Về điều kiện giảm thời hạn cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án hình sự

Đối với điều kiện “Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt” quy định  tại Điều 102 Luật Thi hành án hình sự hiện có hai cách hiểu khác nhau.

Giảm thời hạn cải tạo không giam giữ là quy định thể hiện bản chất nhân văn của pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho các bị án tích cực cải tạo, chấp hành pháp luật sớm hết thời hạn thi hành án. Điều kiện giảm thời hạn cải tạo không giam giữ được quy định cụ thể tại Điều 102 Luật Thi hành án hình sự và Thông tư số 04/2021/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/10/2021 quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.

 Người chấp hành án có thể được TAND cấp huyện, TAQS khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;

b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;

c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.

Đối với điều kiện Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt có hai cách hiểu khác nhau.

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Tòa án huyện B xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLHS, A được trừ thời gian tạm giam quy đổi là 3 tháng còn lại phải chấp hành là 09 tháng. Sau khi chấp hành được 3 tháng thì A có đơn xin rút ngắn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện B làm văn bản và hồ sơ gửi cho Tòa án huyện B rút ngắn thời hạn cải tạo không giam giữ là 4 tháng. Xung quanh việc xác định điều kiện đã chấp hành được một phần ba thời hạn của án phạt cải tạo không giam giữ của Nguyễn Văn A tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A phải chấp hành một phần ba mức án phạt cải tạo không giam giữ của 12 tháng mới được giảm thời hạn cải tạo không giam giữ tức là trong trường hợp này A bị xử phạt 12 tháng thì A phải chấp hành 04 tháng mới đủ điều kiện giảm thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Thi hành án hình sự, trong trường hợp này A mới chỉ chấp hành được 03 tháng chưa đủ một phần ba của 12 tháng nên không đủ điều kiện giảm thời hạn cải tạo không giam giữ.

Quan điểm thứ hai: Trong trường hợp này A đã được trừ thời hạn bị tạm giam quy đổi là 3 tháng và thời gian thực tế mà A đã chấp hành là 3 tháng, như vậy A đã chấp hành được tổng cộng là 6 tháng trong tổng thời hạn 12 tháng là vượt quá một phần ba theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Thi hành án hình sự, như vậy A đã đủ điều kiện để giảm thời hạn cải tạo không giam giữ.

Chúng tôi đồng tính với quan điểm thứ hai, vì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Thi hành án hình sự là “Đã chất hành được một phần ba thời hạn án phạt” thời hạn tạm giữ, tạm giam của A cũng là thời hạn chấp hành án, nên cần cộng thời gian mà bị án đã được trừ vì bị tạm giữ, tạm giam với thời gian mà bị án đã chấp hành để tính tổng thời gian chấp hành án đây là nguyên tắc có lợi cho bị án.

Trên đây là những cách hiểu khác nhau về giảm thời hạn giảm thời hạn cải tạo không giam giữ, rất mong nhận được ý kiến từ bạn đọc./.

 

Một bị cáo bị đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt 1 năm cải tạo không giam giữ - Ảnh: Trần Tiến 

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)