Điều 173 BLHS – tội trộm cắp tài sản có các điểm thuộc khoản 1 hay không?

Đã có một số bản án của Tòa án chỉ ghi căn cứ vào khoản 1 Điều 173 BLHS, mà không ghi căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS để xét xử người thực hiện hành vi phạm tội bị Viện kiểm sát có văn bản kháng nghị hoặc kiến nghị, vì cho rằng như vậy là vi phạm pháp luật.

Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định như sau: 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”

Với quy định như trên, trong trường hợp một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, mà còn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng, thì thông thường các cơ quan tiến hành tố tụng xác định người này phạm vào điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS để thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử người thực hiện hành vi. Đã có một số bản án của Tòa án chỉ ghi căn cứ vào khoản 1 Điều 173 BLHS, mà không ghi căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS để xét xử người thực hiện hành vi phạm tội bị Viện kiểm sát có văn bản kháng nghị hoặc kiến nghị, vì cho rằng như vậy là vi phạm pháp luật.

Vậy trường hợp trên, người thực hiện hành vi phạm tội có phải phạm vào điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS hay không, tác giả xin có mấy ý kiến trao đổi như sau:

Cấu tạo của khoản 1 Điều 173 BLHS về tội trộm cắp tài sản quy định hai trường hợp phạm tội sau: 

Trường hợp thứ nhất là hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; 

Trường hợp thứ hai là hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, nhưng người thực hiện hành vi trộm cắp có thêm một hoặc một số tình tiết mà các tình tiết này được quy định cụ thể tại các điểm a, b, c, d, đ, nói tại Điều luật này.

Như vậy các điểm a, b, c, d, đ, nói tại Điều luật này chỉ là các điểm quy định hành vi phạm tội trong trường hợp thứ hai (trường hợp tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng), tức là chúng chỉ là các điểm của trường hợp tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng của khoản 1 Điều 173 BLHS, mà không phải là các điểm của khoản 1 Điều 173 BLHS. Để được xem là các điểm của một khoản nào đó của một điều luật trong BLHS, đòi hỏi nếu tập hợp các điểm này lại, thì tập hợp này phải chứa đựng trong đó tất cả các trường hợp phạm tội của khoản, tức là một hành vi phạm tội được xác định thuộc khoản thì phải hoặc thuộc điểm này, hoặc thuộc điểm kia, không thể xảy ra khả năng hành vi không thuộc bất cứ điểm nào. Ví dụ khoản 2 Điều 173 BLHS quy định như sau: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

g) Tái phạm nguy hiểm.”

Với quy định như vậy có thể thấy một hành vi phạm tội thuộc khoản 2 Điều 173 BLHS, thì hành vi đó phải thuộc hoặc điểm a, hoặc điểm b, hoặc điểm c, hoặc điểm d, hoặc điểm đ, hoặc điểm e, hoặc điểm g nói trên, không thể nằm ngoài các điểm này. Do đó các điểm a, b, c, d, đ, e, g nói trên là các điểm thuộc khoản 2 Điều 173 BLHS.

Trở lại quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS, nếu cho rằng a, b, c, d, đ, là các điểm thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, thì theo lập luận, lý giải đã nói rõ ở trên, mọi hành vi phạm tội thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS phải được quy định ở ít nhất một trong các điểm a, b, c, d, đ trên. Thế nhưng rõ ràng hành vi của người chiếm đoạt tài sản giá 3 triệu đồng là thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, nhưng không thỏa mãn bất cứ điểm nào trong các điểm a, b, c, d, đ. Do đó cần nhận thức các điểm a, b, c, d, đ, không phải là các điểm của khoản 1 Điều 173 BLHS, và Điều 173 BLHS, tại khoản 1, Nhà làm luật không xây dựng theo cách chia ra các điểm thuộc khoản.

Trong trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng và lấy ví dụ là người này phạm tội thuộc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản trước đó, thì việc tuyên trong phần quyết định của bản án phải như thế nào mới đúng?

Theo tác giả nếu muốn phần quyết định của bản án cũng phải được tuyên thật đầy đủ, chi tiết và chính xác, thì Tòa án phải tuyên như sau: Căn cứ điểm a, thuộc trường hợp tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS, …, xử phạt bị cáo… mức án… Tuy vậy việc tuyên án một cách dài dòng như vậy là rất khó nghe, mặt khác những thông tin trên đã có ở phần nhận định của bản án, nên phần quyết định của bản án chỉ cần ghi căn cứ vào khoản 1 Điều 173 BLHS để xử phạt bị cáo là đã đầy đủ.

Vấn đề bài viết nêu ra thực chất là vấn đề không quá quan trọng, chủ yếu mang nặng tính hình thức trong việc trình bày một bản án, tuy vậy trong thực tế đây là vấn đề mất khá nhiều thời gian tranh luận giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, bởi các điều luật được trình bày như khoản 1 Điều 173 BLHS trong BLHS là tương đối nhiều và các tội phạm được Tòa án xét xử theo các điều luật này trong thực tế cũng thường xảy ra. Do đó thông qua bài viết này, tác giả mong muốn có được sự nhận thức thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của chúng ta./.

 

TAND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Đặng Phùng Thanh

 

HOÀNG QUẢNG LỰC (TAND tỉnh Quảng Bình)