Nhiều vấn đề cần bàn về định tội danh theo Điều 341 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết: "Bàn về định tội danh theo Điều 341 Bộ luật Hình sự" của tác giả Trần Hoàng Giang ngày 17/7/2021, người viết thấy có nhiều vấn đề cần trao đổi để nhận thức và áp dụng điều luật được đúng đắn.

Thứ nhất, người viết nhất trí như quan điểm của tác giả đối với trường hợp người phạm tội sử dụng giấy tờ giả mục đích nhằm gian dối để chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội phải bị xét xử về Tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bởi vì, hành vi sử dụng giấy tờ giả đã phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội và đã được BLHS quy định cụ thể tại Điều 341 dưới dạng tội ghép. Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành thì hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật đã phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm đến mức đáng kể và đã được BLHS quy định cụ thể tại Điều 341. Do vậy, ngoài tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội còn phải bị xét xử về Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 BLHS.

Thứ hai, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Theo đó, nếu người phạm tội chỉ có hành vi làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội danh Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, người phạm tội chỉ thực hiện hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bởi vì, nếu xử lý người phạm tội đối với một trong hai tội danh (Tội làm giả hoặc tội sử dụng) thì sẽ không thể hiện được sự phân hoá tội phạm của người phạm tội (giữa hành vi trực tiếp sản xuất và hành vi sử dụng). Hành vi làm giả được hiểu là việc tạo- sản xuất ra các giấy tờ, tài liệu” được thể hiện dưới sự tác động của con người hoặc bằng máy móc như cắt, in, sao chép… hoặc với vai trò của đồng phạm khi xúi giục, khởi xướng, giúp sức cho người phạm tội hoàn thành hành vi làm giả của mình. Còn hành vi sử dụng là hành vi chỉ lấy giấy tờ, tài liệu đã được làm giả để thực hiện phạm tội.

Ví dụ: Hành vi mua Giấy khám sức khỏe sau đó bán lại cho người khác thì bị xử lý về Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức… vì lúc này việc làm giả tài liệu đã hoàn thành và đối tượng mua tài liệu không có hành vi khách quan để làm ra tài liệu giả, cho nên xử lý về Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là phù hợp.

Tuy nhiên, đối với trường hợp người phạm tội thực hiện hai hành vi khách quan cùng được quy định trong một điều luật về tội phạm cụ thể, mà hành vi trước là tiền đề cho hành vi sau, hành vi sau mang tính kế tiếp, gắn bó chặt chẽ với hành vi trước thì cần xác định một tội danh duy nhất bao hàm đồng thời cả hai hành vi này để đảm bảo tội danh được tuyên đúng theo quy định của BLHS; phản ánh, bao hàm đầy đủ các hành vi khách quan, đồng thời đảm bảo việc quyết định một hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội và không gây bất lợi cho bị cáo.

Tác giả có nêu một chứng đó là trường hợp bị cáo làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay ngân hàng thì ngoài tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần thiết phải xét xử cả hai hành vi làm giả và sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả về một tội danh chung là Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, và chỉ quyết định một hình phạt chung đối với bị cáo. Tránh trường hợp người tiến hành tố tụng tách bạch hai hành vi trên thành hai tội danh Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, từ đó quyết định và tổng hợp hình phạt gây bất lợi cho bị cáo.

Người viết đồng ý với quan điểm này của tác giả, tuy nhiên lý giải về trường hợp này, mặc dù điều luật chỉ quy định một loại tội phạm cụ thể nhưng là tội ghép của hai tội, bao hàm hai hành vi khác nhau, đó là hành vi “làm giả…” và hành vi “sử dụng…”, do đó, trong nhiều trường hợp cụ thể, cần dựa vào hành vi khách quan, mục đích của người phạm tội, để phân định giữa hành vi “làm giả” và hành vi “sử dụng” để định tội danh cho phù hợp.

Ví dụ: Cũng trong trường hợp mà tác giả đưa ra, nếu bị cáo có hành vi đặt mua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một người không rõ lai lịch, sau đó sử dụng để thế chấp vay ngân hàng thì bị có bị xử về một tội danh chung là Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức không?

Theo người viết, trong trường hợp này, bị cáo chỉ phạm Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan. Bởi vì, việc mua bán Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả giữa các bị cáo và đối tượng làm giả chỉ là giao dịch dân sự mà không phải là một vụ án hình sự có tính chất đồng phạm. Nếu xử lý bị cáo về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức thì không thể hiện được sự phân hoá về hành vi của người phạm tội (hành vi “làm giả” và hành vi “sử dụng”). Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy, việc đặt mua con dấu, giấy tờ, tài liệu giả dưới nhiều hình thức diễn ra khá phổ biến. Trong quá trình giao dịch, người mua bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, hình thức, yêu cầu để đối tượng làm giả thực hiện. Nếu đồng nhất giữa hành vi “làm giả” với việc cung cấp thông tin, yêu cầu để đặt mua con dấu, giấy tờ giả, vô hình chung sẽ không còn ranh giới giữa hành vi sử dụng và hành vi làm giả nữa trừ  một số rất ít trường hợp như người phạm tội bống nhiên có được giấy tờ giả sau đó đem sử dụng.

Một số vấn đề khác cần đưa ra trao đổi, đó là:

+ Một là, tại khoản 1 Điều 341 BLHS quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”. Vậy yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” được hiểu như thế nào? Có gắn với hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” hay chỉ gắn với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả”? Hành vi trái pháp luật hình sự bị xử lý theo khoản 1 hay theo khoản 2, khoản 3 Điều này? Để xác minh “hành vi trái pháp luật” cần phải có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật không?

Theo người viết, yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS chỉ gắn với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả, không gắn với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Do vậy, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không bắt buộc phải gắn với yếu tố “thực hiện hành vi trái pháp luật” thì cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.“Hành vi trái pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 341 BLHS được hiểu là hành vi trái pháp luật nói chung (kể cả pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính…).  Trường hợp trái pháp luật hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo quy định tại điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng) hoặc điểm b khoản 3 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) Điều 341 BLHS.“Thực hiện hành vi trái pháp luật” là thực hiện hành vi xâm phạm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ mà không cần phải có điều kiện là đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Ví dụ: A có hành vi làm giả 1 con dấu của Công an quận B, sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội với mục đích để lấy lòng bạn gái. Hành vi của A sau đó bị phát hiện và tiến hành xử lý.

Theo người viết, trường hợp này mặc dù A có hành vi tự khắc dấu giả mạo danh Công an quận B sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Tuy nhiên, mục đích phạm tội của A không phải để thực hiện hành vi trái pháp luật mà chỉ để lấy lòng bạn gái, A cũng không sử dụng con dấu giả để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do vậy, không khởi tố mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của A.

+ Về số lượng tài liệu làm giả để định khung, khoản: Theo quy định tại Điều 341, BLHS căn cứ vào số lượng con dấu, tài liệu giả để xác định hành vi phạm vào khoản 1, 2 hay 3, cụ thể:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:…

c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 07năm:

a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên”.

Vậy đối với trường hợp loại tài liệu giả như Giấy khám sức khỏe được làm giả với số lượng lớn, nhiều tờ thì xác định mỗi giấy khám sức khỏe giả là một loại tài liệu giả hay tất cả giấy khám sức khỏe là một loại tài liệu giả? Vấn đề này theo người viết, vì các giấy tờ giả đó là giống nhau (chỉ khác nhau về thông tin người khám), theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì chỉ nên xem đây là một loại tài liệu giả mà không xem mỗi một giấy khám sức khỏe là một loại tài liệu giả.

Trên đây là quan điểm đưa ra trao đổi cùng tác giả bài viết và quý bạn đọc, cùng đồng nghiệp.

 

Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam một công chứng viên trong vụ án sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả - Ảnh: XM

HỒ NGUYỄN QUÂN ( Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)