Chuyện về Nhà văn, Nhà báo “giải mã” cuộc đời anh hùng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã cống hiến cho đời nhiều tác phẩm giá trị mang đậm phong cách riêng, tạo ấn tượng sâu sắc với người đọc, sự cảm phục của đồng nghiệp trong, ngoài nước. Đặc biệt chị là người góp phần quan trọng “giải mã” được cuộc đời của một nhân cách lớn, tài năng khác thường – nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

Nửa thế kỷ song hành nghề báo – nghiệp văn

Nhà báo – Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải là người con gái xứ Đoài. Chị sinh năm 1944, quê quán tại xã Tích Giang, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là thành phố Hà Nội). Bén duyên văn chương từ những năm 60 của thế kỷ XX qua tác phẩm đầu tay “Phần việc của người đi vắng” in trên báo Văn nghệ Trung ương với hình vẽ minh họa của nhạc sĩ Văn Cao.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải

Từ một Phóng viên, bằng nỗ lực tự thân, Nguyễn Thị Ngọc Hải dần trưởng thành qua các cương vị Ủy viên Ban Biên tập và Tổng Thư ký tòa soạn của Báo Phụ Nữ Việt Nam. Đến năm 1987, nhu cầu đổi mới bản thân thôi thúc, chị cùng gia đình vào Nam. Với khả năng phát hiện đề tài, lối viết dung dị gần gũi, hóm hỉnh nhưng không kém sâu sắc, chị được không ít tờ báo mời cộng tác viết bài hoặc đứng chuyên trang. Như “Chuyện nhà tôi” trên tờ Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần do chị phụ trách với bút danh Quảng Yên, mục Hôn nhân và Gia đình của Báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh với chị Hạnh Dung …

Đến nay, ở độ tuổi “cổ lai hy”, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài “xông pha” trên cả ba “mặt trận”: Làm báo, viết văn, giảng dạy. Một nghị lực bền bỉ cùng sức làm việc thật đáng nể. Vì chị đang phải “sống gấp”, bởi “từng tuổi này mà vẫn chưa bị nghề thải đi, đuổi đi…vẫn còn được việc” như lời chị từng nói, cùng niềm vui không dấu diếm: “Tôi không có tướng để làm ông nọ, bà kia, nhưng sung sướng vì được làm một nhà báo “ra hồn”.

Niềm đam mê khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người

Gần nửa thế kỷ viết văn, làm báo, chị “ngộ” ra viết lách với mình giờ thành một cái nghiệp. Trên hành trình dằng dặc ấy, văn chương đã đắp bồi, làm phong phú thêm những tình cảm đôn hậu trong chị ; và báo chí góp phần hình thành nhãn quan phát hiện nhạy bén, tạo điều kiện thâm nhập mọi ngóc ngách đời sống để thu thập tư liệu. Tác động tương hỗ ấy biểu hiện rõ trên các trang viết, qua những bài báo giàu chất văn, các tác phẩm văn học phi hư cấu, đậm tính thời sự của chị. Như chị từng nói: “viết báo là tìm kiếm, viết văn là chia sẻ”. Một mệnh đề đơn giản, chuẩn xác và có thể xem như phương châm nghề nghiệp đối với người cầm bút.

Đến nay, nhà văn-nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có khoảng hai mươi đầu sách được xuất bản gồm đủ thể loại: Tập truyện, tiểu thuyết, ký sự nhân vật, phiếm đàm …Trong đó, mảng ký sự nhân vật chiếm dung lượng nhiều nhất với hàng chục cuốn, là lĩnh vực chị say mê theo đuổi bấy lâu cùng hình thức biểu đạt rất riêng, nghiêng về khám phá nội tâm, tìm vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn từng con người, những tố chất đặc biệt chứ không nặng về săn tìm tư liệu khô khan. Bởi với chị “Những con người ưu tú, đó là tài sản tinh thần của dân tộc, nếu không khai thác sẽ bị mất đi theo thời gian…”, đồng thời tâm niệm: “Tôi chuyên tâm viết chân dung con người thôi. Như để cho bạn đọc được trực tiếp nói chuyện và nghe họ kể. Những thứ mà khi họ mất đi, chả bảo tàng nào giữ được”. Ngoài những văn nghệ sĩ tên tuổi như Hồ DZếnh, Hoàng Cầm, Thanh Tùng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng…; nhà sử học Nguyễn Đình Đầu; giáo sư Trần Hữu Dũng; trong bộ “sưu tập” chân dung của chị còn có nhiều nhân vật “lừng lẫy” khác. Như “Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo”; “Đại tướng Mai Chí Thọ”; đại biểu Quốc hội Ya Duk (từng là Phó Thủ tướng Fulro trước đây)…

Đặc biệt nhất là hai hình mẫu đã khơi nguồn cảm hứng đồng thời cung cấp chất liệu sống để chị tạo dựng nên hai tác phẩm giá trị: Bác sĩ Trần Văn Bản trong “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống” và nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn trong “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời”. Cả hai tác phẩm này đều tạo được tiếng vang ngay khi vừa xuất bản và lập tức nhận được các giải thưởng lớn: Giải B văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống” năm 1997; Giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (1999-2002) cho cuốn “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời”, sau đó cuốn sách này tiếp tục được Bộ Quốc phòng trao tặng giải A năm 2002.

Thế nhưng, việc chị bén duyên với hai nhân vật đặc biệt này lại hoàn toàn ngẫu nhiên. Với bác sĩ Bản là từ một mẩu tin trên báo, khơi dậy trong chị những cảm xúc thiêng liêng trước nghĩa tình sâu nặng của một cựu binh miệt mài tìm kiếm di cốt đồng đội suốt bao năm. Còn với người anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn lại từ sự giới thiệu tình cờ của một bác sĩ và qua tiếp xúc, chị khao khát tìm hiểu, giải mã về cuộc đời một con người có nhân cách lớn, tài năng khác thường, “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống” là câu chuyện kể về bác sĩ Trần Văn Bản trên hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ, những người bạn chiến đấu cùng đơn vị tiểu đoàn Cát Bi (Hải Phòng). Những người lính trẻ “chiến trường đi không tiếc tuổi xuân”, chỉ yêu cầu đồng đội một điều: “mang xác tao về với mẹ”. Mong muốn đơn giản mà nghe quặn thắt tâm can, mà đau đáu không nguôi trong lòng người sống. Qua bao năm vật đổi sao dời, thời gian vùi lấp, việc thực hiện lời hứa thiêng liêng ấy giờ như mò kim đáy bể. Lần tìm về chiến trường xưa, giữa rừng núi sông hồ, người cựu binh đào sâu trí nhớ, cẩn trọng lần theo từng chỉ dấu nhỏ nhoi, để phát hiện, khai quật từng mẩu di cốt. Rồi phải xác định đúng “chính chủ”, sau đó mới về tận nơi trao lại cho người thân liệt sĩ. Câu chuyện được kể liền mạch với cách hành văn dung dị, đan xen những chi tiết chân thực, đậm hơi thở cuộc sống; cùng những trạng thái cảm xúc sâu kín của nhân vật, nhất là nỗi đau của người mẹ liệt sĩ mòn mỏi ngóng con. “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống” đã đánh thức lương tri và tạo cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ nhất định trước bao nỗi đau vẫn đang hiện hữu thời hậu chiến.

Cũng như con người, mỗi tác phẩm văn học đều có số phận riêng. Không như cuốn “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống”; ngay từ lúc manh nha ý định viết cho đến lúc cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời” ra mắt bạn đọc, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã phải nỗ lực vượt bao rào cản. Trước hết từ nhân vật chính. Bởi ngay từ lúc đầu gặp, khi biết ý định của chị, Phạm Xuân Ẩn đã một mực lắc đầu, không muốn chị viết về ông. Mà chị thì đang hết sức ngạc nhiên với ngổn ngang bao câu hỏi về nhân vật kỳ lạ này; một người Việt đầu tiên được đào tạo báo chí tại quận Cam, California, Hoa Kỳ; phóng viên sáng giá của hãng thông tấn Reuter và tạp chí Time nhưng lại là đảng viên cộng sản từ năm 1953 đồng thời là tình báo viên xuất chúng của cách mạng: được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1976 và phong quân hàm thiếu tướng vào năm 1990. Lừng lẫy là thế nhưng uẩn khúc nào khiến ông bị lãng quên suốt 27 năm dài, không một bài báo, một dòng tin nhắc đến?

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (trái) cùng Phạm Xuân Ẩn và vợ con của ông

Bị từ chối nhiều lần, chị đã tạm gác ý định viết về ông. Nhưng vẫn muốn gặp gỡ, chuyện trò để được học hỏi nhiều điều từ một tài năng, một nhân cách lớn. Rồi đến lúc ông nhận ra, việc để bản thân lộ diện trên trang viết của chị là điều cần thiết. Không phải cho ông mà cho xã hội. Để người đương thời và hậu thế qua đó có được cái nhìn đúng đắn về lịch sử, những mảng khuất trong cuộc chiến. Cứ thế hàng chục năm, chị cắp giấy bút đến gặp ông, nghe ông kể những chuyện không thể đoán định trước rồi miệt mài ghi chép một cách chính xác. Đến lúc này những rào cản khác lại xuất hiện. Đầu tiên từ áp lực tổ chức. Là một anh hùng, một thiếu tướng tình báo nhưng ở thời điểm ấy, Phạm Xuân Ẩn vẫn còn hết sức bí ẩn trong mắt người đời, ngay cả trong hệ thống. Vướng vít quanh ông màn sương nghi ngại, từ chuyện ông đích thân lái xe chở Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ chế độ Việt Nam Cộng hòa đào thoát ngày 30/4/1975; đến lời đồn ông bị đưa ra Bắc học tập cải tạo sau ngày thống nhất đất nước …Nên chị nhiều lần bị lãnh đạo nhắc nhở: “Cấp trên bảo cô dừng ngay việc gặp ông Ẩn, không viết cái gì về ông Ẩn”. Bỏ qua áp lực, chị cứ thế “tò mò một cách chân thành”. Nhưng với rào cản thứ hai là thu thập các tài liệu mật liên quan thì cả chị và ông Ẩn đều “bó tay”. Như sau này chị chia sẻ nỗi khổ của người viết sách tình báo trong nước: “Nhân vật đã bí ẩn, tài liệu mật mịt mù tìm nơi đâu, ai giúp? Nhiều éo le ngóc ngách phải lần mò thẩm tra, liên kết nó lại…” Vì vậy, chị đã tự nhận biết và giới hạn cuốn sách như “một chớp đèn flash” nhìn vào nhân vật, qua đó làm nổi rõ tài năng, nhân cách, tầm vóc lớn lao của người anh hùng tình báo một cách chân thực .

Bản thảo viết xong, khi xem lại, Phạm Xuân Ẩn chỉ sửa qua lỗi chính tả, tên đất, tên người và vẫn giữ nguyên văn phong của tác giả. Xếp lại bản thảo, cả hai người chỉ xem đây là sự sẻ chia, một kỷ niệm chứ chưa nghĩ đến việc in ấn. Tình cờ, một người bạn có “máu” mê sách từ Hà Nội vào Sài Gòn ghé thăm chị.

Phát hiện tập bản thảo “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” trong ngăn bàn, biết có cuộc thi sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đang ở chặng cuối, anh bảo với chị: “Để tôi cầm ra”. Không ngờ, tác phẩm giành chiến thắng thuyết phục với giải A danh giá. Nhắc lại chuyện này, chị cười hóm hỉnh: “Cuốn sách được in, lại còn được giải thưởng. Từ đấy mới tóe loe ra cái tên Phạm Xuân Ẩn và không ai làm gì được nữa”.

Từ “dư chấn” của “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời”; thông tin về người anh hùng tình báo lập tức ngập tràn trên các phương tiện truyền thông. Nhiều nhà văn, nhà báo, nghiên cứu sử học trong và ngoài nước tìm gặp, tiếp xúc, ghi chép về ông. Đến nay, đã có nhiều phim tư liệu, hàng loạt đầu sách đủ thể loại viết về Phạm Xuân Ẩn. Tiếc một điều, đến thời điểm ông mất năm 2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ mới duy nhất cuốn “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải được ấn hành, ra mắt bạn đọc.

Trong lời đề từ sách tặng chị, nhà văn người Mỹ, giáo sư sử học Larry Berman, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Điệp viên hoàn hảo” đã viết: “Cuốn sách của bà về Phạm Xuân Ẩn đã mở đường cho tất cả chúng tôi…Trong tất cả những người viết về Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết”. Và giáo sư Thomas Bass, tác giả cuốn sách “Điệp viên Z21- Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” cũng trả lời phỏng vấn trên tạp chí Tuổi trẻ cuối tuần ngày 27/4/2014 như sau: “Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả quan trọng hàng đầu về Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách của bà là chỉ dẫn quan trọng cho tất cả chúng tôi, những người theo bước chân bà viết về ông”.

Nhà báo phải là người tử tế, dám “xáp vào lửa”

Bao năm lăn lộn cùng nghề, với cá tính năng động, thông minh, chị đã định hình cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp; nhanh nhạy trong quan sát, cẩn trọng trong ghi chép, chắt lọc từng chi tiết khi triển khai bài viết. Dù khiêm tốn tự nhận mình “không có nét tính cách của một nhà báo hiện đại nên phải luôn rượt đuổi theo các bạn đồng nghiệp…” nhưng chỉ điểm qua một số đầu sách như “Sốc văn hóa”, “Chuyện nhà tôi – Bao giờ bước tới bờ vui?”, “Chuyện nhà tôi – Mẹ già còn ở trên Phây?”; dễ dàng cảm nhận được hơi thở cuộc sống đương đại phả qua từng trang sách. Luôn luôn “quan sát, nhặt nhạnh” và “dỏng tai nghe chuyện”, chị như một chiếc ăng ten cực nhạy lúc nào cũng ở trạng thái thu nhận các tín hiệu mới, lạ. Bởi theo chị “môi trường làm báo luôn phải ở mũi nhọn, thời sự, luôn cập nhật cái mới, có cách tiếp cận mới”. Với chị, nỗi sợ nghề nghiệp lớn nhất bây giờ là bị lạc hậu, nên chị vẫn không ngừng học hỏi, ngay cả với bạn bè người thân.

Tâm huyết với nghề, chị từng trăn trở: “Nghề báo là nghề xáp vào lửa, giáp mặt với lửa. Nhưng tôi thấy nhiều phóng viên bây giờ ít chịu đi, ít chịu phấn đấu để trở thành nhà báo giỏi, mà lại thích hoặc bị làm “quan báo”. Có nhiều tòa soạn “quan báo” còn nhiều hơn cả phóng viên”. Trước thực trạng báo chí hiện nay, chị thẳng thắn nhận định: “Bây giờ, thật hiếm hoi, thật khó tìm ra một bài phóng sự điều tra lớn và sâu sắc. Nhà báo dấn thân cho nghề, chịu đựng thất bại, cay đắng, đau đớn vì nghề bây giờ rất ít. Một số ảo tưởng về nghề, số khác hầu như chỉ chọn công việc kiếm tiền nhanh…”

Nên không lạ, khi chị nêu quan niệm về nghề: “Nếu nghĩ rằng nghề báo là một nghề tử tế, góp phần làm cho cuộc sống tử tế hơn, thì nhà báo trước hết phải là người tử tế, dù cho xã hội có thay đổi hay biến động”. Một quan niệm xác đáng, luôn đúng và không bao giờ cũ./.

Theo phaply.vn

DUY THÁI