Các đối tượng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Bắt giữ người trái pháp luật”

Qua nghiên cứu bài viết “Các đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Huỳnh Phan Châu Thành, đăng ngày 10/8/2021 trên Tạp chí TAND điện tử và bài viết trao đổi của tác giả Nguyễn Văn Huy, theo quan điểm của chúng tôi, các đối tượng phạm hai tội là “Cưỡng đoạt tài sản” và tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Cả hai tác giả điều cho rằng các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A và Nguyễn Văn T phạm tội “Cướp tài sản” với lý do: Trần Văn L dùng vũ lực, nhiều lần tát vào mặt chị N, trước sự chứng kiến của K và D làm cho chị N hoảng sợ, không dám chống cự. Phạm Quang A đến cũng chửi mắng yêu cầu chị N trả nợ, K và A lại tiếp tục tát vào mặt chị N. Vì sợ bị đánh tiếp nên chị N đã điện thoại cho bạn mượn 20.000.000 đồng để chuyển cho L, sau đó L nhận được tiền và chuyển cho Nguyễn Văn T. 

Mặc dù Nguyễn Văn T không trực tiếp tham gia dùng vũ lực đối với N để buộc N phải trả tiền, tuy nhiên T là người đã thuê L đi đòi nợ, sau khi L gặp được N và gọi điện Zalo cho T biết và có chứng kiến qua điện thoại L đánh N. Khi L nhận tiền của chị N trả đã chuyển số tiền trên cho T. Hành vi của T đồng phạm với các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A về tội “Cướp tài sản” theo Điều 168 BLHS năm 2015.

Khác với quan điểm của hai tác giả, chúng tôi cho rằng các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A  và T không phạm tội “Cướp tài sản”.

Mặc dù các đối tượng có dùng vũ lực “tát” vào mặt chị N, làm chị N hoảng sợ, không dám phản kháng, chống cự nhưng ý chí và mục đích của các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A không phải là cướp tài sản của chị N mà chỉ uy hiếp tinh thần để buộc chị N trả nợ cho T. Điều 168 BLHS năm 2015 quy định về tội Cướp tài sản như sau: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”, trong trường hợp này, hành vi “tát vào mặt” chị N một cái của Trần Văn L không thể gọi là hành vi tấn công “ngay tức khắc” nhằm chiếm đoạt tài sản được.

Thực tế cho thấy Trần Văn L đến gặp chị N vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 18/7/2020, lúc này chị N còn đang ngồi cùng bạn tại số 31 Cửu Long, khi gặp Trần Văn L thì chị N mới theo L ra ngoài để nói chuyện, sau đó chị N còn đi theo Trần Văn L qua quán nước tại số 35 Cửu Long để tiếp tục nói chuyện đến tận khoảng 23 giờ cùng ngày khi quán nước đóng cửa.

Như vậy, hành vi của các đối tượng không phải dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc hành vi khác một cách ngay tức khắc làm cho chị N thấy rằng nguy hiểm sẽ xảy ra ngay và không thể tránh khỏi nếu không giao tài sản. Chị N vẫn có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc hay tìm biện pháp ngăn chặn đối với hành vi mà các đối tượng đang đe dọa mình, đồng thời sự đe dọa của các đối tượng cũng không mãnh liệt làm cho ý chí chống cự của chị N bị tê liệt không thể chống cự được mà giao tài sản. Thực tế chị N không có tài sản để trả “ngay tức khắc” cho L mà phải điện thoại cho bạn tên Đỗ Văn G mượn 20.000.000 đồng và nhờ G chuyển vào tài khoản của L.

Tôi cho rằng các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A và T phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Mặc dù các Trần Văn L có hành vi tát vào mặt chị N hai cái, lúc mới gặp mặt và lúc điện thoại cho T, Nguyễn Hữu K, Phạm Quang A có dùng tay tát vào mặt chị N lúc ở quán nước số 35 Cửu Long, tuy nhiên, hành vi này của các đối tượng chỉ là thị uy (tát vào mặt), đe dọa, uy hiếp tinh thần (chửi mắng gây áp lực) để buộc chị N phải trả nợ cho T chứ không phải dùng vũ lực “ngay tức khắc” để chiếm đoạt tài sản của chị N. Chị N vẫn có một khoảng thời gian dài để tìm biện pháp đối phó như đồng ý giao tài sản hay kháng cự (đây là điểm khác biệt cơ bản giữa tội cướp tài sản với tội này) bằng cách tri hô, kêu cứu nhờ mọi người giúp sức để thoát khỏi hành vi thị uy, đe doạ, uy hiếp của các đối tượng.

Như vậy, không chỉ dựa vào hành vi dùng tay “tát vào mặt” chị N của các đối tượng Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Phạm Quang A để cho rằng các đối tượng trên và đồng phạm đã phạm tội cướp tài sản được, bởi lẽ mục đích và ý chí của các đối tượng không phải nhằm cướp tài sản của chị N mà chỉ đe doạ, uy hiếp làm cho chị N sợ và trả nợ cho T.  Do đó, theo quan điểm của chúng tôi,  hành vi của các đối tượng trên phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Huy, các bị cáo còn phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo theo quy định tại Điều 157 BLHS. Bởi lẽ hành vi bắt, khống chế chị N lên xe do Phạm Quang A điều khiển là xâm phạm đến quyền tự do thân thể và trái với ý muốn của chị N. Khi đưa chị N về nhà A đang thuê tại địa chỉ 73 đường TB, quận S, thành phố M. Tại đây, các đối tượng đưa N lên phòng khách ở lầu 1 để tiếp tục chửi mắng ép buộc N trả nợ; Quang A, L, K, D có dùng tay đánh N, hành vi đánh này của các đối tượng này của các đối tượng nếu có gây ra thương tích cho chị N thì tuỳ trường hợp có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo quy định tại  Điều 134 của BLHS năm 2015 hoặc theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 157 BLHS năm 2015.

Trên đây, là một số quan điểm trao đổi về hành vi phạm tội của Trần Văn L, Nguyễn Hữu K, Nguyễn Huy D, Phạm Quang A, Nguyễn Văn T, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ các độc giả./.

 

TAND tỉnh Nam Định xét xử vụ án Cưỡng đoạt tài sản - Ảnh: T.Lê

 

 

 

 

 

LƯƠNG HỮU THẬT (Tòa án quân sự Quân khu 2)