Hậu quả pháp lý khi hoàn cảnh có sự thay đổi cơ bản trong quá trình thực hiện hợp đồng

Bài viết nghiên cứu hậu quả pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng, chủ thể thứ ba ngoài hợp đồng khi xuất hiện sự kiện khách quan được cho là thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ đó đưa ra giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về vấn đề này trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015.

1.Sự cần thiết phải quy định hoàn cảnh thay đổi trong Bộ luật Dân sự năm 2015

“Pacta sunt servenda” là nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng. Khi các bên tham gia giao kết hợp đồng trên cơ sở tự do ý chí, tự nguyện cam kết và thỏa thuận, không thuộc trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu thì những mong muốn được thể hiện ra dưới dạng “vật chất” là những điều khoản được ghi nhận trong hợp đồng và được coi là “luật giữa các bên”. Nguyên tắc có nguồn gốc từ luật La Mã cổ đại, tồn tại hàng ngàn năm dưới dạng tập quán với nghĩa nguyên gốc từ tiếng Latin là “Hứa là phải làm” và khi đưa vào luật pháp quốc tế thường dịch theo nghĩa “Nguyên tắc tận tâm, thiện chí và trung thực”. Pháp luật các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận nguyên tắc này và buộc các bên phải tuân thủ theo đúng những gì pháp luật cho phép. Nhưng quan hệ hợp đồng không phải là bất biến mà “ngày càng mang tính chất của một quá trình” và “hàm chứa nhiều loại rủi ro” . Những rủi ro đó có thể về phía chủ thể tham gia hoặc cũng có thể không. Đôi khi, người ta gọi đây là tình trạng mà mục đích theo đuổi hợp đồng của một bên hoặc của cả hai bên chủ thể không còn nữa (Frustration of purpose) . Vậy, với “lộ trình” không diễn ra theo mong muốn của các bên thì hợp đồng có nên được tiếp tục khi mục đích giao kết hợp đồng ban đầu có thể không đạt được, nhất là những hợp đồng dài hạn và những rủi ro mà người kinh doanh quốc tế thường đối mặt làm đảo lộn sự cân bằng vốn có của hợp đồng? UNIDROIT – Viện Thống nhất tư pháp quốc tế đã cho ra một nguyên tắc chung gồm những quy định về hợp đồng thương mại quốc tế – PICC , trong đó quy định “Một hoàn cảnh được gọi là khó khăn, nếu nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của hợp đồng, hoặc làm cho chi phí thực hiện tăng quá cao, hoặc giá trị nhận được do thực hiện nghĩa vụ giảm quá thấp” – định nghĩa về Hardship (Hoàn cảnh khó khăn); Nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng khi bị hoàn cảnh khách quan tác động một cách tiêu cực và hậu quả pháp lý khi xuất hiện yếu tố trên trong quá trình thực hiện hợp đồng ra làm sao. Các nước Châu Âu coi PECL là văn bản luật chung mà các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng cần phải tuân theo trong quá trình giao kết và thực hiện. Với tên gọi Change Of Circumstances (hoàn cảnh thay đổi), Điều 6.111 PECL đã quy định điều kiện và hậu quả pháp lý của hợp đồng khi gặp các sự kiện thay đổi khách quan. Như vậy, bên cạnh nguyên tắc hiệu lực bất biến buộc phải tôn trọng, ở khía cạnh nào đó, hợp đồng cũng cần được giải quyết theo hướng khác. Hai bộ nguyên tắc trên có điểm tương đồng đó là hoàn cảnh thay đổi đã làm phá vỡ nguyên tắc bất biến của hợp đồng là không thể dự liệu hoặc không buộc phải dự liệu để thấy được trong quá trình giao kết hợp đồng hay còn gọi là xảy ra sau khi các bên đã thống nhất ký hợp đồng thành công.

BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 của Việt Nam không quy định về điều chỉnh hợp đồng khi có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh. Tuy nhiên, không phải toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta trước khi có BLDS năm 2015 đều không quy định về vấn đề này. Có thể kể đến một số quy định như: quy định cho phép điều chỉnh phí bảo hiểm khi xảy ra những biến cố làm tăng hoặc giảm mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm trong luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Điều 20); quy định cho phép các bên thỏa thuận thay đổi giá bán trong hợp đồng khi có những thay đổi của Nhà nước về chính sách tiền lương, chính sách giá các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá trong luật đấu thầu năm 2005 (Điều 57). Tuy nhiên, đó là quy định trong luật chuyên ngành nên chỉ có thể áp dụng cho ngành luật ấy; đối với BLDS – luật chung trong hệ thống luật tư lại không có quy định về trường hợp thực hiện hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, tuy nhiên thực tiễn pháp lý tại Việt Nam cũng đã có những bản án giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng theo hướng cho phép can thiệp hiệu lực bất biến của hợp đồng . Vậy nên, thực trạng này đã dẫn đến sự bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật rất lớn. Từ thế kỷ XIX, trên thế giới đã áp dụng những quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh có sự thay đổi cơ bản (PECL, PICC). Như vậy, chứng tỏ một điều hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt về sự phong phú nhưng về nội dung và chất lượng giải quyết vấn đề thì chưa được thống nhất. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với PGS.TS Phạm Duy Nghĩa khi ông cho rằng sự thiếu sót trên đây có thể được xem như là một trong những biểu hiện của sự “lạc hậu” của pháp luật hợp đồng nước ta vì “không đáp ứng được nhu cầu quản lý rủi ro thời nay” . Như vậy, với sự hiện diện của Điều 420 (trong quá trình sửa đổi là Điều 443) với nội dung “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong BLDS năm 2015 đã cho thấy, Việt Nam không chỉ đã và đang trên đà hội nhập kinh tế thế giới mà còn dành sự quan tâm rất lớn đến việc tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng, hợp lý nhằm giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trên thực tế.

2.Hậu quả pháp lý khi có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải pháp hoàn thiện quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về vấn đề này

21.Quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ hợp đồng

Khoản 2 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định: “ Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý”. Quy định này không chặt chẽ và rõ ràng. Thứ nhất, quyền của bên có lợi ích bị ảnh hưởng là được yêu cầu đối tác đàm phán lại hợp đồng, đây là quyền do luật định. Tuy nhiên, bên nhận được lời yêu cầu đàm phán lại có nghĩa vụ phải đàm phán lại hay không thì luật lại không quy định rõ. Có nên hay không việc mặc nhiên thừa nhận quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia? Ta xét đến nguyên tắc cơ bản chi phối nghĩa vụ tiền hợp đồng nói riêng và quá trình hợp đồng có hiệu lực pháp lý nói chung là trung thực, thiện chí. Nghĩa vụ tiền hợp đồng tập trung vào 3 nhóm cơ bản: 1) Nghĩa vụ cung cấp thông tin mà những thông tin này tạo nền tảng cho nội dung hợp đồng sẽ được giao kết; 2) Nghĩa vụ tôn trọng trong việc đề nghị giao kết hợp đồng; 3) Nghĩa vụ đàm phán lại khi hoàn cảnh thay đổi . Như vậy, đã có ý kiến về nghĩa vụ chấp nhận đàm phán lại của bên không có lợi ích bị ảnh hưởng. Khi quy định vấn đề này, có lẽ nhà làm luật đã có căn cứ theo PECL như sau: “Nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên quá khó khăn bởi vì có sự thay đổi về hoàn cảnh, các bên buộc phải tiến hành thoả thuận với quan điểm là chỉnh sửa hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng”. Nếu quy định “buộc” như vậy sẽ nêu rõ được quyền và nghĩa cụ thể cho mỗi bên, tránh trường hợp có bên lợi dụng quy định “sơ hở” này mà “Từ chối thỏa thuận hoặc vi phạm thỏa thuận vì trái với nguyên tắc thiện chí và trung thực”.

Thứ hai, luật đã ghi nhận và trao quyền đàm phán lại hợp đồng cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng nhưng lại không quy định rõ bên này cần phải có nghĩa vụ chứng minh tình hình, đưa ra các căn cứ cho rằng hoàn cảnh “Hardship” đã xuất hiện. Điển hình cho trách nhiệm phải chứng minh là Điều 79 Công ước Viên (CISG) năm 1980: “ Nếu một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kì một nghĩa vụ nào đó của mình nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện đó là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ” hay cũng tương tự như vậy, UNIDROIT quy định: “Bên có nghĩa vụ được miễn trừ hậu quả do việc không thực hiện của bên mình, nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện là do một trở ngại vượt khỏi tầm kiểm soát của mình” . Việc yêu cầu chứng minh là hoàn toàn hợp lý trước khi luật có những “đãi ngộ” sau đó. Khi ban hành “có thể” quy định này cũng mang nội hàm quy trách nhiệm chứng minh cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng nhưng dù sao luật dân sự cũng là ngành luật quan trọng, được áp dụng để giải quyết vấn đề cho nhiều ngành luật khác, câu chữ trong luật cũng phải đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng để toát lên được nội dung nhằm tránh những tranh chấp không đáng có. PICC quy định về vấn đề này có phần hợp lý hơn rất nhiều: “Bên bị bất lợi có quyền đề nghị đàm phán lại. Lời đề nghị phải được đưa ra đúng lúc và đầy đủ cơ sở” .

Thứ ba, “Có quyền yêu cầu đàm phán lại trong một thời hạn hợp lý”, PICC không có cụm từ này, PECL có sử dụng nhưng cũng không đưa ra được một thuật ngữ cụ thể để hình dung được cụm từ chỉ “thời gian hợp lý” là bao lâu. Một vấn đề đặt ra, liệu cơ quan tư pháp có nên ban hành hướng dẫn về tần xuất hay 1 khoảng thời gian xác định hay không bởi nó có liên quan rất lớn đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng. Bởi, chỉ khi các bên không đạt được sự thỏa thuận thì mới nhờ Tòa án can thiệp, tức là các bên phải thống nhất với nhau dù đã có thỏa thuận nhưng cũng không thể đưa ra được giải pháp nào thì mới được nhờ Tòa án giải quyết còn nếu một trong các bên mà vẫn muốn thỏa thuận thì lại không thể. Mà theo quy định thì dù hợp đồng có thay đổi, có tăng chi phí, có gây thiệt hại cho một bên nhưng không có thỏa thuận nào khác giữa hai bên thì hợp đồng vẫn được tiếp tục, cứ tiếp tục thực hiện cho tới khi “được” tòa giải quyết trên cơ sở “sự buông tha” của bên còn lại thì đến lúc đó mục đích tham gia giao kết hợp đồng có thể đã mất hoàn toàn. Thậm chí, thời gian còn ảnh hưởng rất lớn đến việc mong muốn của các bên có được hoàn thành đúng thời hạn hay không. Như vậy, vấn đề này cần phải có hướng khắc phục “Yêu cầu về các cuộc thương lượng lại, phải được thực hiện ngay khi có thể được, sau thời điểm hoàn cảnh khó khăn xảy ra” . Tóm lại, từ những phân tích tại khoản 2 Điều 420 BLDS năm2015 về những bất cập vẫn đang hiện hữu, gây sự khó khăn trong cách hiểu và áp dụng, quy định này cần được sửa đổi lại như sau: “ Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng được quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong khoảng thời hạn hợp lý và có căn cứ xác đáng, các bên buộc phải tiến hành thỏa thuận để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất”.

Khoản 4 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định: “Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, quy định này được liệt kê trong tiểu mục “thực hiện hợp đồng” tức là ngoài trường hợp có thỏa thuận khác thì các bên trong quan hệ hợp đồng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình để đảm bảo quyền và lợi ích của bên còn lại được diễn ra đúng như những gì đã được thống nhất. Luật Việt Nam quy định như vậy là có phần cứng nhắc khi đã không đưa ra được những trường hợp khác thay vì cứ phải là thỏa thuận của các bên mới được tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ, bình luận 4 Điều 6.2.3 PICC có phần hợp lý, đảm bảo quyền của bên có lợi ích bị ảnh hưởng hơn bởi “Yêu cầu thương lượng lại tự thân nó không cho phép bên bị khó khăn ngừng thực hiện nghĩa vụ nhằm tránh các bên lợi dụng điều khoản này. Việc ngừng thực hiện chỉ có thể được xem xét trong một số trường hợp ngoại lệ” . Ngoại lệ đến từ chủ thể có thẩm quyền như Tòa án (hoặc Trọng tài, mặc dù pháp luật hiện hành chưa quy định vai trò của chủ thể này trong việc giải quyết hậu quả pháp lý khi hoàn cảnh có sự thay đổi cơ bản). Vấn đề được đặt ra là bên không có lợi ích bị ảnh hưởng họ có thể lợi dụng để thu lợi và bảo vệ lợi ích của riêng mình mà không màng đến sự khó khăn của bên kia, và trong quá trình giải quyết, bên có lợi ích ảnh hưởng có quyền yêu cầu Tòa án (Trọng tài) áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không. Chúng ta có thể “tận dụng” quyền hạn và trách nhiệm để tạo hướng mở giúp Tòa án (Trọng tài) có thể bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tốt hơn bằng việc cho phép Tòa án (Trọng tài) có thể căn cứ vào tình hình thực tế đang diễn ra mà quyết định cho tạm đình chỉ hợp đồng đến khi có quyết định mới, chứ không chỉ dựa vào thỏa thuận giữa các bên . Như vậy, việc bổ sung quy định để tạo sự linh động hơn đối với Tòa án (Trọng tài) và hướng “giải thoát” dễ dàng hơn của bên bị ảnh hưởng về lợi ích cần được xem xét sửa đổi như sau: “Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án hoặc (Trọng tài) giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc Tòa án hoặc (Trọng tài) có quyết định khác”

2.2.Vai trò của Tòa án hoặc Trọng tài khi có sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trong thực hiện hợp đồng

Khoản 3 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định về nguyên tắc và thẩm quyền can thiệp quan hệ hợp đồng là Tòa án. Có nhiều quan điểm cho rằng, việc can thiệp của Tòa án vào “luật của các bên” là trái với bản chất của nguyên tắc Pacta sunt servenda. Tuy nhiên, việc can thiệp này là cần thiết bởi nó như “sợi dây trói buộc” mà bên bị ảnh hưởng sẽ mong muốn được “giải thoát” và “chỉ” Tòa án mới có khả khả năng “giải phóng” cho họ. Trong PICC “Nếu hai bên không đạt được sự thoả thuận nào khác, mỗi bên đều có quyền yêu cầu toà án giải quyết”, hay PECL “Nếu các bên không đạt được thoả thuận trong khoảng thời gian hợp lý, toà án có thể..” . Trong khi đó BLDS năm 2015 lại quy định: “Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý…”.

Điều kiện để Tòa án can thiệp vào mối quan hệ này theo Luật Việt Nam hiện hành là chưa hợp lý bởi: Thứ nhất, như đã bàn luận tại khoản 2 thì chủ thể nhận yêu cầu đàm phán lại có buộc phải đàm phán hay không, nếu không thì sao có thể thỏa thuận được, mà không thỏa thuận được thì sao đủ điều kiện theo luật quy định để “cầu cứu” tới Tòa án; Thứ hai, “Không thể đàm phán lại về việc sửa đổi hợp đồng” tại sao lại là “sửa đổi” mà không phải là “ đàm phán lại” hay “thương lượng lại”, quy định này bị bó hẹp bởi nếu các bên không thể thỏa thuận về chấm dứt thì giải quyết sao đây, nó không phải là sửa đổi thì không được yêu cầu Tòa can thiệp? nếu quy định như PICC hay PECL thì là hợp lý hơn rất nhiều.

Tiếp theo, pháp luật cho phép Tòa án ưu tiên chấm dứt hợp đồng này với quy định còn chưa hợp lý. “Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi…” từ “chỉ” nó rất dễ gây ra sự “lạm quyền” và “tùy tiện” trong quá trình giải quyết vấn đề, cũng bởi điều kiện để được sửa đổi hợp đồng là “Trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng” việc xác định chi phí không phải dễ dàng, còn về tinh thần thì có được tính đến không. Có thể đó chính là lý do gây nên khó khăn cho vấn đề thực hiện chức năng của Tòa án bởi vấn đề chứng minh thiệt hại vật chất vốn đã khó, chứng minh tinh thần bị thiệt hại còn trừu tượng và khó khăn hơn rất nhiều vậy nên nhiều khi các chủ thể áp dụng pháp luật “ngại” giải quyết theo hướng bảo vệ sự “tồn tại” của hợp đồng. Và, cùng vấn đề đang bàn đó là nếu Tòa án quyết định cho chấm dứt hợp đồng mà cả hai hoặc chỉ một bên trong quan hệ hợp đồng đó vẫn muốn tiếp tục tức là đã khác với quyết định của Tòa án thì giải quyết thế nào? Vấn đề này cần được nhìn nhận sâu sắc hơn, không nên một lần nữa “bó hẹp” chức năng của Tòa án bằng sửa đổi hay chất dứt mà nên có cái nhìn thông thoáng hơn như PICC đã bình luận: hoặc là yêu cầu các bên bắt đầu lại quá trình đàm phán về việc sửa đổi lại hợp đồng; hoặc là thừa nhận những điều khoản vốn có của hợp đồng là giải pháp cho phép Tòa án đóng vai trò một người trọng tài giúp các bên trong quá trình thương lượng để đi đến giải pháp chung, nhất là khi quá trình tự đàm phán của các bên trở nên bế tắc. Giải pháp này nên nhận được sự đồng tình và tiếp thu.

Tiếp nữa, “chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định” là quy định tại điểm a khoản 3 Điều 420 BLDS năm 2015. Quy định về thời hạn như vậy là chưa đầy đủ bởi “việc chấm dứt hợp đồng khi này không phải là do sự vi phạm của một bên, vì tính chất của nó khác với những quy định về việc chấm dứt hợp đồng nói chung (Điều 7.3.1 et seq). Nên Khoản (4) (a) qui định rằng việc chấm dứt sẽ xảy ra ” vào ngày và theo các điều kiện được toà án xác định”. Ngoài thời điểm do Tòa án quyết định ra thì việc chấm dứt phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định, bởi vai trò của Tòa án trong quan hệ này là để nhằm cân bằng quyền và lợi ích giữa các bên vậy cần thiết phải có những điều kiện chứ tự thân nó không thể tự điều chỉnh để cân bằng lại được. Chi phí để thực hiện hợp đồng được xác định để sửa đổi hay chấm dứt là chi phí của bên nào, bên bị ảnh hưởng hay không bị ảnh hưởng? Ở đây nên căn cứ vào tình thế của bên có lợi ích bị ảnh hưởng vì suy cho cùng hoàn cảnh thay đổi trong khoảng thời gian bên bị ảnh hưởng đang phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Và việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại lớn hơn có bao gồm thiệt hại của người khác nữa không, vấn đề phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại do bên không bị thiệt hại vi phạm với chủ thể khác trong quan hệ hợp đồng khác bởi hành vi chấm dứt quan hệ hợp đồng này của Tòa án? Cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể để áp dụng luật dễ dàng hơn. Điều 420 là điểm mới của BLDS năm 2015, so với các quy định trong cùng ngành luật này thì có điều mâu thuẫn. Điển hình như Điều 417 quy định về việc không được phép sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, nếu người thứ ba không đồng ý cho sửa đổi hay hủy bỏ vậy thì sự thỏa thuận lúc này để cân bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia giao kết liệu còn có giá trị?

Trong vấn đề này, một trong hai điều khoản cần phải được sửa đổi để tạo ra sự thống nhất trong quy định của Luật. Tuy nhiên, vai trò của Trọng tài trong vấn đề này cũng đáng quan tâm. Trong dự thảo BLDS năm 2015, có quan điểm cho rằng dự thảo đã bỏ quên Trọng tài dẫn đến nhiều bất cập lớn trong quá trình vận dụng và giải quyết vấn đề về hợp đồng trong trường hợp này. Cụ thể, Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Với quy định này, Tòa án sẽ phải từ chối giải quyết khi các bên đã có thỏa thuận Trọng tài nên Tòa án không thể áp dụng các quy định về điều chỉnh lại hợp đồng . Ta đã thấy sự không hợp lý của Luật ở đây, nó không những làm cho vấn đề khó khăn hơn vì bó hẹp chủ thể giải quyết mà còn gây mâu thuẫn giữa các ngành luật với nhau. PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng: “Điều luật đề cập tới vai trò của “Tòa án” và thuật ngữ “Tòa án” đã được lý giải tại khoản 2 Điều 1:301 theo đó “Thuật ngữ Tòa án cũng được áp dụng cho Tòa án trọng tài”. Nói cách khác, chủ thể được can thiệp để điều chỉnh lại hợp đồng không chỉ là Tòa án mà còn có thể cả Trọng tài”. Ý kiến này hoàn toàn hợp lý và có cơ sở để bổ sung điều chỉnh lại Điều 420 BLDS năm 2015. Tóm lại, vai trò của Tòa án, Trọng tài là rất quan trọng. Sự mềm dẻo và linh hoạt của luật đối với chức năng của Tòa án, Trọng tài sẽ định đoạt số phận của hợp đồng chính vì vậy khoản 3 Điều 420 BLDS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “ Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, mỗi bên trong hợp đồng có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài: a, Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm và điều kiện do Tòa án hoặc Trọng tài xác định; b, sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; c, thực hiện các giải pháp khác để giải quyết vấn đề phù hợp với tình hình thực tế của hợp đồng”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nông Quốc Bình (2012), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn đối với điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua ban hàng hóa quốc tế”, Tạp chí Luật học, (05), tr.10 – 16.
2. Đỗ Văn Đại (2015), “Bàn thêm về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (13), tr.31 – 40.
3. G. Doudko Alexei, “Hardship in Contract: the Approach of the UNIDROIT Principle anh legal Development in Russia”, Uniform Law Review, Volume 5, Isue 3, August 2000, pages 483 – 509.
4. Đàm Thị Diễm Hạnh, Lê Thị Kim Oanh (2018), “Một số bình luận về điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015: thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (07), tr.19 – 23.
5. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Quyết định số 14/2006/DS-GĐT ngày 06/06/2006 (vụ tranh chấp giá trị Kiot).

6. Lê Minh Hùng (2009), “ Điều khoản điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong pháp luật nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (06), tr.41- 50.
7. Kiều Thị Thùy Linh (2015), “ Nghĩa vụ tiền hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong bối cảnh sửa đổi Bộ luật dân sự”, Tạp chí Luật học, (06), tr.111 – 122.
8. Ngô Thu Trang, Nguyễn Thế Đức Tâm (2017), “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (01), tr. 60 – 67.
9. Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bản án số 801/2006/DS-ST ngày 09/08/2006 (vụ tranh chấp quyền sử dụng nhà ở).

NGUYỄN THỊ THÚY HƯỜNG ( Khóa 17 Khoa Luật Trường Đại học Mở Hà Nội)