Nhầm lẫn một số quy định về người phiên dịch trong vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài

Trong bài viết “Người phiên dịch trong vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài- Thực tiễn và khuyến nghị” đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 29/7/2021, của hai tác giả là Lý Văn Toán và Lâm Tố Trinh, chúng tôi thấy có một số nhầm lẫn, xin được trao đổi lại.

Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ rõ một số nhầm lẫn và trích dẫn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2015 mà tác giả Lý Văn Toán và Lâm Tố Trinh đã phân tích và nêu quan điểm của mình trong bài viết trước đó.

Tại vụ án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 03/2019/HNGĐ-PT của TANDCC tại Hà Nội, giữa nguyên đơn anh BP, sinh năm 1965; quốc tịch: Mỹ và bị đơn chị Lương Thị Thúy H mà các tác giả bài viết đã trình bày, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người phiên dịch, các cấp Tòa khác nhau có nhiều quan điểm cụ thể.

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận vấn đề này cho phép người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đồng thời là người phiên dịch. Tuy nhiên, quan điểm của Tòa án cấp phúc  thẩm thì không chấp nhận và có nhận định: “Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, anh BP không sử dụng được tiếng Việt. Biên bản phiên tòa thể hiện, khi xét xử sơ thẩm, anh BP có mặt tại phiên tòa và có mặt người đại diện theo ủy quyền là bà Phan Thị Hương T. Tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận việc người đại diện đồng thời là người phiên dịch cho anh BP. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận thỏa thuận này của các đương sự là vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 46 và điểm a khoản 3 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (nay được quy định tại các điểm a khoản 2 Điều 82 và khoản 1 Điều 52 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)”.

Tại các quan điểm xét xử trên, thì các tác giả bài viết đã không đồng tình với quyết định của tòa án cấp phúc thẩm, các tác giả bài viết đã căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 81, điểm a khoản 2 Điều 82, khoản 1 Điều 52 và tại Điều 87 BLTTDS 2015 và đã đưa ra kết luận vì pháp luật không quy định những trường hợp không được làm người đại diện thì không hề quy định người đại diện không đồng thời là người phiên dịch.

Quan điểm của tôi về việc lập luận và căn cứ của các tác giả nêu trên là không thuyết phục. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Các tác giả bài viết đã căn cứ theo khoản 2 Điều 81 BLTTDS 2015: “Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó” để lập luận việc người đại diện có thể đồng thời là người phiên dịch trong vụ án ly hôn trên.

Xét thấy, trong trường hợp này BLTTDS chỉ quy định và áp dụng với trường hợp người đại diện đồng thời là người phiên dịch khi chỉ có người đại diện của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó.

Như vậy, đây là một trường hợp đặc biệt chỉ áp dụng trong trường hợp là người khuyết tật chứ không phải áp dụng trong mọi trường hợp.

Ngoài ra, phía các tác giả bài viết đã có sự nhầm lẫn cơ bản quy định BLTTDS 2015 để áp dụng trong vụ án ly hôn giữa anh BP và chị Lương Thị Thúy H. Vì trong vụ án ly hôn anh BP là người đầy đủ năng lực hành vi dân sự không phải là người khuyết tật, do đó tác giả bài viết đã áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 81 BLTTDS 2015 để đưa ra quan điểm là “chị Phan Thị Hương T đang đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp cho anh BP, đang thay mặt anh BP tham gia tố tụng trước Tòa việc anh BP không hiểu tiếng Việt nên bà T sẽ đồng thời là người phiên dịch cho anh BP” là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 81 BLTTDS.

Do vậy, quan điểm của tôi cho rằng phía tác giả đã có sự nhầm lẫn cơ bản trong việc xác định người đại diện đồng thời là người phiên dịch. Như theo quy định trên BLTTDS đã quy định rất cụ thể là chỉ áp dụng với người khuyết tật thì khi đó người đại diện mới có thể là đồng thời là người phiên dịch nếu được Tòa án chấp nhận.

Thứ hai, Các tác giả bài viết đã căn cứ quy định tại Điều 87 BLTTDS 2015 về những trường hợp không được làm người đại diện để khẳng định BLTTDS 2015 quy định những trường hợp không được làm người đại diện thì không hề quy định người đại diện không đồng thời là người phiên dịch và từ đó đưa ra quan điêm là người đại diện có thể đồng thời là người phiên dịch.

Theo quan điểm của tôi, việc các tác giả lập luận quy định trên là chưa đảm bảo tính chuẩn xác, bởi lẽ theo ghi nhận tại khoản 2 Điều 81 BLTTDS 2015 đã quy định người đại diện có thể trở thành người phiên dịch nếu được Tòa án chấp nhận và chỉ được áp dụng đối với trường hợp là người khuyết tật mà người đại diện có thể hiểu được chữ viết, ngôn ngữ, ký hiệu của họ. Do đó, với quy định này BLTTDS 2015 đã loại trừ và chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt tại khoản 2 Điều 81 BLTTDS. Do vậy, phía tác giả chỉ căn cứ và lập luận tại Điều 87 BLTTDS 2015 là không chuẩn xác.

Mặc khác, cũng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 82 BLTTDS 2015 có quy định rất cụ thể về người phiên dịch phải từ chối hoặc bị thay đổi nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52, chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 52 BLTTDS 2015 có quy định “họ đồng thời là người đại diện của đương sự”. Như vậy, nếu rơi vào trường hợp này thì phía người phiên dịch sẽ bị thay đổi hoặc bị từ chối.

Từ các lập luận nêu trên, quan điểm của tôi là người đại diện trong vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài tại bản án nêu trên thì không đồng thời là người phiên dịch vì chi áp dụng đối với trường hợp khi anh BP là người bị khuyết tật thì người đại diện mới có thể đồng thời là người phiên dịch nếu được Tòa án chấp nhận. Do vậy, tôi đồng ý với hướng giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm là không chấp nhận chị T vừa là người đại diện theo ủy quyền cho anh BP vừa là người phiên dịch.

Vì lẽ trên, tôi không đồng ý với quan điểm mà các tác giả bài viết đã trình bày và lập luận.

 

TAND Tp Hải Phòng xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Phương Loan

TRẦN VĂN TỪ (Học viên cao học Luật Kinh tế K14 - Trường Đại học Luật Huế)