau đây thì có nên áp dụng tình tiết “người phạm tội đầu thú” hay không? Theo Bản án số XX/2017/HSST ngày 29/12/2017 của Tòa án AB, Thuận Văn B và Phan Văn Th phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.

Khoảng 20 giờ ngày 03/4/2017, Thuận Văn B điều khiển xe mô tô BKS 23K1-6449 và Phan Văn Th điều khiển xe mô tô BKS 23B1-111.53 đi qua khu vực Thôn X, xóm K, xã L, huyện B, tỉnh C, B phát hiện có 06 cuộn dây điện để ở lề đường phía bên trái Quốc lộ 4C nên nảy sinh ý định lấy trộm. B nói với Th: “Ở đây có mấy cuộn dây điện, anh em mình cùng kéo vào trong để tý nữa quay lại lấy”, Th đồng ý. B và Th mang số dây điện trên giấu vào bụi cây gần đó sau đó cả hai người đi về nhà của B. Đến khoảng 01 giờ sáng ngày 4/4/2017, B và Th mỗi người đi một xe mô tô đến vị trí 06 cuộn dây đã cất giấu trước đó để lấy mang đi, trong khi đang mang 06 cuộn dây điện để buộc lên xe thì bị phát hiện và bắt giữ.

Trong quá trình khởi tố, điều tra, các bị can Thuận Văn B và Phan Văn Th được tại ngoại tại địa phương (áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú). Tuy nhiên sau đó bị can Thuận Văn B đã bỏ trốn khỏi địa phương đi làm ăn xa, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã. Đối với Phan Văn Th thì vẫn chấp hành nghiêm túc qui định “Cấm đi khỏi nơi cư trú” tại địa phương.

Trong vụ án này có quan điểm cho rằng Thuận Văn B đã bỏ trốn sau đó đã ra đầu thú, cơ quan điều tra đã tiến hành đủ thủ tục lập biên bản về việc đầu thú đối với B nên có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội đầu thú” đối với Thuận Văn B.

Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi thì không áp dụng tình tiết này đối với B bởi những lí do sau:

Thứ nhất, căn cứ điểm i khoản 1 Điều 4 BLTTHS thì “đầu thú” là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn riêng về áp dụng tình tiết này, tuy nhiên theo quy định trên thì đủ điều kiện áp dụng tình tiết “người phạm tội đầu thú” khi người phạm tội thực hiện hành vi bị phát hiện và đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Còn trong tình huống nêu trên, Thuận Văn B đã bị bắt giữ và áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”, sau đó Thuận Văn B bỏ trốn khỏi địa phương đi làm ăn xa, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã, khi biết có lệnh truy nã của Cơ quan điều tra, biết sẽ không trốn tránh được nên Thuận Văn B ra đầu thú thì nếu như áp dụng tình tiết “đầu thú” đối với B là không đúng quy định của Bộ luật.

Thứ hai, trong vụ án này các bị can đều được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”. Thuận Văn B là người khởi xướng và đóng vai trò chính trong vụ án nên phải chịu trách nhiệm cao hơn Phan Văn Th, nếu cho B áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội đầu thú” sẽ gây ra sự bất hợp lý khi quyết định hình phạt đó là người có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn lại phải trịu trách nhiệm hình sự cao hơn (thực tế trong vụ án này Tòa án đã xử phạt Thuận Văn B 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng; Phan Văn Th 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng).

Thứ ba, nếu áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội đầu thú” đối với Thuận Văn B trong vụ án này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến việc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, vô hình chung lại khuyến khích cho tội phạm bỏ trốn, sau đó ra đầu thú để có thêm tình tiết giảm nhẹ.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về việc  áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội đầu thú” theo qui định tại khoản 2 Điều 51 BLHS, rất mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc./.

Toà án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tuyên 11 án tử hình, 1 án tù chung thân đối với 12 bị cáo trong đường dây ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia với số lượng rất lớn – Ảnh: Nguyễn Thái Minh Anh

 

HOÀNG THANH PHONG (Thẩm phán TAQS khu vực, Quân khu 1)