Các bị cáo có phạm tội Đánh bạc không?

Các đối tượng đánh bạc với số tiền ban đầu dưới 5.000.000 đồng, nhưng vay đi vay lại thì tính ra đến trên 13 triệu đồng. Các đối tượng có phạm tội đánh bạc hay không?

Ngày 19/02/2021, bà X ở thôn C, xã N, huyện H, tỉnh B trình báo về việc con trai bà là A có hành vi cầm cố chiếc xe mô tô Dream của gia đình bà cho T để đánh bạc. Vật chứng gồm: 01 xe mô tô Dream màu nâu, biển kiểm soát 10Y5-6415; 01 bộ bài tú lơ khơ, 01 thảm nỷ.

Sau khi tiếp nhận tin báo trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H đã triệu tập và làm việc với các đối tượng A, B, C, D, G, H, K, T và Y. Tại Cơ quan điều tra các đối tượng đều khai nhận hành vi đánh bạc của mình ngày 17/02/2021 tại nhà T.

Quá trình điều tra xác định được hành vi đánh bạc của các bị can như sau: Khoảng 01 giờ ngày 17/2/2021, A điều khiển xe mô tô Dream của gia đình chở B đến nhà T ngủ nhờ. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, B rủ T và A đánh bạc ăn tiền dưới hình thức đánh “Liêng” tại nhà T. T nhất trí rồi đi mua bộ tú lơ khơ và gọi điện cho P ở cùng thôn đến đánh bạc. T sử dụng 3.450.000 đồng, B sử dụng 400.000 đồng và A sử dụng 40.000 đồng để đánh bạc (tổng chiếu bạc là 3.850.000đ).

Khi các đối tượng đánh bạc được khoảng 10 phút thì P đến và tham gia đánh bạc cùng (P không nhận đánh bạc nên không xác định được số tiền P có). Các đối tượng đánh bạc được khoảng 60 phút thì A và B thua hết tiền nên đã cắm xe mô tô cho T để vay 2.000.000 đồng đánh bạc tiếp (T không có khoản tiền nào khác mà sử dụng tiền của T có ban đầu khi đánh bạc và tiền thắng của B và A để cho vay). Sau đó có G có 200.000đ đến tham gia, đến 17 giờ thua hết tiền nên G về. A và B cũng thua hết nên tiếp tục vay lại của T 1.000.000đ để chơi tiếp. Sau đó, mỗi lần bị hết tiền, A và B còn tiếp tục vay của T nhiều lần nữa. Tổng cộng A và B vay của T 5 lần với số tiền là 9.000.000đ nhưng T đều dùng tiền của T có ban đầu khi đánh bạc và tiền thắng của A và B để cho vay. Trong quá trình chơi bạc, những người đến tiếp theo là C (có 200.000đ), D (có 160.000đ), H (có 350.000đ), K (có 200.000đ), Y (có 180.000đ). Phần lớn các bị cáo có ít tiền đến trước đều thua và nghỉ khi các bị cáo sau đến.

Trong quá trình nghiên cứu giải quyết vụ án thì cơ bản các quan điểm đều đồng tình với số tiền định lượng mà các bị cáo sử dụng để đánh bạc là 13.380.000đ (bao gồm cả 9.000.000đ mà T sử dụng tiền của T có ban đầu khi đánh bạc và tiền thắng tại chiếu bạc để cho A và B vay) để truy tố, xét xử các bị cáo về tội Đánh bạc nhưng các quan điểm lại không thống nhất về diện xác định đối tượng phạm tội Đánh bạc, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Mặc dù số tiền thực tế của các đối tượng có để đánh bạc không đủ 5.000.000đ nhưng quá trình đánh bạc, A và B mỗi lần thua hết thì tiếp tục vay lại của T để đánh tiếp, tuy T chỉ sử dụng số tiền mà T có ban đầu khi chơi bạc (3.450.000đ) và tiền thắng bạc để cho vay nhưng phải xác định toàn bộ số tiền các đối tượng có và tổng các lần A và B vay lại của T là tiền sử dụng để đánh bạc. Các đối tượng đến sau, đều đến sau khi A và B đã vay của T, kể từ thời điểm đó, xác định số tiền sử dụng để đánh bạc là trên 5.000.000đ, bao gồm tiền trên chiếu bạc (các đối tượng có khi tham gia chơi) và khoản vay nợ mà A và B đã vay của T.

Việc xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng đến sau là P, G, C, D, H, K, Y không phụ thuộc vào thời điểm mà từng bị cáo tham gia chơi bạc, không phụ thuộc vào số tiền thực tế trên chiếu bạc hay số tiền mà các bị cáo có ban đầu mà phải căn cứ vào số tiền các đối tượng T, A, B sử dụng trước đó (bao gồm cả khoản vay nợ).

Vì vậy, việc truy tố, xét xử các bị cáo A, B, P, G, C, D, H, K, T, Y về tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc truy tố, xét xử các đối tượng T, A, B là đủ căn cứ. Vì, thời điểm các đối tượng này chơi bạc với nhau, tuy số tiền ban đầu dưới 5.000.000đ nhưng các đối tượng có việc vay lại tiền của nhau nên số tiền các đối tượng này sử dụng vào việc đánh bạc được xác định gồm cả khoản vay mà A và B vay của T (mặc dù, dòng tiền này là số tiền T có ban đầu 3.450.000 đồng qua 5 lần T cho A và B vay xác định được là 9.000.000 đồng).

Do vậy, phải định lượng để xác định số tiền đánh bạc mà các bị cáo T, A và B dùng để đánh bạc là 13.380.000 đồng.   

Tuy nhiên, đối với các đối tượng đến sau thời điểm diễn ra việc vay tiền hoặc về trước thời điểm diễn ra việc vay tiền của các đối tượng khác, không biết về việc vay tiền đó thì việc xem xét trách nhiệm của các đối tượng đến sau phải căn cứ vào số tiền thực tế khi tham gia đánh bạc cùng nhau, là tổng số tiền, tài sản mà các đối tượng có hoặc cất giấu và chắc chắn sẽ được sử dụng vào đánh bạc. Trên thực tế, số tiền trên chiếu bạc, số tiền các đối tượng đánh bạc trước đang có và số tiền các đối tượng đến sau đem theo cũng chưa đủ 5.000.000đ. Khoản vay và cho vay vẫn giới hạn trong số tiền các đối tượng có từ ban đầu (trước khi vay và sau khi vay thì số tiền thực có để đánh bạc không thay đổi, người cho vay không bỏ thêm khoản tiền nào khác để cho vay, người vay chưa thực hiện trả tiền cho người cho vay).

Hơn nữa các đối tượng đến sau không biết về các khoản vay đó nên không buộc các đối tượng đến sau phải chịu trách nhiệm về số tiền không có trên thực tế, nếu thắng bạc thì các đối tượng đến sau cũng không có thêm được khoản tiền vay này.

Vì vậy, việc truy cứu các đối tượng đến sau: P, G, C, D, H, K, Y là không có cơ sở.

Qua các quan điểm khác nhau về diện xác định đối tượng phạm tội như trên, quan điểm của chúng tôi đồng tình với quan điểm và các nhận định ở quan điểm thứ nhất. Với ngoài các lập luận như trên đã phân tích.

Ngoài các đối tượng T, A và B thì các đối tượng còn lại gồm: P, G, C, D, H, K, Y cũng phải bị truy tố, xét xử về tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật, không bỏ sót lọt tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội.

Xin được trao đổi và mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

 

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH (TAQS Thủ đô Hà Nội) và Th.S CHU MẠNH HÀ (Phó Chánh án TAND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)