Hà Nội - Xét nghiệm toàn thành phố sao cho an toàn?

Công điện của Chủ tịch UBND Tp Hà Nội về tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố, đặt ra nhiều mối quan tâm đối với người dân. 

Ngày 6/9, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công điện yêu cầu tập trung tăng tốc thực hiện một số nội dung với mục tiêu, trước ngày 15/9/2021 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 để Thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế tại Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 (về việc ban hành tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Nguyên tắc thực hiện là phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.

Xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn Thành phố để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. 

Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2021 trên cơ sở số vắc xin được phân giao của Bộ Y tế.

Căn cứ vào số đối tượng xét nghiệm, tiêm vắc xin trên địa bàn, tăng cường tối đa các điểm lấy mẫu, điểm tiêm và lực lượng lấy mẫu, tăng cường tiêm ngoài giờ, vào buổi tối để đảm bảo hoàn thành tiến độ của Thành phố.

Củng cố các “pháo đài” chống dịch tại từng phường, xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sỹ” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị theo sự chỉ đạo thống nhất của Sở Chỉ huy Thành phố.

Tạo điều kiện tối đa cho người dân đảm bảo các sinh hoạt hàng ngày đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thiết yếu khác. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Khởi động ngay việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế tại các "vùng xanh", "vùng vàng" và tiến tới trên toàn địa bàn Thành phố từ ngày 15/9/2021.

Người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ thực hiện và báo cáo ngay Chủ tịch UBND Thành phố, người đứng đầu Sở Chỉ huy Thành phố khi có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền.

Công điẹn mới khiến người dân vui mừng vì toàn thành phố sẽ được tiêm chủng, đây là lá chắn hữu hiệu để ngăn ngừa dịch bệnh, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, Công điện cũng nảy sinh những vấn đề đáng quan tâm.

Điều đáng quan tâm lo ngại nhất là việc xét nghiệm. Chỉ thị yêu cầu "huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các "vùng đỏ", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh" trong khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội" đồng nghĩa với việc nhiều người dân tụ tập về điểm xét nghiệm, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "giãn cách" trong phòng chống dịch mà bài học kinh nghiệm đã có ở các địa phương khác. 

Với chỉ tiêu "Từ ngày 06/9/2021 đến 12/9/2021, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn Thành phố theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao: Lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần. Tại khu vực có nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần. Tại các khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần" thì có đủ nhân viên y tế để thực hiện hay không? Có bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu và người được lấy mẫu hay không?

Một vấn đề pháp lý đặt ra là nếu có người dân từ chối xét nghiệm thì có được cưỡng chế hay không? Cưỡng chế hay không cưỡng chế dựa trên cơ sở pháp lý nào? Theo Công điện thì "Tăng cường thông tin, truyền thông thống nhất kịp thời về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, người dân hiểu, người dân tin, người dân hưởng ứng, người dân ủng hộ và người dân cùng làm; cụ thể làm cho người dân yên tâm và tự giác thực hiện phòng, chống dịch" - như vậy là vận động, tuyên truyền để người dân tự giác chứ không có cưỡng chế.

 Công điện số 20/CĐ-UBND sẽ tác động đến toàn thành phố, đến kết quả phòng chống dịch, nên người dân mong rằng UBND Tp Hà Nội có những chỉ đạo thật khoa học, chặt chẽ, hợp lý và bình tĩnh để đạt được mục tiêu trước ngày 15/9/2021 kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Đường phố Hà Nội sáng 6/9 khi thực hiện việc kiểm tra giấy đi đường - Ảnh: PV

 

 

THÁI VŨ