Tòa án cần trưng cầu giám định tư pháp đối với T để có căn cứ tạm đình chỉ vụ án

Sau khi nghiên cứu bài viết “Có cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp?” của tác giả Hoàng Đạt Nam đăng trên mục “Trao đổi ý kiến” của Tạp chí Tòa án ngày 09/6/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng Tòa án cần phải trưng cầu giám định tư pháp đối với bị can T.

Về vấn đề bệnh hiểm nghèo, căn cứ quy định của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo. Đồng thời theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Theo dữ kiện bài viết, Bệnh viện Phổi nơi bị can T đang điều trị đã có xác nhận bị can T đang bị tràn dịch màng phổi phải do lao/HIV-AIDS; viêm gan C, suy kiệt (HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội); tiên lượng nặng, xấu; hiện tại phục vụ bản thân phải có người chăm sóc; cần tiếp tục điều trị do lao nặng/AIDS, bệnh nặng, hiểm nghèo, nếu không điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe có nguy cơ tử vong cao. Như vậy đối chiếu với các quy định nói trên thì tình trạng bệnh lý của bị can T thuộc trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo (HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao) .

Tuy nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 281 BLTTHS 2015 về căn cứ để Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án sau khi thụ lý và nghiên cứu hồ sơ, dẫn chiếu với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 229 BLTTHS 2015, trong trường hợp bị can bị mắc bệnh hiểm nghèo và đã có kết luận giám định tư pháp của cơ sở giám định, thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Như vậy về mặt thủ tục tố tụng thì chỉ khi có kết luận giám định của các tổ chức giám định tư pháp kết luận bị can T mắc bệnh hiểm nghèo với tình trạng bệnh lý như nêu ở trên thì Tòa án mới có căn cứ tạm đình chỉ vụ án.

Mặc dù về mặt chuyên môn y học thì xác nhận của bệnh viện nơi bị can T điều trị có thể đánh giá đúng tình trạng bệnh lý của T, nếu Tòa án có trưng cầu giám định tư pháp đối với T thì có nhiều khả năng vẫn cho kết quả tương tự như xác nhận và bệnh án của Bệnh viện Phổi nơi T đang điều trị, do đó nếu tiến hành thủ tục này sẽ gây mất thêm thời gian cũng như chi phí cho việc trưng cầu giám định, nhưng xét về mặt thủ tục tố tụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 281 BLTTHS và điểm b khoản 1 Điều 229 BLTTHS thì căn cứ để tạm đình chỉ vụ án là cần phải có kết luận giám định tư pháp của cơ sở giám định, vì xác nhận của Bệnh viện phổi về tình trạng bệnh của T là chưa đảm bảo đủ cơ sở để ra quyết định tạm đình chỉ.

Do đó, để đảm bảo chặt chẽ về mặt thủ tục tố tụng thì Tòa án vẫn cần phải trưng cầu giám định tư pháp đối với T, đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Sau quá trình điều trị tại bệnh viện nếu tình trạng sức khỏe của T thay đổi thì tùy từng trường hợp vụ án có thể sẽ được giải quyết theo quy định tại các Điều 282 và 283 BLTTHS.

Tôi cũng đồng ý với đề xuất của tác giả về việc cần có sửa đổi bổ sung về căn cứ tạm đình chỉ vụ án tại điểm a khoản 1 Điều 281 và điểm b khoản 1 Điều 229 BLTTHS, trong đó có thể bao gồm các trường hợp đối với bị can có giấy xác nhận, kết luận hoặc bệnh án của các cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên xác định được bị can bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh tâm thần, từ đó có cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giảm thiểu được vấn đề về thời gian và chi phí không cần thiết trong quá trình tố tụng.

Trên đây là ý kiến trao đổi, rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc đóng góp ý kiến trao đổi thêm.

 

TAND TP Hà Nội xét xử vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” - Ảnh: Nguyễn Hưng

 

 

 

NGUYỄN MINH CƯƠNG ( Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)