Trách nhiệm hình sự của hành vi giúp người bị tạm giam thoả mãn một số nhu cầu để được hưởng lợi về vật chất

Hiện nay tại các trại tạm giam xảy ra một số trường hợp người có trách nhiệm có hành vi giúp người bị tạm giam thoả mãn một số nhu cầu để được hưởng lợi về vật chất trái pháp luật. Việc xác định trách nhiệm hình sự của những người này, cũng như giải quyết vấn đề dân sự cần phải bảo đảm sự thống nhất và đúng đắn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, Trương Anh H, là chiến sỹ nghĩa vụ, công tác tại Trại Tạm giam Công an tỉnh B, được phân công làm tổ phó Tổ 2, thuộc Đội cảnh sát bảo vệ, với nhiệm vụ canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu gác. Do biết các bị can Đặng Trung K, Nguyễn Đ đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh B có nhu cầu sử dụng điện thoại di động, thuốc lá, thuốc lào, chuyển các vật dụng khác cho bị can khác, cũng đang bị tạm giam trong Trại, Trương Anh H đã nhiều lần thực hiện hành vi chuyển các vật dụng nói trên theo yêu cầu của Đặng Trung K và Nguyễn Đ để nhận tiền công từ K và Đ.

Việc nhận tiền của Trương Anh H từ Đặng Trung K và Nguyễn Đ được thực hiện như sau: Trương Anh H cho Đặng Trung K và Nguyễn Đ biết số tài khoản của mình tại Ngân hàng. Sau khi H thực hiện hành vi chuyển các vật dụng cho K và Đ, hoặc cho bị can khác theo yêu cầu của K và Đ, thì K và Đ gọi điện thoại cho người thân trong gia đình hoặc cho bạn bè, yêu cầu họ chuyển tiền vào Tài khoản ngân hàng của H. Một số lần người thân của K và Đ giao tiền trực tiếp cho H. 

Bằng thủ đoạn trên, Trương Anh H nhận được từ người thân, bạn bè của K và Đ số tiền 117.300.000 đồng.

Các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án  đã điều tra, truy tố, xét xử Trương Anh H về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự; xác định K,Đ là người bị hại, trả lại cho K,Đ số tiền 117.300.000 đồng nói trên; xác định những người thân trong gia đình, bạn bè của K và Đ đã chuyển tiền cho H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Sau khi vụ án được giải quyết, có hai quan điểm đối lập nhau.

Quan điểm thứ nhất: Đồng tình với việc điều tra, truy tố, xét xử nói trên, vì cho rằng hành vi chuyển các vật dụng của H cho các bị can đang bị tạm giam trong Trại Tạm giam, theo yêu cầu của các bị can K và Đ là hành vi lạm quyền, bởi lẽ H chỉ được giao nhiệm vụ canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu gác, mà không được giao nhiệm vụ chuyển các vật dụng cho các bị can đang bị tạm giam. Mặt khác, H phải ở vị trí công tác tại Đội cảnh sát bảo vệ, với nhiệm vụ canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu gác mới thực hiện được các hành vi trên và nhờ việc lạm quyền này mà H đã chiếm đoạt được tiền của K và Đ. Do đó hành vi của Trương Anh H là phạm vào tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 355 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ hai: Không đồng tình với việc định tội, xác định tư cách người tham gia tố tụng và giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án trên, với các lập luận cơ bản sau:

Thứ nhất: Để xét xử vụ án theo Điều 355 Bộ luật Hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các Cơ quan tiến hành tố tụng đã phải xác định K và Đ là bị hai, tức là những người bị chiếm đoạt tài sản. Đây là điều hoàn toàn không hợp lý, bởi lẽ bản chất của vụ việc là K và Đ đã thuê H giúp K và Đ làm một số công việc và sau khi các công việc này hoàn thành thì trả tiền cho H, thông qua việc nhờ người thân và bạn bè chuyển tiền vào Tài khoản ngân hàng của H. Mặc dù việc thuê làm các công việc nói trên của K và Đ, cũng như việc nhận làm của H là bất hợp pháp, nhưng K và Đ đã đạt được mục đích, mong muốn của mình khi chi tiền, tức là không ai chiếm đoạt tiền của K và Đ. Bản chất việc H nhận được số tiền bất hợp pháp trên, xuất phát từ hành vi phạm tội của H, mà người bị thiệt hại là Nhà nước, chứ không phải là K và Đ. Do đó việc xác định K và Đ là bị hại, từ đó trả lại cho K và Đ số tiền mà K và Đ đã sử dụng một cách bất hợp pháp là sai lầm nghiêm trọng.

Thứ hai là vấn đề định tội đối với Trương Anh H: Trong vụ án này, H là người có quyền hạn trong việc canh gác, đốc gác, kiểm tra các mục tiêu canh gác. Với quyền hạn này, H có điều kiện để tiếp xúc với các bị can đang bị tạm giam trong Trại Tạm giam, nơi mà H đang làm nhiệm vụ. Nhờ vị trí công tác này, H đã lạm quyền, làm trái công vụ vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước. Cụ thể đã xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của Cơ quan nhà nước, mà trong trường hợp cụ thể này là Trại Tạm giam Công an tỉnh B. Do đó cần xác định Trương Anh H phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, theo Điều 357 Bộ luật Hình sự.

Với việc định tội như trên, số tiền 117.300.000 đồng mà K và Đ đã giao cho H, thông qua nhờ người thân, bạn bè của K và Đ chuyển vào Tài khoản ngân hàng của H, sau khi H thực hiện một số công việc trái pháp luật, theo yêu cầu của K và Đ phải bị tịch thu, sung Ngân sách nhà nước.

Thứ ba, về xác định tư cách tham gia tố tụng của K và Đ:

Theo gợi ý của Trương Anh H, các bị can K và Đ đã hứa sẽ giao tiền cho H, khi H chuyển các vật dụng từ ngoài vào Trại Tạm giam cho K và Đ, hoặc cho người đang bị tạm giam khác, theo yêu cầu của K và Đ. Và sau đó K và Đ đã thực hiện lời hứa. Tuy vậy hành vi chuyển các vật dụng vào trong Trại Tạm giam nói trên của H chỉ là sự lạm quyền, chứ không phải sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nên hành vi của K và Đ không phải là hành vi đưa hối lộ, và hành vi của H cũng không phải là hành vi nhận hối lộ. Hành vi của K và Đ cũng không thoả mãn bất kỳ cấu thành tội phạm nào quy định trong Bộ luật Hình sự, nên không phải là hành vi phạm tội, chỉ là hành vi vi phạm kỷ luật quy định trong Trại Tạm giam. Mặt khác, việc giải quyết phần dân sự trong vụ án có liên quan đến số tiền mà K và Đ đã giao cho H, nên cần xác định tư cách tham gia tố tụng của K và Đ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Thứ tư, về xác định tư cách tham gia tố tụng của những người thân và bạn bè của K và Đ đã chuyển tiền cho Trương Anh H:

Những người này có thể có người biết mục đích của việc K và Đ nhờ chuyển tiền cho H. Tuy vậy do K và Đ không phạm tội, nên hành vi chuyển tiền nói trên của những người này cũng không phạm tội. Mặt khác, việc họ cho K và Đ, hay cho K và Đ mượn số tiền trên là quan hệ dân sự giữa hai bên, không cần thiết đưa việc giải quyết quan hệ này vào vụ án. Và thực tế các Cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án, cũng đã không giải quyết quan hệ này. Vì vậy, những người này tham gia vụ án không phải với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, mà là với tư cách người làm chứng.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, mong nhận được sự góp ý, trao đổi của độc giả.

Ảnh: Người bị tạm giam (nguồn Internet)

HOÀNG QUẢNG LỰC -