Phạm Hoàng T phạm tội trộm cắp tài sản

Sau khi  nghiên cứu bài viết Phạm Hoàng T phạm tội “Trộm cắp tài sản” hay “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” của tác giả Phan Thành Nhân đăng ngày 09/3/2023, tôi cho rằng Phạm Hoàng T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Theo như nội dung vụ án, Hoàng Thanh H đã rủ Phạm Hoàng T lấy trộm phụ phẩm cá tra của Công ty N để bán lại cho T với giá rẻ nhằm lấy tiền tiêu xài cá nhân. Cả hai thống nhất với phương thức: Khi H lái xe đi nhận phụ phẩm cá tra mang về cho Công ty N, nếu không có người của Công ty N đi cùng thì H điện thoại cho T biết và hẹn địa điểm là những chỗ vắng người trên đường để gặp nhau rồi cùng lấy trộm phụ phẩm cá tra bán lại cho T.

H đã lén lút thực hiện hành vi lấy trộm phụ phẩm cá tra. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản, người phạm tội lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ. Người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình khi thực hiện, cố gắng thực hiện hành vi bằng cách thức mà người bị hại không phát hiện ra.

Xét thấy trong vụ án trên có dấu hiệu của đồng phạm. Theo đó, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng một tội phạm với người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Hoàng Thanh H và Phạm Hoàng T đã có sự bàn bạc trước về việc lấy trộm phụ phẩm cá tra và tiêu thụ tài sản trộm cắp. Đây là hình thức đồng phạm giản đơn, H là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, T thực hiện tội phạm với vai trò người giúp sức. Hành vi giúp sức của T là bằng lời hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có sau khi tội phạm thực hiện xong. Lời hứa hẹn trước này có tác dụng củng cố ý định phạm tội, củng cố quyết tâm phạm tội của người trực tiếp thực hiện tội phạm... Chính do có sự tác động tinh thần như vậy mà luật hình sự Việt Nam coi hành vi hứa hẹn trước là một dạng giúp sức tinh thần.

 Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Đây là hành vi chuyển dịch quyền sở hữu tài sản như bán, trao đổi… tài sản mà mình biết rõ tài sản đó là do người khác phạm tội mà có (mặc dù không hứa hẹn trước). Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” khác với tội “Trộm cắp tài sản” ở thời điểm nhận chứa chấp, tiêu thụ, người chứa chấp, tiêu thụ không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản; có nghĩa người nhận chứa chấp, tiêu thụ tài sản sau khi hành vi phạm tội của ngươi có tài sản đem chứa chấp, tiên thụ đã hoàn thành; nếu hứa hẹn trước thì người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” mà đồng phạm với hành vi phạm tội của người có tài sản đem chứa chấp, tiêu thụ với vai trò là người giúp sức.

Như vậy, Phạm Hoàng T đồng phạm với Hoàng Thanh H về tội trộm cắp tài sản với vai trò người giúp sức.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Văn Giỏi

ĐỖ VĂN DUY (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)