Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm khi người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa trực tuyến

Bản chất của đình chỉ xét xử phúc thẩm là làm chấm dứt quá trình giải quyết phúc thẩm vụ án. Việc Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, làm cho nội dung kháng cáo của họ không được tiếp tục xem xét.

Do đó, cơ sở pháp lý để Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là yếu tố chủ đạo và mang tính chất quyết định nhằm xác định tính hợp pháp của quyết định đình chỉ đó.

1. Nội dung vụ án

Nguyên đơn là cụ Bùi Thị N khởi kiện vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản”  tại Tòa án nhân dân tỉnh G, theo đó nguyên đơn yêu cầu bị đơn là Ngân hàng M trả lại căn nhà số 66 đường T cho cụ và những người thừa kế của cụ Nguyễn Thế C (chồng cụ N).  

- Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 04/01/2022, TAND tỉnh G đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là cụ N.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/01/2022 cụ N có đơn kháng cáo đối với bản án dân sự sơ thẩm nêu trên. TAND cấp cao đã thụ lý vụ án để giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất ngày 06/4/2022, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt và có đơn đề nghị hoãn phiên tòa.

Ngày 06/4/2022, người kháng cáo là cụ N chết. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai ngày 16/5/2022, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị hoãn phiên tòa với lý do cần xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ N.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba ngày 01/7/2022, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị hoãn phiên tòa với lý do bận công tác đột xuất.

Ngày 20/7/2022, ông D (con của cụ N) nộp danh sách những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn (gồm 7 người). Ngày 01/8/2022, Tòa án cấp phúc thẩm ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong đó thể hiện những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn đồng thời cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư ngày 18/8/2022 xét xử theo hình thức trực tuyến thể hiện: 2 trong số 07 người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn lúc điểm danh có mặt nhưng khi xét xử thì vắng mặt, 5 người khác vắng mặt; Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có mặt.

Tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 191/2022/QĐ-PT ngày 18/8/2022, TAND cấp cao đã căn cứ Điều 289 và khoản 3 Điều 296 BLTTDS đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án vì người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. 

2. Quan điểm đối với vụ án

Quan điểm thứ nhất: Tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS quy định: “Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa”.

Căn cứ quy định nêu trên, Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử vụ án là có cơ sở. Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo cũng đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và đã tham gia vụ án từ cấp sơ thẩm. Phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba Tòa án cấp phúc thẩm phải hoãn phiên tòa đều do phía người kháng cáo có đơn xin hoãn phiên tòa. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt, không thuộc trường hợp có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Trong vụ án này, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo cũng đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đã tham gia vụ án từ cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Sau phiên tòa phúc thẩm lần thứ ba đương sự cung cấp danh sách những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn (người kháng cáo) và Tòa án đã triệu tập họ tham gia phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư. Như vậy, phiên tòa phúc thẩm lần thứ tư là lần đầu Tòa án triệu tập người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người kháng cáo. Tại phiên tòa này, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có mặt nhưng người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất.

Tại khoản 1 Điều 227 BLTTDS quy định: 1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa”.

Khoản 2 Điều 296 BLTTDS quy định: “2. Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ”.

Như vậy, trong trường hợp này, lẽ ra Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 227, khoản 2 Điều 296 BLTTDS năm 2015 nêu trên để hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 228, 266 BLTTDS, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Trên đây là các quan điểm về vụ án, tác giả rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

 Một phiên tòa xét xử trực tuyến do TAND TP Bắc Giang phối hợp tổ chức. Ảnh: Chí Dũng

Luật gia CHU MINH ĐỨC