Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba có đủ điều kiện vô hiệu?

Hiện nay, việc một bên dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay hay khoản tín dụng được cấp của một bên khác khá phổ biến. BLDS năm 2015 quy định về “Cầm cố tài sản” tại Điều 309 (Điều 326 BLDS năm 2005) và “Thế chấp tài sản” tại khoản 1 Điều 317 (Điều 342 BLDS năm 2005).

Tuy nhiên, các điều luật này chỉ quy định chung là bên bảo đảm (là bên cầm cố hay bên thế chấp) có thể cầm cố hay thế chấp tài sản của mình để “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” mà không chỉ rõ nghĩa vụ đó có phải chỉ là nghĩa vụ của bên cầm cố hay bên thế chấp hay không. Như vậy, cơ sở pháp lý về biện pháp bảo đảm này chưa rõ ràng nên thực tế áp dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Tác giả xin dẫn chiếu vụ án dưới đây nhằm làm rõ một số vấn đề vướng mắc liên quan đến biện pháp bảo đảm bằng tài sản của bên thứ ba.

1.Nội dung vụ án

 Ngày 27/7/2009, Ngân hàng N và Công ty TNHH PV (sau đây viết tắt là Công ty PV, do ông P làm đại diện) ký Hợp đồng tín dụng số 7309 LAV200901557 với nội dung: Ngân hàng cho Công ty PV vay 5.300.000.000đ để mua xà lan chở gạo có trọng tải 1.020 tấn. Để đảm bảo cho khoản vay trên, Công ty PV và Ngân hàng ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 200901034 ngày 27/7/2009, tài sản thế chấp là chiếc xà lan tự hành đóng mới năm 2009 tại tỉnh T. Tài sản này đứng tên Công ty PV do ông P, ông L và ông V là đồng sở hữu chiếc xà lan. Đồng thời, ông L ký với Ngân hàng Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba là tài sản chung của vợ chồng ông L bà K (chiếc xe ô tô con hiệu Ford, có giấy thỏa thuận giao dịch tài sản chung được Ủy ban nhân dân phường chứng thực) để bảo đảm một phần nghĩa vụ trả nợ của Công ty PV đối với Ngân hàng trong phạm vi số tiền 330.000.000đ theo các Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng và Công ty PV.

Sau khi nhận xà lan, Công ty PV khai thác, sử dụng. Từ tháng 02/2011, Công ty PV không trả được vốn và lãi cho Ngân hàng theo đúng hợp đồng, nên Ngân hàng đề nghị Công ty PV xử lý tài sản thế chấp để trả nợ cho Ngân hàng. Đến tháng 9/2012, Ngân hàng giải chấp cho Công ty PV do ông P đứng ra nhận xà lan. Khi giải chấp chiếc xà lan, Ngân hàng không lập biên bản làm việc giữa ông P, ông L và ông V nhưng trước khi bán xà lan, Ngân hàng có thông báo miệng cho ông L biết việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Ông P đại diện cho Công ty PV ký Hợp đồng bán xà lan cho ông M với giá 3.200.000.000đ. Ông P trả cho Ngân hàng 3.000.000.000đ, còn 200.000.000đ ông P giữ lại để nộp thuế giá trị gia tăng và trả lương cho nhân viên.

Tính đến ngày 25/4/2017, Công ty PV còn nợ Ngân hàng 1.266.000.000đ tiền gốc và 2.606.000.000đ lãi, tổng cộng là 3.872.000.000đ. Ngày 24/7/2012, Ngân hàng thông báo bằng văn bản cho ông L biết việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông L thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên bảo lãnh vay vốn; trường hợp ông L không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp của bên thứ ba là chiếc xe ôtô hiệu Ford là tài sản chung của ông L và bà K theo Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba ký ngày 27/7/2009, số tiền đảm bảo là 330.000.000đ tiền vốn và 286.028.000đ tiền lãi, tổng là 627.201.000đ tính đến ngày 17/5/2015. Yêu cầu Công ty PV tiếp tục thực hiện trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng ngày 27/7/2009 giữa Công ty PV với Ngân hàng, số tiền vốn là 1.266.000.000đ và lãi là 2.606.000.000đ, tổng cộng 3.872.000.000đ đến khi hoàn thành xong nghĩa vụ thanh toán.

Việc mua bán phương tiện thủy nội địa giữa Công ty PV đại diện là ông P và ông T do hai bên hoàn toàn tự nguyện, Ngân hàng không ép buộc. Nếu ông P và ông L không thực hiện thanh toán nợ theo yêu cầu của Ngân hàng thì đề nghị Tòa án phát mãi tài sản của Công ty PV và ông L để trả nợ cho Ngân hàng.

-Công ty PV không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng vì Ngân hàng ép ông P bán xà lan để trả nợ cho Ngân hàng. Ông L cũng là người góp vốn vào việc mua xà lan, nhưng khi bán xà lan Ngân hàng không cho ông L biết. Về số tiền nợ gốc và lãi theo yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đối với Công ty PV, ông P đồng ý nhưng yêu cầu xem xét lại hợp đồng mua bán phương tiện thủy nội địa giữa Công ty PV và ông T vì trình tự bán xà lan không qua bán đấu giá, đây là phương tiện kinh doanh của Công ty PV để có tiền trả cho Ngân hàng.

- Ông L xác định việc mua xà lan như ông P trình bày. Ông L đã ký Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ 3 với Ngân hàng ngày 27/7/2009, theo đó ông L đưa tài sản chung của ông L và bà K là chiếc xe ô tô con hiệu Ford vào thế chấp để bảo đảm một phần nghĩa vụ trả nợ của Công ty PV trong phạm vi số tiền 330.000.000đ theo Hợp đồng tín dụng do Ngân hàng và Công ty PPV ký để đảm bảo khoản nợ mua xà lan. Khi làm việc bán xà lan Ngân hàng còn giữ Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba là xe ô tô con hiệu Ford. Ngân hàng biết ông còn tài sản thế chấp trong khoản vay mua xà lan nhưng khi bán xà lan Ngân hàng và Công ty PV không cho ông biết, không bàn bạc với ông việc giá bán và giải chấp tài sản, khi bán xà lan không thông qua trung tâm đấu giá. Ông yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba ngày 27/7/2009, yêu cầu Ngân hàng trả lại giấy chủ quyền xe cho ông.

2.Quan điểm giải quyết vụ án

Quan điểm thứ nhất:

Hợp đồng thế chấp tài sản bên thứ ba là chiế xe Ford của ông L để đảm bảo cho bị đơn vay tiền để đóng mới chiếc xà lan hình thành trong tương lai, chiếc xe lan này để vay số tiền 5,3 tỷ đồng. Nhưng khi phía bị đơn và Ngân hàng bán tài sản thế chấp là chiếc xà lan để trả nợ, Ngân hàng đã không thông báo cho ông L và cũng không được sự đồng ý của ông L là bên bảo đảm tài sản. Đồng thời, tài sản cũng không được  ra đấu giá là trái quy định tại Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ và Điều 8 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông L. Hơn nữa, chiếc xà lan thế chấp 5,3 tỷ nhưng khi bán chỉ còn 3,2 tỷ và ông P chỉ trả cho Ngân hàng 3 tỷ, còn 200 triệu ông P giữ lại cho thấy việc bán xà lan là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, chấp nhận yêu cầu của ông L: Vô hiệu hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba giữa Ngân hàng và ông L; buộc Ngân hàng trả giấy tờ xe cho ông L.

Quan điểm thứ hai:

Để bảo đảm cho khoản vay trên, Công ty PV đã thế chấp chiếc xà lan (theo Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai) và thế chấp tài sản của bên thứ ba là chiếc xe ô tô con hiệu Ford (theo Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba) giữa Ngân hàng (bên nhận thế chấp) với ông L (bên thế chấp) và Công ty PV (bên vay vốn).

Tại Điều 2 của Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 200901033 ngày 27/7/2009 nêu trên quy định: “Bên B (bên thế chấp) tự nguyện đem tài sản nói trên (kể cả khoản tiền bảo hiểm cho tài sản đó-nếu có) thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ của Bên C (bên được thế chấp) đối với Bên A (bên nhận thế chấp) (bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn, các khoản phí và chi phí phát sinh khác liên quan – nếu có) trong đó mức dư nợ số tiền cho vay theo các Hợp đồng tín dụng do Bên A và Bên C ký là 330.000.000 đồng. Giá trị nghĩa vụ được bảo đảm sẽ giảm theo mức độ giảm giá trị tài sản được xác định trong các biên bản định giá lại tài sản. Mức dư nợ/số tiền cho vay trong trường hợp này cũng giảm tương ứng”.

Căn cứ quy định tại Điều 127 BLDS 2005 thì hợp đồng dân sự bị vô hiệu nếu không có một trong các điều kiện tại Điều 122 của Bộ luật này. Xét Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba nêu trên, về năng lực hành vi và ý chí của người tham gia, mục đích, nội dung và hình thức phù hợp với quy định tại Điều 122 BLDS 2005. Do đó, việc ông L thế chấp tài sản là chiếc xe ô tô hiệu Ford để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty PV trong phạm vi nghĩa vụ được đảm bảo đối với Ngân hàng được xác lập dưới hình thức Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba là đúng quy định của pháp luật. Điều 369 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh”. Trong trường hợp này, do Công ty PV không thanh toán được nợ gốc và lãi cho Ngân hàng, nên ông L phải có nghĩa vụ thanh toán nợ trong phạm vi bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba; do đó, Ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp là chiếc xe ô tô con hiệu Ford để thu hồi nợ như thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng. Do đó, có cơ sở chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng về việc phát mãi tài sản thế chấp của bên thứ ba và không tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba.

Quan điểm thứ hai trên đây là quan điểm của tác giả đối với vụ án, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

Cơ sở pháp lý về biện pháp bảo đảm này chưa rõ ràng nên thực tế áp dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng - Ảnh minh họa  

 

Luật gia CHU THANH TÙNG