Không tính án phí là đúng quy định

Sau khi nghiên cứu bài “Có tính án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền chưa bồi thường hay không?” tôi cho rằng trong trường hợp này không tính án phí.

Qua nội dung vụ án tác giả Trần Văn Hùng nêu, người viết đồng tình với quan điểm thứ nhất, việc Tòa án huyện HN, tỉnh NA không tính án phí đối với trường hợp của Nguyên Văn A là có cơ sở do quy định tại Nghị quyết 326, đồng thời trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.

Thứ nhất, tại điểm f Điều 23 Chương II, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định “Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm …”. Trong nội dung điều luật chỉ nêu “thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại” quy định này mang tính hướng tới thống nhất về mức bồi thường, cách bồi thường, thời gian bồi thường, chủ thể có trách nhiệm bồi thường hoặc liên đới bồi thường… chứ không quy định đã thỏa thuận và bồi thường xong.

Thứ hai, quy định này hướng tới việc khuyến khích người dân (ở đây thường là bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bị can, bị cáo, bị đơn dân sự) tự nguyện thỏa về việc bồi thường thiệt hại. Một mặt là để người bị thiệt hại được bồi thường một cách kịp thời, mặt khác cũng là để hai bên hòa giải, xóa bỏ những mâu thuẫn đã phát sinh. Để khuyến khích việc tự nguyện thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại mà tính án phí là điều không hợp lý.

Thứ ba, lập luận cho rằng việc các bên khi đã thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tuy nhiên bên bồi thường chưa bồi thường được nhưng Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sữa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS hoặc lợi dụng việc thỏa thuận bồi thường để kéo dài thời gian nhằm tìm cách tẩu tán tài sản để bắt buộc tính án phí đối với số tiền còn lại chưa bồi thường là chưa phù hợp bởi lẽ:

Mặc dù các bên đã thỏa thuận bồi thường và đề nghị Tòa án ghi nhận nhưng tại phiên tòa chưa bồi thường thì Tòa án có quyền không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sữa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”. Việc được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm b, khoản 1 Điều 51 BLHS và việc không tính án phí đối với phần đã thỏa thuận bồi thường nhưng chưa giao nhận tiền là 02 vấn đề khác nhau.

Việc lợi dụng thỏa thuận bồi thường để tẩu tán tài sản thì thuộc trách nhiệm của các Cơ quan tiến hành tố tụng khi xem xét giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, có thể áp dụng hay không áp dụng biện pháp kê biên tài sản. Mặt khác người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ các giao dịch tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ bồi thường.

Từ những phân tích trên, người viết cho rằng việc Tòa án huyện HN, tỉnh NA không tính án phí đối với trường hợp của Nguyên Văn A là đúng quy định. Người viết cũng đề xuất cần có một quy định buộc các bên phải thực hiện việc bồi thường theo biên bản đã tự nguyện thỏa thuận trong giai đoạn điều tra, truy tố, hoặc trước khi mở phiên tòa nếu không có chứng cứ nào mới dẫn đến việc thay đổi mức bồi thường. Đây là một quy định cần thiết mang tính ràng buộc trách nhiệm giữa các bên khi đã giao kết hợp đồng, cũng là căn cứ để Tòa án tuyên ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận và không tính án phí theo Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tuyên án - Ảnh: TL

 

 

 

 

TRẦN XUÂN HẢI (VKSND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)