Các bị cáo phạm tội cướp tài sản và tội bắt giữ người trái pháp luật

Phó Chủ nhiệm Khoa Luật - Học viện Tư pháp

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ra ngày 01/11/2017 có đăng bài viết BỊ HẠI HAY BỊ CÁO? MỘT TỘI HAY HAI TỘI? của tác giả Lê Thành Nam. Xin được trao đổi cùng bạn đọc.

Nội dung vụ án xin xem tại đây Bị hại hay bị cáo? Một tội hay hai tội?

Trong vụ án nêu trên có hai quan điểm khác nhau.  Với nội dung và các quan điểm khác nhau nêu trong bài viết, chúng tôi cho rằng: Tuấn, Lợi, Trung đã có hành vi bắt giữ Toàn, xâm phạm quyền tự do của công dân một cách trái pháp luật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã cấu thành tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”, đồng thời Tuấn và Lợi đã có hành vi đánh Toàn và có lời lẽ chửi bới thúc ép Toàn phải bằng mọi cách phải trả tiền ngay cho Tuấn, đây là phương thức, thủ đoạn đe dọa Toàn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã cấu thành tội “Cướp tài sản”.

Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Giang khi nhờ Tuấn đòi giúp tiền đã yêu cầu Tuấn “không được làm gì trái pháp luật”, bị cáo Tuấn đã thừa nhận tại các bản khai, hành vi của Tuấn rủ Lợi và Trung tìm Toàn sau đó đã dùng thủ đoạn giữ người và dùng vũ lực ngay tức khắc chiếm đoạt tài sản đối với Toàn là hành vi vượt quá của người thực hành tội phạm, Nguyễn Xuân Giang sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của Tuấn, Lợi và Trung trong trường hợp không biết hoặc không có mặt tại nơi xảy ra vụ án.

Trong vụ án này, Giang vì muốn nhanh chóng lấy lại tiền nên khi Tuấn gọi điện báo đã bắt giữ được Toàn, Giang đã không can ngăn mà còn hẹn Tuấn đưa Toàn về quán café Helios ở 66 phố Nguyễn Văn Huyên (ảnh) để ăn trưa và  giải quyết công nợ với Toàn. Hành vi này của Giang vô tình đã trở thành đồng phạm giúp sức cho Tuấn, Lợi và Trung về tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Tại quán café Helios, Lợi chủ động đưa Toàn xuống tầng 1 không có Giang để đánh Toàn, Tuấn nhìn thấy phải xuống can ngăn Lợi vì vi phạm cam kết với Giang là không được làm gì trái pháp luật (Trong khi trước đó, lúc bắt được Toàn không có mặt Giang, Tuấn đã chửi và đánh Toàn ngay lập tức). Giang không thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với Toàn, việc Tuấn và Lợi đánh Toàn, là sự việc Giang không lường trước, hay biết trước, là ngoài ý chí và mong muốn của Giang, vì vậy Giang không phạm tội “Cướp tài sản”, thuộc trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành (Khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015).

 Đáng lưu ý, trong vụ án này người bị hại Toàn đã chiếm đoạt 260.000.000đ của bị cáo Giang, bằng thủ đoạn gian dối sau đó bỏ trốn…nhưng cơ quan Điều tra chưa làm rõ để xác định hành vi của Toàn có phạm tội hay không, là thiếu sót nghiêm trọng. Bởi lẽ, hành vi của Toàn là nguyên nhân dẫn đến vụ án, trường hợp xác định Toàn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sẽ làm thay đổi bản chất vụ án và tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của các bị cáo gây ra. Đây là tình tiết đặc biệt để Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, nhưng chưa được làm rõ. Theo quy định tại Điều 179 BLTTHS; điểm e, g, i khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ những chứng cứ quan trọng của vụ án để giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc, đồng thời đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cần thận trọng xem xét vụ án một cách khách quan và đặc biệt lưu ý đến bản chất của vụ án, khi người bị hại là tội phạm, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi vi phạm của các bị cáo.

TS. TRẦN THANH PHƯƠNG