Công ty H không phải là người thứ ba ngay tình

Sau khi đọc bài viết “Hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu hay người thứ ba ngay tình?” của tác giả Chu Thanh Tùng, đăng ngày 12/1, tôi cho rằng Công ty H không phải là người thứ ba ngay tình, giao dịch có hiệu lực theo quy định.

Thứ nhất, yêu cầu độc lập của cụ D, cụ Y là không có cơ sở

Theo kết luận giám định thì chữ ký mang tên cụ Y trên Giấy cam kết đã thanh toán xong tiền bán doanh nghiệp ngày 10/5/2009, Hợp đồng mua bán chi nhánh Trạm xăng dầu ngày 10/5/2009, Thông báo bán doanh nghiệp tư nhân ngày 10/5/2009 không phải là chữ ký của cụ Y. Như vậy chữ ký của cụ Y chỉ trên những giấy cam kết và hợp đồng mua bán trạm xăng dầu, không liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì thế hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn có hiệu lực pháp luật, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó để đăng ký sang tên cho ông Q, bà T là đúng pháp luật, theo quy định tại Điều 122 BLDS 2005, Điều 106 Luật đất đai 2003.

Kết luận giám định khẩng định, Hợp đồng mua bán chi nhánh trạm xăng dầu, thông báo bán doanh nghiệp tư nhân, giấy cam kết đã thanh toán xong  tiền bán doanh nghiệp có chữ ký của cụ Y nhưng không phải do cụ Y ký. Tuy nhiên, các thông báo giao dịch này được thực hiện từ thời điểm năm 2009, sau khi ký kết Hợp đồng, ông Q, bà T là người quản lý điều hành hoạt động của trạm xăng dầu thì và cụ Y hoàn toàn biết nhưng không phản đối trong một thời gian dài, quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cụ Y không khiếu nại, tố cáo hay có bất cứ động thái gì là không phù hợp với lẽ thường. Có thể khẳng định cụ Y hoàn toàn biết việc này nhưng đã đồng ý việc mua bán như trên. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu độc lập của cụ D, Y về việc tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng nêu trên.

Thứ hai, về giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Do nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bao gồm 2 thửa đất và trạm xăng dầu nói trên, thời điểm bà T thực hiện giao dịch, toàn bộ tài sản trên đang trong tình trạng tranh chấp tài sản sau ly hôn, tòa án đã tiến hành thụ lý giải quyết vụ án, do đó quyền sử dụng đất nói trên đang trong tình trạng tranh chấp, chưa đủ điều kiện giao dịch theo Điều 188 Luật Đất đai 2013.

Tiếp đó, Điều 121 BLTTDS 2015 quy định cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Tuy nhiên tại thời điểm Công ty H nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà T thì chưa có bất cứ văn bản/quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền về việc cấm, hạn chế giao dịch đối với tài sản trên. Đồng thời việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà T và Công ty H được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp quy định tại Điều 117 BLDS 2015 ( Điều 122 BLDS 2005), Công ty T đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu tuyên giao dịch chuyển nhượng trên vô hiệu của cụ D, cụ Y.

 

TAND huyện Kbang, Gia Lai xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Đinh Ngọc Thảo

 

DƯ VĂN GIANG