Không tính án phí đối với số tiền đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại

Liên quan đến vấn đề tác giả đặt ra trong bài viết: “Có tính án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền chưa bồi thường hay không?” , theo quan điểm cá nhân, tôi đồng ý với quan điểm của Tòa án nhân dân huyện HN, tỉnh NA là không tính án phí đối với số tiền đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại.

Các cơ quan tiến hành tố tụng được Nhà nước thành lập nhằm mục đích tiến hành các hoạt động tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích dân sự hợp pháp của người dân. Theo nguyên tắc, Nhà nước phải chi trả các chi phí cần thiết để vận hành hệ thống các cơ quan tố tụng này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng khi các vụ việc phát sinh từ lỗi của đương sự, hoặc vì lợi ích riêng của đương sự thì việc quy định đương sự phải chịu một phần chi phí Nhà nước chi cho các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ là điều cần thiết. Các khoản tiền này được gọi là án phí, lệ phí. Trong đó, án phí dân sự được hiểu là số tiền đương sự phải nộp ngân sách nhà nước khi vụ án dân sự được Tòa án giải quyết[1].

Liên quan đến vấn đề tác giả đặt ra trong bài viết: “Có tính án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền chưa bồi thường hay không?[2], theo quan điểm cá nhân, tôi đồng ý với quan điểm của Tòa án nhân dân huyện HN, tỉnh NA là không tính án phí đối với số tiền đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại như đã thỏa thuận với đại diện gia đình chị Hồ Thị P bởi lẽ theo quy định tại điểm f, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án thì: “Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp Tòa án đưa ra xét xử vụ án đó”.

Có thể thấy rõ theo quy định nêu trên thì điều kiện để đương sự, bị cáo không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là nếu “trước khi mở phiên tòa” họ “thỏa thuận được với nhau…” và “đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường”. Như vậy, điểm f, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 hoàn toàn không đưa ra điều kiện là “phải thực hiện xong việc bồi thường” để đương sự, bị cáo không phải chịu án phí. Điều này có nghĩa là nếu căn cứ vào việc bị cáo, đương sự đã thực hiện bồi thường hay chưa để xem xét tính án phí là đã thêm bổ sung thêm điều kiện và điều này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Do đó, thiết nghĩ khi áp dụng thì quy định này cần được hiểu theo hướng có lợi cho đương sự, bị cáo.

Thêm nữa, dù vấn đề dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự nhưng suy cho cùng nó vẫn mang bản chất của quan hệ dân sự nên cũng phải tuân theo nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự. Đó là tôn trọng quyền tự quyết, tự định đoạt cũng như sự thỏa thuận của các bên đương sự

Tóm lại, trong trường hợp trước khi mở phiên tòa mà đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, không phụ thuộc việc họ đã thực hiện xong việc bồi thường hay chưa bởi lẽ khi áp dụng pháp luật cần đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người dân. Đồng thời việc này còn thể hiện sự tôn trọng đối với sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này từ đó đảm bảo cho hoạt động tố tụng diễn ra đúng pháp luật cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả liên quan đến việc tính án phí đối với phần còn lại chưa bồi thường thiệt hại, rất mong nhận được trao đổi từ những đọc giả có quan tâm.

 

TAND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng  xét xử vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” _ Ảnh: Trương Công Hòa

 

[1] PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (chủ biên), 2016, Giáo trình Luật tố tụng dân sự, NXB.ĐHQG TP.HCM, trang 91.

[2] Trần Văn Hùng, Có tính án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền chưa bồi thường hay không? https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/co-tinh-an-phi-dan-su-so-tham-doi-voi-so-tien-chua-boi-thuong-hay-khong, truy cập ngày 07/01/2021.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật VNU –HCM)