Trần Văn T có phạm tội không?

Ô tô đầu kéo kéo rơ mooc để xe lấn làn sang trái, đúng lúc đó thì chị X đi xe máy theo chiều ngược lại vội đánh lái sang phải, tuy nhiên, do tay lái yếu nên xe của chị X ngã ra đường. Chị X bị bánh sau bên trái của rơ mooc cán gây tử vong. T có phạm tội hay không?

Khoảng 13 giờ ngày 03/12/2019, trên đường TP, thành phố V, tỉnh NA, xảy ra vụ tai nạn giữa xe ô tô đầu kéo kéo rơ mooc và một xe máy. Theo camera của một nhà dân bên đường thu lại được thì sau khi đi qua cầu vượt QB, trong lúc lái xe, do mải quan sát tìm quán cơm trưa, Trần Văn T có để xe lấn làn sang trái, đúng lúc đó thì chị Lê Thị X đang điều khiển xe máy theo chiều ngược lại. Thấy hai xe suýt va chạm nên chị X đã đánh lái sang phải, tuy nhiên, do tay lái yếu nên việc đánh lái lại khiến cho chị và xe ngã ra đường. Chị X ngã văng ra đường đúng vào bánh sau bên trái của rơ moc nên bị bánh xe đè lên người, ở phần đường bên phải theo hướng di chuyển xe mô tô của chị.

Hậu quả chị X tử vong tại chỗ còn xe mô tô của chị X thì hư hỏng nhẹ. Được biết Trần Văn T có giấy phép lái xe ô tô hạng FC do Sở Giao thông -Vận tải tỉnh NA cấp có giá trị đến ngày 20/11/2020, T hiện đang là lái xe theo hợp đồng của doanh nghiệp X, và tuyến đường xảy ra tai nạn là đường hai chiều được phân định bởi vạch kẻ trắng nét rời.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, CSGT đã kịp thời có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.

Hiện nay đang có hai quan điểm định tội danh đối với T.

Quan điểm thứ nhất

Nguyên nhân tử vong của chị X là bị bánh xe ô tô rơmooc cán qua người, vị trí xảy ra va chạm là phía bên phải đường theo hướng đi của chị X. Như vậy, nếu xe ô tô rơmooc đi đúng làn đường quy định thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Hành vi để xe lấn làn sang phần đường của xe ngược chiều của Trần Văn T đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại khoản 1 Điều 9 Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Với hậu quả chết người đã xảy ra có thể xác định hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.

Quan điểm thứ hai       

Và cũng là quan điểm của tác giả, đó là: T không phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Vì có căn cứ để xác định vụ tai nạn xảy ra là lỗi hỗn hợp của cả X và T, trong đó lỗi của X là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn.

Bởi lẽ người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ lái xe và đi đúng phần đường, làn đường theo quy định. Về phần đường xe máy được đi, thời điểm xảy ra vụ tai nạn là 13 giờ, theo quan sát từ camera nhà dân cho thấy thời điểm đó trên đường rất ít phương tiện giao thông qua lại, nên việc chị X điều khiển xe mô tô đi gần tim đường là không đúng quy định. Hơn nữa, việc đánh lái dẫn tới mất lái chứng tỏ chị X không làm chủ tốc độ lái xe của mình, hoặc ít nhất là đã không chú ý quan sát phía trước hướng xe chạy. Vì vậy, mới bất ngờ đánh lái mà không kịp giảm tốc độ của xe mô tô. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc ngã xe mô tô ra đường. Nếu chị X làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, khi phát hiện phía trước có xe ô tô rơ mooc thì đã chủ động giảm tốc độ, đi về phía bên phải phần đường của mình thay vì tiếp tục đi gần tim đường.

Chị X ngã ra đúng lúc bánh xe ô tô đi tới, do vậy, đây được coi là sự kiện bất ngờ đối với người lái xe ô tô. Và dù việc lấn làn đường của T không là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của chị X, song va chạm giữa chị X và bánh xe bên trái của rơ mooc lại ở phần đường của xe ngược chiều cho thấy T có lỗi trong việc để xe đi lấn làn đường.

Vì vậy, trong vụ án này, có lỗi của hai bên, trong đó, lỗi của T là nguyên nhân thứ yếu, vi phạm lấn làn đường không đủ cơ sở để xác định T phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

Xe container gây tai nạn tại Long An. Ảnh: Hoàng Nam – BĐT

 

ĐINH THU NHANH (TAQS Quân khu 4)