Nguyễn Văn A chỉ phạm tội “Giết người”

Qua đọc bài viết “Sát hại người yêu, rồi lái xe của người yêu gây tai nạn, tội gì?”của tác giả Lê Đức Cảnh và các ý kiến trao đổi, cá nhân tôi cho rằng Nguyễn Văn A chỉ phạm tội “Giết người”.

Qua nội dung bài viết trao đổi, với hành vi dùng dao đâm chết Lê Thị B của Nguyễn Văn A thể hiện rõ A đã phạm tội “Giết người” (tất nhiên là phải thỏa mãn 04 yếu tố cấu thành tội phạm, đó là phải thỏa mãn về dấu hiệu chủ thể, thỏa mãn về dấu hiệu khách thể, dấu hiệu về mặt chủ quan và dấu hiệu về mặt khách quan).

Nội dung vụ việc được tác giả miêu tả là sau khi dùng dao đâm chết chị Lê Thị B, A tự ý lấy xe của B lái đi nhiều nơi với mục đích là thăm những nơi lúc yêu nhau hai người từng đi. Rõ ràng, A không có mục đích chiếm đoạt chiếc xe của B, nên hành vi này không thỏa mãn dấu hiệu của các tội liên quan đến chiếm đoạt, như cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (từ Điều 168 đến Điều 175 BLHS). Ngoài ra, hành vi của A cũng không thỏa mãn dấu hiệu của các tội không có dấu hiệu chiếm đoạt, như: chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (quy định từ Điều 176 đến Điều 179 BLHS).

Đối với hành vi lái xe do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ để xe ô tô đâm vào một chiếc xe khách đang dừng đỗ bên đường gây thiệt hại cho xe ô tô do A điều khiển 135.000.000 đồng và xe tô khách 15.000.000 đồng. Hành vi này cũng không thỏa mãn dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 BLHS.

Tại khoản 1 Điều 260 BLHS quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Làm chết người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Rõ ràng, quy định thể hiện rõ hành vi của người tham gia giao thông đường bộ phải gây thiệt hại cho người khác. Người khác trong trường hợp này phải được hiểu là người có liên quan trực tiếp với hành vi gây thiệt hại do vi phạm về an toàn giao thông đường bộ gây ra, đó phải là đối tượng tác động của tội phạm. Có thể là người đi bộ trên đường; người cùng tham gia giao thông; người không tham gia giao thông, nhưng có tài sản bị hư hỏng, như nhà, xe đỗ trên đường, các loại tài sản khác… khi lái xe đụng vào làm hư hỏng các loại tài sản đó. Chúng ta không thể đánh đồng người khác ở đây là ngoài bản thân người vi phạm an toàn giao thông, còn lại là người khác. Ví dụ, H ra đường thấy xe ô tô của anh T đang đỗ mà không rút chìa khóa; do biết và thân với T nên H lên nổ máy xe chạy tập lái, chạy được một đoạn thì va chạm với cột đèn đường làm hư hỏng xe phải sửa chữa 120 triệu đồng. Trường hợp này không thể truy cứu trách nhiệm hình sự H về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho anh T 120 triệu đồng.

Trong vụ việc, rõ ràng xuất hiện hai mối quan hệ khác biệt nhau, một là A sử dụng xe của chị B khi chưa được chị đồng ý, hai là A lái xe vi phạm an toàn giao thông gây thiệt hại. Việc sử dụng xe của B khi B chưa đồng ý, như phân tích trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nào trong nhóm tội xâm phạm sở hữu. Đối với hành vi lái xe gây thiệt hại về tài sản, vừa thiệt hại tài sản là xe ô tô do chính A đang quản lý (mặc dù đây là trái phép) và thiệt hại cho xe khách. Trên cơ sở quy định của Điều 260 BLHS thì thiệt hại cho chính chiếc xe A đang sử dụng không được tính vào tổng thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A; trường hợp này chỉ tính thiệt hại đối với xe khách để xem xét trách nhiệm hình sự cho A. Thiệt hại cho xe khách chỉ 15 triệu đồng, do đó không đủ yếu tố định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (phải từ 100 triệu đồng trở lên).

Trong trường hợp này, có quan điểm cũng đề cập đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự A về hành vi “vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” quy định tại Điều 280 BLHS. Trong cấu thành tội phạm này, tại khoản 1 cũng thể hiện là phải gây thiệt hại cho tài sản của người khác từ 100 triệu đồng trở lên mới đủ yếu tố định lượng. Theo đó, phải hiểu người khác ở đây trong mối quan hệ khi xảy ra hành vi vi phạm như đối với tội “Vi phạm quy định về tham gia giáo thông đường bộ”. Do vậy, hành vi của A cũng không thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm này.

Có quan điểm đặt ra, nếu A tự ý lấy xe của B lái và gây thiệt hại đến 135 triệu đồng thì xử lý thế nào. Đây là mối quan hệ dân sự giữa A và B, việc A làm hư hỏng xe của B thì A có trách nhiệm bồi thường theo quy định về pháp luật dân sự.

Từ các phân tích trên, tôi cho rằng Nguyễn Văn A chỉ phạm tội “Giết người”, không phạm tội liên quan đến nhóm tội xâm phạm sở hữu, cũng như không phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Trên đây là quan điểm về giải quyết vụ việc, mong bạn đọc cùng bàn luận làm rõ nội dung này./.

 

 Phiên tòa xét xử cựu  Thứ trưởng BQP Nguyễn Văn Hiến cùng các đồng phạm . Ảnh: A.LÚY /PLG

NGUYỄN VĂN LAM ( TAQS Quân khu 9)