Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện – Góc nhìn từ cơ sở

Dựa trên cơ sở thực trạng khó khăn trong quá trình điều hành, tổ chức công tác xét xử của TAND cấp huyện theo mô hình hiện nay, bài viết kiến nghị đổi mới về mô hình tổ chức theo định hướng thành lập Tòa án khu vực, góp phần thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1. Những trăn trở từ thực tiễn

1.1. Khái quát về thực trạng Tòa án cấp huyện trên địa bàn

Tỉnh Kiên Giang có 15 TAND cấp huyện gồm 12 đơn vị huyện, 3 đơn vị thành phố (trong đó có 2 đơn vị là huyện đảo, 13 đơn vị đất liền). Đến năm 2020 các TAND cấp huyện có 196 biên chế, trong đó có 102 Thẩm phán; tổng số án thụ lý của cấp huyện là 12.896 vụ, việc. Trong đó có 3 đơn vị thụ lý trên 1.000 vụ, việc; 10 đơn vị thụ lý từ 300 đến dưới 1.000 vụ, việc 2 đơn vị án thụ lý dưới 300 vụ, việc. Riêng Tòa án huyện An Minh, năm 2020 có 10 biên chế với 5 Thẩm phán (trong đó có 1 Chánh án, 02 phó Chánh án), tổng án thụ lý là 801 vụ, việc, thuộc nhóm 2 theo phân loại.

1.2. Những vướng mắc từ cơ sở

Trong quá trình làm công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức công tác xét xử của TAND cấp huyện, tác giả nhận thấy có một số vấn đề nổi lên cần phải giải quyết. 

+ Một là, về xây dựng môi trường chuyên nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán

 Chất lượng, hiệu quả hoạt động Tòa án được đánh giá qua kết quả của các Thẩm phán. Do đó, lãnh đạo TANDTC đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm  xây dựng đội ngũ Thẩm phán về phẩm chất và năng lực, vững vàng về bản lĩnh chính trị và giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và của Nhà nước[1]. Mỗi Thẩm phán có sự hiểu biết, năng lực, sở trường ở một lĩnh vực nhất định. Để Thẩm phán thật sự giỏi nghiệp vụ thì cần phải được hoạt động chuyên môn hóa trong một lĩnh vực nhất định. Hoạt động nghề nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp, chuyên sâu là con đường tốt nhất để rèn luyện Thẩm phán tinh thông nghiệp vụ.

Vì vậy, TANDTC đã yêu cầu TAND cấp huyện nào chưa thành lập được các Tòa chuyên trách thì nên phân công Thẩm phán theo từng lĩnh vực án. Với vai trò lãnh đạo đơn vị, tác giả nhận thức đây là chủ trương đúng đắn, đã tìm biện pháp tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, không riêng đơn vị An Minh mà đa số các đơn vị Tòa án cấp huyện chưa thực hiện được chủ trương này. Lý do là tại từng đơn vị cấp huyện lượng án thụ lý của từng loại án chênh lệch xa về số lượng. Chẳng hạn tại đơn vị, mỗi năm án hình sự khoảng 40 vụ, hành chính (kể cả áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính) dưới 10 vụ việc, hôn nhân gia đình khoảng 350 vụ, việc, dân sự khoảng 300 vụ việc; bình quân mỗi Thẩm phán 140 vụ, việc/năm. Nếu phân công án theo lĩnh vực thì Thẩm phán phụ trách án hình sự, án hành chính có số lượng ít, không đạt số án bình quân chung; trong khi Thẩm phán phụ trách án dân sự và án hôn nhân lại quá tải. Trong điều kiện đó lãnh đạo phải phân công Thẩm phán giải quyết nhiều loại án. Từ đó hoạt động nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng của Thẩm phán phải dàn trãi trên nhiều lĩnh vực, thiếu tính chuyên sâu. Đây cũng là một trong  những nguyên nhân làm cho năng lực chuyên môn của Thẩm phán chậm nâng lên, chưa đáp ứng yêu cầu.

+ Hai là, về thành lập các Tòa chuyên trách trong Tòa án cấp huyện

Chủ trương thành lập các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân cấp huyện là chủ trương đúng, tiến bộ nhằm xây dựng môi trường làm việc chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cho các Thẩm phán, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Tòa án. Tuy nhiên từ khi Luật Tổ chức Tòa án có hiệu lực đến nay đã hơn 6 năm nhưng chúng ta chưa thực hiện được đầy đủ.

Riêng tỉnh Kiên Giang chỉ mới có Tòa án Tp Rạch Giá lập được Tòa chuyên trách, 14/15 Tòa án cấp huyện còn lại chưa thành lập được. Lý do không đáp ứng các tiêu chí về số án thụ lý và số lượng Thẩm phán. Xét về tổng số án thụ lý thì nhiều nhưng từng loại án không đều nhau nhất là án hành chính và án hình sự không đủ lượng án để thành lập Tòa chuyên trách. Về số lượng Thẩm phán hiện tại ở mỗi tòa có từ 5 đến 8 Thẩm phán không đủ để bố trí cho từng tòa chuyên trách. Nguyên nhân chính là do mô hình TAND cấp huyện gắn với đơn vị hành chính nên quy mô về biên chế và lượng án luôn không đáp ứng các tiêu chí. Nếu không mạnh dạn thay đổi mô hình tổ chức TAND cấp huyện thì chủ trương thành lập các Tòa chuyên trách trong TAND cấp huyện khó đảm bảo thực hiện trên thực tế.

+ Ba là, về bố trí, sử dụng cơ sở vật chất

 Việc bố trí phòng xử án phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án; vừa đảm bảo tôn trọng quyền con người vừa đảm bảo sự tôn nghiêm, nâng cao hiệu quả xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Nhìn chung, đa số trụ sở Tòa án cấp huyện hiện nay rất chật hẹp, không đáp ứng yêu cầu trong việc bố trí phòng xét xử. Bên cạnh đó, việc bố trí, sử dụng phòng xử án tại TAND cấp huyện hiện nay vừa thiếu trầm trọng vừa lãng phí.

Ví dụ tại đơn vị có 2 phòng xét xử, 1 phòng xử án hình sự (trừ án chưa thành niên) và 1 phòng xử các loại án còn lại. Trong khi phòng xét xử án hình sự được đầu tư “hoành tráng” (riêng Kiên Giang được hỗ trợ lắp hệ thống trực tuyến) nhưng mỗi năm chỉ xét xử khoảng 40 vụ; phòng xét xử các loại án còn lại rất chật hẹp mà mỗi năm phải xét xử trên 400 vụ việc. Khắc phục tình trạng này thì phải mở rộng, nâng cấp hoặc xây mới trụ sở. Điều kiện để xây dựng mới trụ sở về diện tích đất tối thiểu 5.000m2 với bề ngang mặt tiền đạt 70m đã gây áp lực và rất khó thực hiện cho UBND cấp huyện khi bố trí đất xây dựng trụ sở Tòa án. Mặt khác, với 702 Tòa án cấp huyện trong cả nước thì nguồn lực đầu tư  xây dựng là rất lớn, ngân sách quốc gia khó đảm bảo. Nếu thực hiện sáp nhập các Tòa án cấp huyện, tinh gọn lại bộ máy thì việc cân đối, đầu tư xây dựng sẽ thuận lợi hơn.

2. Kiến nghị đổi mới mô hình tổ chức Tòa án cấp huyện

2.1. Đổi mới mô hình tổ chức Tòa án cấp huyện là một tất yếu

Bàn về đổi mới mô hình tổ chức TAND cấp huyện không phải là sự phủ nhận những ưu điểm, tiến bộ và tính hợp lý của mô hình TAND cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện. Tòa án cấp huyện trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống Tòa án với những kết quả đã được ghi nhận. Đặt trong bối cảnh hiện nay và trước xu thế của thời đại, nhất là sự phát triển về khoa học công nghệ, yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức TAND cấp huyện là một yêu cầu tất yếu.

Đã có rất nhiều quan điểm, ý kiến bàn về đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án, trong đó có Tòa án cấp huyện. Đặc biệt Tạp chí Tòa án nhân dân đã ra Số chuyên đề về Đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới[2]. Qua các bài viết, các tác giả đã phân tích làm rõ về những yêu cầu cần thiết để đối mới hệ thống Tòa án; những quan điểm chỉ đạo, những định hướng khi sắp xếp, đổi mới hệ thống Tòa án; đưa ra nhiều mô hình, nhiều phương án với những phân tích cụ thể để nghiên cứu, lựa chọn. Đặc biệt bài viết “Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới” của PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình đã giải tỏa được những băn khoăn, vướng mắc khi tiến hành đổi mới tổ chức Tòa án, nhất là đối với TAND cấp huyện.

Quan điểm đổi mới TAND cấp huyện theo định hướng thành lập Tòa án khu vực đã được đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Lúc đó có rất nhiều quan điểm trái chiều, nhiều ý kiến phản đối. Vấn đề nổi cộm nhất là điều kiện để người dân tiếp cận Tòa án. Với điều kiện kinh tế xã hội vào thời điểm đó chưa cho phép chúng ta có điều kiện tháo gỡ những khó khăn đó cả về lý luận và thực tiễn. Trong thời điểm hiện tại bên cạnh sự phát triển về kinh tế xã hội, thì cuộc cách mạng 4.0 đã giúp tháo gỡ nhiều vấn đề. Trong đó các quy định về nhận đơn qua đường bưu điện, qua trang điện tử và các đề án như xây dựng Tòa án điện tử, mô hình xét xử trực tuyến mà Tòa án tối cao đang thực hiện thì việc tiếp cận Tòa án của người dân không còn là quá khó khăn. Do đó, có thể khẳng định đã hội đủ những yếu tố, điều kiện để đổi mới mạnh mẽ mô hình Tòa án cấp huyện theo hướng xây dựng Tòa án khu vực.

2.2. Đề xuất về định hướng sáp nhập và thành lập Tòa án khu vực

Đã có nhiều đề án, nhiều ý kiến của các chuyên gia về mô hình Tòa án cấp huyện để cấp có thẩm quyền nghiên cứu, quyết định. Ở góc độ là lãnh đạo Tòa án cấp huyện, tác giả thống nhất theo định hướng đổi mới Tòa án cấp huyện đã được Nghị quyết 49 chỉ rõ là “Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện”. Định hướng này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp để tổ chức thực hiện đổi mới Tòa án cấp huyện theo hướng thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực. Trong quá trình sáp nhập các Tòa án cấp huyện thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực theo tác giả cần nghiên cứu thêm các vấn đề sau:

Một là, cần đánh giá lại tiêu chí về số lượng án khi tiến hành sáp nhập. Thành lập Tòa án khu vực không chỉ là phép cộng một cách cơ học các Tòa án có ít án và gần nhau lại với nhau. Theo tiêu chí hiện nay chỉ sáp nhập những Tòa án có số lượng án thụ lý dưới 300 vụ, việc/năm là chưa hợp lý. Theo tiêu chí này chỉ có 183/702 Tòa án cấp huyện trong cả nước phải sáp nhập (riêng Kiên Giang có 2 Tòa). Sáp nhập Tòa án cấp huyện để hình thành Tòa án khu vực là chủ trương đổi mới mạnh mẽ, nhằm khắc phục những hạn chế mô hình Tòa án cấp huyện như hiện nay đang gặp phải. Nếu chỉ sáp nhập với số lượng Tòa án như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy. Do đó, tác giả kiến nghị trong quá trình sáp nhập không nên đặt nặng về số lượng án phải thụ lý giải quyết.

Hai là, nên thành lập Tòa án khu vực theo vùng, tiểu vùng kết hợp với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý của đơn vị hành chính cấp huyện. Vùng hoặc tiểu vùng nói đến ở đây là căn cứ vào sự phân chia, vào quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Điều kiện tự nhiên là cấp huyện đó là đất liền hay hải đảo; chính quyền đô thị hay nông thôn. Bởi lẽ, mỗi vùng, tiểu vùng sẽ có những đặc điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, dân trí, tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân, sự phát triển về kinh tế xã hội... Các đặc điểm đó cũng có sự khác nhau giữa đô thị với nông thôn; giữa huyện đảo với đất liền. Nhất là các huyện đảo có điều kiện tự nhiên đặc biệt, điều kiện đi lại rất khó khăn. Các đặc điểm đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, tổ chức xét xử của Tòa án cũng như điều kiện để người dân tiếp cận hoạt động Tòa án. Do đó nếu sáp nhập Tòa án huyện đảo với đơn vị khác hoặc ghép một Tòa án ở đô thị với nông thôn sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận hành sau này. Thành lập Tòa án khu vực theo vùng, theo chính quyền đô thị hay đảo sẽ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của cấp ủy đảng, của chính quyền. Nhiệm vụ của Tòa án là bảo vệ công lý nhưng mục đích cuối cùng là góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Ví dụ tỉnh Kiên Giang hiện có các vùng gồm: Tứ giác Long Xuyên, Nam Sông Hậu, U Minh Thượng, Thành phố Rạch Giá (đô thị), Thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Hải (đảo). Tương ứng với đó sẽ là các Tòa án khu vực Rạch Giá, Phú Quốc, Tứ Giác Long Xuyên, Nam Sông Hậu, U Minh Thượng. Tức là chỉ còn 5 Tòa án khu vực so với 15 Tòa án cấp huyện như hiện nay. Tương tự như vậy các tỉnh, thành khác sẽ căn cứ vào quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế của địa phương để đề xuất số lượng thành lập các tòa án khu vực tương ứng.

Thứ ba, Khi Tòa án khu vực được thành lập sẽ có đủ các điều kiện để thành lập các Tòa chuyên trách, các Thẩm phán sẽ được hoạt động nghề nghiệp chuyên sau trong lĩnh vực nhất định nên trình độ, kỹ năng sẽ được nâng cao. Trên cơ sở đó tiến tới việc tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực theo hướng xét xử sơ thẩm tất cả các loại án. Khi đó chúng ta có điều kiện giảm tải số lượng án sơ thẩm phải giải quyết tại Tòa án cấp tỉnh như hiện nay và Tòa án tỉnh sẽ tập trung cho công tác xét xử phúc thẩm.

3. Kết luận

Thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc đổi mới mô hình tổ chức Tòa án cấp huyện từ hình thức gắn với đơn vị hành chính cấp huyện sang thành lập Tòa án khu vực là một yêu cầu tất yếu khách quan.

Từ thực tiễn lãnh đạo Tòa án cấp huyện tác giả nêu lên những trăn trở trong quá trình thực hiện và biểu thị quan điểm đồng tình, ủng hộ việc thành lập Tòa án khu vực. Đồng thời nêu một số ý kiến mang tính góp ý từ cơ sở để cấp có thẩm quyền nghiên cứu và mong muốn chủ trương thành lập Tòa án khu vực được đẩy nhanh thực hiện. Mục đích là tạo các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán; để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển; để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp[3]./.

 

TAND huyện Tân Phước, Tiền Giang xét xử sơ thẩm vụ án hình sự các đối tượng về tội “Gá bạc” và “Đánh bạc”. Ảnh Trọng Tín


[1] PGS, TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý. Tạp Chí Cộng sản đăng ngày 4/12/2017

[2] Xem thêm Tạp chí Tòa án nhân dân số 15-2021

[3] Trích Bài phát biểu của Chánh án Nguyễn Hòa Bình tại Lễ Tuyên thệ nhậm chức
https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAND183188

LÊ CHÍ CÔNG (Chánh án TAND huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang)