GIANG KHÔNG PHẠM TỘI

Sau khi nghiên cứu bài viết: “Bị hại hay bị cáo, một tội hay hai tội” của tác giả Lê Thành Nam tôi có một vài ý kiến trao đổi như sau:

Tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS): “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Trong mặt khách quan của tội phạm, điều luật quy định 3 hành vi phạm tội là bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Dưới góc độ khoa học luật hình sự, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Các hành vi này đều có cùng tính chất và đều là những hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác, có mục đích tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể của người khác nhưng chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện. Hành vi “giữ” theo Từ điển tiếng Việt được hiểu là “làm cho ở nguyên một chỗ, không có sự xê dịch; làm cho ở trạng thái ổn định, không có sự thay đổi; trông coi, bảo quản; đảm nhận”. Ở đây hành vi giữ người được hiểu là sự giới hạn về không gian khiến cho người bị hại không được tự do về thân thể hoặc hoạt động, sự tước đoạt sự tự do này là trái ý muốn của nạn nhân. Tội giữ người trái pháp luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

Trong vụ án trên, sau nhiều ngày Tuấn tìm được Toàn, yêu cầu Toàn đưa về nhà và sau đó ra quán cà phê, Tuấn yêu cầu Toàn viết giấy nợ Giang 260 triệu đồng và hẹn hôm sau trả. Như vậy, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 12 giờ 30 Tuấn đã yêu cầu Toàn đến quán cà phê để buộc Toàn phải trả nợ, Tuấn không có hành vi thể hiện sự ép buộc hay đe dọa nào như trói, nhốt, đánh, đấm… để giữ Toàn và trong suốt thời gian ở nhà cũng như tại quán cà phê Toàn cũng chấp nhận, hoàn toàn không có sự phản kháng nào như kêu la, chạy trốn, lúc này hành vi này Tuấn không đủ yếu tố cấu thành tội Giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 123 BLHS 1999.

Nhưng tới ngày 06/01/2017 Tuấn rủ thêm La Văn Lợi, Chu Bảo Trung đi tìm và gặp Toàn lúc 10 giờ tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa. Tuấn đấm ba lần vào mặt Toàn khiến Toàn chảy máu môi, sau đó cả ba ép Toàn đến quán cà phê Cộng ở Mỹ Đình để giải quyết nợ nần. Tuấn ép Toàn gọi điện cho người nhà mang tiền đến trả. Như vậy, lúc này Tuấn và đồng bọn là Lợi và Trung đã có hành vi bắt giữ Toàn trong thời gian 2 giờ 30 phút tại quán cà phê đây là hành vi ngăn cản sự chuyển dịch và tước đoạt sự tự do trái ý muốn của nạn nhân, Toàn không thể phản kháng vì bị Tuấn đánh và tương quan lực lượng lúc này đã thay đổi (có thêm Lợi, Trung), lúc này hành vi của Tuấn, Lợi, Trung đã cấu thành tội Bắt giữ người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 BLHS 1999.

Đồng thời, hành vi dùng vũ lực bằng việc “đấm ba lần vào mặt” để ép Toàn trả tiền đây là hành vi dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, do đó Tuấn, Lợi, Trung phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản quy định quy định tại Điều 133 của BLHS.

Đối với Giang, Giang không phạm tội vì mục đích ban đầu của Giang là nhờ Tuấn đòi lại số tiền bị Toàn lừa đảo chiếm đoạt, Giang không biết về hành vi của Tuấn, Lợi và Trung. Mục đích của Giang ủy quyền nhờ Tuấn đòi lại tiền đúng pháp luật. Giang không tham gia vào việc đánh, giữ người của Tuấn, Lợi và Trung cũng như việc Tuấn nhờ thêm người và đánh Toàn là những sự việc Giang không lường trước, cũng không có sự bàn bạc hay biết trước, hành vi của Tuấn, Lợi và Trung là ngoài ý chí và mong muốn của Giang, do đó Giang không phạm tội.

Tôi cũng đồng ý với tác giả Trần Thanh Phương rằng trong vụ án này cơ quan Điều tra chưa làm rõ để xác định hành vi của Toàn có phạm tội hay không, là thiếu sót nghiêm trọng. Bởi lẽ, hành vi của Toàn là nguyên nhân dẫn đến vụ án, trường hợp xác định Toàn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sẽ làm thay đổi bản chất vụ án và tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của các bị cáo gây ra. Đây là tình tiết đặc biệt để Tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo vì vậy theo quy định tại Điều 179 BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung để giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

HỒ NGUYỄN QUÂN - Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4