Phá thai không phải chuyện bình thường

Tòa án tối cao Hoa Kỳ phán quyết về vụ kiện "Roe chống lại Wade" năm 1973 cho rằng cho phép phá thai là quyết định sai lầm, vì Hiến pháp Mỹ không đề cập cụ thể quyền phá thai… Vấn đề phá thai lại một lần nữa dấy lên những quan điểm tranh cãi.

Một phụ nữ có biệt danh "Jane Roe" — người vào năm 1969 đã mang thai đứa con thứ ba và muốn phá thai, nhưng McCorvey sống ở Texas, nơi phá thai là bất hợp pháp trừ khi cần thiết để cứu mạng người mẹ… Bà nhờ cậy luật sư đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang chống lại công tố viên tại địa phương là Henry Wade, cho rằng luật phá thai của Texas là vi hiến.

Sự kiện “Roe kiện Wade” trở nên nổi tiếng do tháng 1 năm 1973, Tòa án tối cao phán quyết rằng Hiến pháp bảo vệ quyền tự do của một phụ nữ mang thai, được chọn phá thai mà không bị Chính phủ hạn chế quá đáng.

Tuy nhiên, quyền phá thai có những hạn chế. Trong ba tháng đầu, Chính phủ không thể cấm phá thai; trong ba tháng thứ hai, đòi hỏi các quy định y tế hợp lý; trong ba tháng cuối thai kỳ thì việc phá thai có thể bị cấm hoàn toàn, trừ khi chúng cần thiết để cứu mạng sống hoặc sức khỏe của người mẹ.

Ngày 24/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật ngược phán quyết năm 1973 với nhận định phán quyết trong vụ kiện "Roe chống lại Wade" cho phép phá thai từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ là quyết định sai lầm, vì Hiến pháp Mỹ không đề cập cụ thể quyền phá thai.

Theo phán quyết mới nhất này của Tòa án tối cao, những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có thể phải đến bang cho phép để phá thai. Phán quyết gây ra phản ứng trái chiều và các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Nhiều người ủng hộ phán quyết của Tòa án tối cao, bên cạnh rất nhiều cuộc biểu tình phản đối. Các cuộc biểu tình phản đối phán quyết đã nổ ra gần như ngay lập tức ở thủ đô Washington và các nơi khác như New York, Boston…

Nhiều cuộc biểu tình phản đối phán quyết cấm phá thai - Ảnh: AP

Tổng thống Joe Biden gọi phán quyết này là "sai lầm bi thảm" xuất phát từ "hệ tư tưởng cực đoan" và cho rằng đây là "ngày buồn cho Tòa án và đất nước". "Sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ ở quốc gia này đang bị đe dọa", ông Biden nói, đồng thời cảnh báo rằng các quyền khác có thể bị đe dọa, như hôn nhân đồng tính và biện pháp tránh thai.

Xem ra, cho phép phá thai hay không là một đề tài tranh cãi của nhân loại trong nhiều thế kỷ, dưới góc nhìn bằng các chuẩn mực luân lý, đạo đức, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau.  Cùng với các tiến bộ về quyền con người, về bình đẳng giới, các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng phá thai là quyền lựa chọn của mỗi phụ nữ, quyết định của họ đáng được tôn trọng, không ai có quyền chỉ trích, lên án.

Ở Việt Nam, nạo phá thai cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, pháp luật theo hướng tôn trọng lựa chọn của người mang thai. Điều 44 Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện hành quy định quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai theo nguyện vọng… Quyền được phá thai được các chuyên gia đánh giá là nền tảng cho sự tiến bộ của người phụ nữ.

Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi. Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi; Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính…

Quyết định số 4620/QĐ-BYT, ngày 25 tháng 11 năm 2009 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, ghi nhận các phương pháp phá thai an toàn đến hết tuần  thứ 22… Như vậy, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là không an toàn, không được pháp luật cho phép.

Tội phá thai trái phép quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 xử phạt người thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác mức phạt tù cao nhất đến 15 năm.

Như vậy, nạo phá thai là quyền của người phụ nữ, nhưng là quyền có điều kiện.

Thực tế cho thấy, tình trạng nạo phá thai  là một trong những vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Số liệu từ Hội Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mỗi năm cả nước có gần 300 nghìn ca nạo phá thai mà chủ yếu rơi vào độ tuổi 15-19. Trong đó, có 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% mới chỉ là học sinh, sinh viên.

Theo một báo cáo của UNICEF về tỷ lệ phá thai ở Việt Nam, ước tính là 4,7 ca trên 1.000 phụ nữ và tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh sống. Tỷ suất phá thai cao nhất ở Hà Nội 196,9 trên 1.000 ca sinh sống. Tỷ suất này ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 127,5 trên 1.000 ca sinh sống.

Những con số về nạo phá thai tại Việt Nam khiến nhiều người kinh ngạc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số thống kê tại các cơ sở y tế nhà nước. Thực tế, trên cả nước, vẫn còn hàng hàng nghìn phòng khám tư nhân thực hiện thủ thuật chui, trái phép mà vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nước có số trường hợp phá thai cao nhất toàn cầu là Trung Quốc. Xếp thứ hai là Nga, thứ ba là Việt Nam. Hai vị trí thứ tư, thứ năm thuộc về Hoa Kỳ và Ukraina.

Phá thai mang theo rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe người phụ nữ, có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp, để lại những hậu quả không thể nào lường trước được. Những hậu quả ấy có thể ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình và xã hội, nên không thể coi phá thai là chuyện bình thường.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ lối sống buông thả của thanh niên, sự thiếu quan tâm sâu sát của phụ huynh đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình dục an toàn, thiếu tư vấn của các chuyên gia y tế... dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai bừa bãi, bất chấp hậu quả…

Sự tranh cãi tại Hoa Kỳ hiện nay cũng nhắc chúng ta suy nghĩ rằng, ủng hộ quyền được phá thai, nhưng không khuyến khích phá thai. Phá thai phải được coi là một can thiệp y khoa bất đắc dĩ, không phải là hoạt động bình thường.

Hãy mang thai có trách nhiệm!

 

Những người ủng hộ cấm phá thai bày tỏ thái độ vui mừng - Ảnh: AP

BẢO THƯ