Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân

Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có 27 chuyên đề. Để thực hiện tốt các chuyên đề phức tạp, quan trọng và khẩn trương như vậy, đòi các cơ quan quán triệt thật tốt quan điểm của Đảng về vấn đề này.

Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” dự kiến trình Trung ương vào tháng 10-2022, các cơ quan được phân công đang tích cực nghiên cứu để đạt tiến độ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đề án có tính chiến lược, thiết thực

Ngay tại Phiên thứ nhất  của Ban chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân đã Phúc nhấn mạnh tinh thần xây dựng một đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan nhà nước, thực sự xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá cần thiết để xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm thành công. Trong đó, cần quan tâm những vấn đề như bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, thực hiện dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng, không thiên vị, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế. Đặc biệt cần bám sát nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở, nền tảng.

Tại Phiên họp thứ hai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc thực hiện 27 chuyên đề của Đề án phải có tư duy mới, vừa kế thừa những thành quả xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay; đồng thời nâng các nghiên cứu lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2045.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công, cũng nêu rõ quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó có xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đối với xây dựng hệ thống pháp luật yêu cầu có hệ thống đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân dân chủ pháp quyền chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Yêu cầu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị toàn quốc các Cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng  mới đây, cũng đã nhấn mạnh khẳng định và bổ sung một số định hướng lớn cho công tác nội chính thời gian tới là "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội".

Quan điểm về Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong văn kiện Đại hội XIII

Vấn đề “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Văn kiện Đại hội XIII rất phong phú và toàn diện, bổ sung nhiều điểm mới so với các kỳ đại hội trước.

Đại hội XIII đánh giá: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”[1]; nội dung, phương thức xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”. Đại hội XIII xác định vị trí của nhiệm vụ, đến các nội dung, biện pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện tư duy mới và những bước phát triển mới về chất so với các kỳ đại hội trước. Về vị trí của nhiệm vụ, Văn kiện xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị[2]”.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hồi, điểm nổi bật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự nhất quán tư tưởng “thượng tôn pháp luật”. Đây là tư tưởng chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Đại hội chỉ ra: “Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”. Chính tinh thần “thượng tôn pháp luật” được đề cao cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất sẽ là động lực mạnh mẽ để xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mới được hiện thực hóa.

Đối với nội dung xây dựng các thiết chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội XIII nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng: tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền trong tổ chức và hoạt động, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Đối với thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội, Văn kiện xác định việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, “xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế”. Đề cập đến “sức cạnh tranh quốc tế” của hệ thống pháp luật là một nét rất mới của Văn kiện lần này, phù hợp với bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Theo đó, cần xây dựng các văn bản pháp luật và các thiết chế bảo vệ nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế; nội luật hóa những điều ước quốc tế, nhất là các hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Đối với tổ chức và hoạt động của Chính phủ, phải theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tập trung xây dựng Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”. Trong nhiệm kỳ này, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước là thống nhất.

Đối với cơ quan tư pháp, Đại hội XIII chủ trương: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; coi đó là nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với Nghị quyết số 49-NQ/TW, của Bộ Chính trị (khóa IX), Văn kiện đã có sự phát triển mới, nhất là nhấn mạnh yếu tố chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính.

Về chính quyền địa phương, Đại hội XIII bổ sung, làm rõ hơn nội dung: tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phân định rõ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hồi: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quá trình nhận thức, phát triển tư duy của Đảng ta ngày càng hoàn thiện hơn; đồng thời, là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm của Đại hội XIII là thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[3].

 

Phiên thứ nhất  của Ban chỉ đạo - Ảnh: NC

 

[1] ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 71.

[2] Sđd, Tập I, tr. 174.

[3] Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng – Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 9/9/2021

PHẠM CHÂU QUỲNH