T giết người để che giấu tội cướp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng đối với Nguyễn Văn T ?” được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân điện tử ngày 27/6/2021 của tác giả Dương Văn Hưng, chúng tôi xin có một số ý kiến trao đổi với tác giả và bạn đọc.

Đối với nội dung vụ án được nêu trong bài viết, theo chúng tôi Nguyễn Văn T phạm tội “Giết người” quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS với tình tiết định khung “Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” và tội “Cướp tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung “Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm”, với lập luận như sau:

Thứ nhất, đối với tội “Cướp tài sản” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168.  Điểm d khoản 2 Điều 168 thực chất quy định 3 tình tiết là dấu hiệu định khung: sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện, sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác.

Tại 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định: “2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. a. Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: Búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…”.

Trong vụ án, để thực hiện hành vi phạm tội Nguyễn Văn T đã lấy dao trong túi quần (dao chuẩn bị từ trước), cầm trên tay phải, ngồi đè lên bụng chị H, tay trái bóp cổ, tay phải cầm dao dí vào mạng sườn trái, rồi yêu cầu chị H tháo hết nữ trang trên người đưa cho T. Đây chính là hành vi “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản” được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội cướp tài sản. Mặc dù sau đó T sử dụng dao để thực hiện hành vi phạm tội “giết người” nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội “Cướp tài sản” Nguyễn Văn T sử dụng dao làm phương tiện phạm tội (theo quy định tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HDTP nên trên) nên Nguyễn Văn T vẫn phạm tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015. 

Thứ hai, đối với tội “Giết người” với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 1 Điều 123. Điểm g quy định hai trường hợp đó là: giết người để thực hiện hành vi phạm tội khác hoặc giết người để che giấu tội phạm khác. Đây là hai trường hợp thể hiện mặt chủ quan của tội phạm (cụ thể là động cơ, mục đích). Theo quan điểm của chúng tôi, hành vi của Nguyễn Văn T thuộc trường hợp giết người để che giấu tội phạm khác. Đây là trường hợp mà trước khi giết người, người phạm tội đã thực hiện một hiện một tội phạm khác và để che giấu tội phạm đó nên người phạm tội đã giết người và giữa hành vi giết người với tội phạm đã thực hiện phải có mối liên hệ với nhau. Về mặt thời gian thì tội phạm mà người có hành vi giết người muốn che giấu xảy ra trước đối với tội giết người.

Trong nội dung bài viết nêu ra “T nảy sinh ý định giết chị H để cướp tài sản”, nhưng diễn biến hành vi của T trong vụ án xảy ra khác với ý định ban đầu của T. Cụ thể là sau khi thực hiện hành vi phạm tội “cướp tài sản” như đã phân tích ở trên, Nguyễn Văn T mới thực hiện hành vi giết người. Mặc dù, động cơ mục đích là những yếu tố bên trong của tội phạm nhưng đó các yếu tố thúc đẩy người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan. Do đó, có thể chứng minh được qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Theo tôi thì hành vi phạm tội của T không thuộc trường hợp quy định tại điểm e “Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” bởi vì đối với trường hợp này thì tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau tội giết người không liên quan đến tội giết người.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi của chúng tôi với nội dung vụ án, rất mong nhận được phản hồi từ bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử vụ án  giết người, cướp tài sản - Ảnh: Đình Long

 

 

 

TRẦN QUANG HIẾU  (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 4)