Tranh chấp thừa kế tài sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Tranh chấp về thừa kế tài sản mà đặc biệt là quyền sử dụng đất, là một loại tranh chấp diễn ra vô cùng phổ biến và đường lối giải quyết tại Toà án các cấp thường không thống nhất.

Khi giải quyết các vụ án có liên quan đến thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất và giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà đương sự cho rằng là đây là di sản thừa kế và yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do một trong những người thừa kế tự mình định đoạt, các Tòa án còn chưa thống nhất về việc xác định di sản thừa kế và hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất này.

 I. Nội dung vụ án

Nguyên đơn là ông Huỳnh Phước T3, bà Huỳnh Thị D, bà Huỳnh Kim L, bà Huỳnh Thị Ngọc M trình bày:

Vợ chồng cụ Huỳnh Văn T (chết ngày 8/8/2001) và cụ Nguyễn Thị P (chết năm 2012) có 8 người con là: ông Huỳnh Phước T1, bà Huỳnh Thị D, ông Huỳnh Phước D1 (chết năm 2003, trước khi chết không có vợ, con), ông Huỳnh Phước Đ, ông Huỳnh Phước T2 (chết ngày 15/4/2014), ông Huỳnh Phước T3, bà Huỳnh Thị Ngọc M, bà Huỳnh Kim L. Khi còn sống, cụ T và cụ P tạo lập được khối tài sản gồm:

- Diện tích 15.984m2 đất nông nghiệp tọa lạc tại huyện C, tỉnh A theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 26/6/1991 đứng tên cụ T.

Sau khi cụ T chết, ông T2 cùng vợ là bà Bùi Thị S tự ý làm thủ tục chuyển quyền và ngày 10/12/2002 được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích 15.984m2 đất nông nghiệp nên trên. Đến năm 2004, ông T2 chuyển nhượng cho vợ chồng ông Huỳnh Văn L và bà Trần Thị N 12.096m2 đất. Còn lại diện tích 3.888m2, đến ngày 04/11/2011 ông T2 và bà S được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các đồng nguyên đơn cho rằng, diện tích đất trên là di sản thừa kế của cha mẹ là cụ T và cụ P để lại; việc vợ chồng ông T2, bà S tự ý làm thủ tục sang tên và chuyển nhượng cho ông L, bà N là không đúng quy định pháp luật. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đụng dất giữa ông T2, bà S với ông L, bà N và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.

Bị đơn là ông Huỳnh Phước T2 và bà Bùi Thị S trình bày:

Thống nhất theo lời khai của nguyên đơn về hai diện tích đất tranh chấp là tài sản của cha mẹ là cụ T và cụ P để lại.

Cụ T chết năm 2001, do trước khi chết bệnh tật nhiều năm nên gia đình phải vay tiền chữa trị cho cụ T. Sau khi cụ T mất, cụ P và các anh, chị, em trong nhà đồng ý để chuyển quyền sở hữu diện tích 15.984m2 đất nông nghiệp cho ông T2 để ông T2 đứng ra làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác lấy tiền trả nợ. Năm 2004, ông T2 làm thủ tục chuyển nhượng cho vợ chồng ông L, bà N 12.096m2 đất trong 15.984m2 đất nông nghiệp nêu trên, còn lại 3.888m2.

Phần diện tích 3.888m2 đất nông nghiệp còn lại và 2.559,8m2 đất vườn tạp thì cụ P và các anh, chị, em đồng ý làm thủ tục cho ông T2 và bà S đứng tên và được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mặc dù cụ T và cụ P không để lại di chúc trước khi chết nhưng khi còn sống đều có nguyện vọng để lại các diện tích đất trên cho ông T2 và bà S. Việc thực hiện thủ tục sang tên đều được anh, chị, em thống nhất. Do đó, bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

+ Ông Huỳnh Phước Đ và ông Huỳnh Thành T1 trình bày:

Các anh em trước đây đã được cha mẹ của các ông chia tài sản là đất nông nghiệp tọa lạc tại huyện C, tỉnh A, còn phần đất tranh chấp là phần còn lại chưa chia, do thiếu nợ lúc cụ T bệnh nên cụ P quyết định giao cho vợ chồng ông T2, bà S bán để trả nợ. Việc sang tên cho ông T2, bà S các diện tích đất này thì các ông có biết.

Các ông không yêu cầu Tòa án phân chia di sản, nếu được phân chia thì phần các ông được hưởng sẽ giao cho bà S và các con ông T2 thụ hưởng.

+ Ông Huỳnh Văn L và bà Trần Thị N trình bày:

Năm 2004, vợ chồng ông L, bà N nhận chuyển nhượng một phần đất ruộng diện tích 12.096m2 từ vợ chồng ông T2, bà S và quản lý, canh tác từ đó đến nay. Việc sang nhượng giữa hai bên là hợp pháp vì ông T2, bà S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2002 sau đó chuyển nhượng lại cho ông L, bà N. Ông, bà không đồng ý với với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ UBND huyện C:

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cụ T sang ông T2 là đúng trình tự thủ tục theo quy định.

II. Quá trình giải quyết vụ án

Tại Bản án dân sự sơ thẩm (lần 1) quyết định như sau:

Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông T3, bà M, bà D và bà L về việc chia thừa kế tài sản của cụ T.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T3, bà M, bà D và bà L về việc chia thừa kế tài sản của cụ P.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm (lần 1) quyết định như sau:

Hủy Bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện C giải quyết lại vụ án.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm (lần 2) quyết định như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T3, bà D, bà L và bà M về chia thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp diện tích 3.888m2.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T3, bà D, bà L và bà M về hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH02587 ngày 04/11/2011 do UBND huyện C cấp cho ông T2, bà S.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm (lần 2) quyết định như sau:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T3, bà M, bà D và bà L. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T3, bà D, bà L và bà M yêu cầu được chia thừa kế đối với phần đất diện tích 12.096m2.

Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T2, bà S với ông L, bà N;

  Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cấp cho ông T2, bà S.

  III. Bình luận án

Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ phía Toà án các cấp.

Theo quan điểm của tác giả: Không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu huỷ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T2 và ông L và không có căn cứ chia di sản thừa kế đối với diện tích đất đã chuyển nhượng vì những lý do sau:

Thứ nhất, sau khi cụ T chết, cụ P giao quyền sử dụng diện tích 15.984m2 đất nông nghiệp cho ông T2, ngày 10/12/2002 ông T2 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với phần đất này. Đến năm 2003, ông T2 làm thủ tục chuyển nhượng cho vợ chồng ông L, bà N 12.096m2 và đã được UBND huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/7/2004 cho ông L, bà N. Còn lại 3.888m2 ngày 04/11/2011 ông T2 và vợ là bà S được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.

Khi còn sống cụ P lập Tờ tự thuận ngày 30/10/2002 (có xác nhận của UBND xã) thể hiện nội dung cụ P, cùng các con thống nhất tự thuận cho ông T2 diện tích 15.984m2 đất. Tại tờ trình khiếu nại ngày 08/12/2003, ông T3 cho biết gia đình có vay ngân hàng 15.000.000đ và nếu ông T2 bán đất thì yêu cầu của ông D và ông T3 xin được giữ lại 5 công đất để canh tác. Tuy Tờ thuận phân không có đầy đủ chữ ký xác nhận của các đồng thừa kế và các đồng nguyên đơn cho rằng các ông, bà không ký tên tại văn bản này nhưng việc cụ P chuyển quyền sử dụng cho ông T2 diện tích đất này và năm 2003 ông T2, bà S làm thủ tục chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông L, bà N thì các con của cụ P đều biết. Ông T2 được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó chuyển nhượng lại và ông L, bà N. Ngày 27/07/2004, UBND huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04150.QSDĐ/eF cho ông L, bà N. Theo UBND huyện C thì việc chuyển nhượng từ cụ T sang ông T2 là đúng quy định. Có thể thấy, các con của cụ T và cụ P không tranh chấp việc chuyển quyền sử dụng từ cụ T và cụ P sang cho ông T2 và việc ông T2 chuyển nhượng cho vợ chồng ông L, bà N.

Ông T2, bà S cùng ông T1 và ông Đ cùng cho biết cụ T và cụ P khi còn sống ở cùng vợ chồng ông T2, do chi phí chữa bệnh và mai táng cho cụ T nhiều nên cụ P và các anh chị em trong gia đình đồng ý chuyển quyền sử dụng cho ông T2 để ông T2 làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác. Ông T3 cho rằng, cha mẹ ở cùng vợ chồng ông tuy nhiên lời khai của bà D, bà L và bà M ngày 22/7/2014 khẳng định cha mẹ sống cùng ông T2 và tại Tờ trình khiếu nại ngày 08/12/2003, ông T3 cho biết gia đình có vay ngân hàng 15.000.000đ. Do vậy, có căn cứ cho thấy việc chuyển nhượng 12.096m2 đất cho ông L, bà N để lấy tiền trả nợ ngân hàng, trả chi phí điều trị bệnh, mai táng cụ T và chăm sóc, phụng dưỡng cụ P.

Thứ hai, căn cứ Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng được Hội đồng thẩm phán TANDTC thông qua ngày 14/13/2017 có tình huống án lệ như sau: “Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng; các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó; số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế; bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giải pháp pháp lý trường hợp này là Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng”.

Như vậy, Toà án không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông T2, bà S với vợ chồng ông L, bà N; không đồng ý với yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông L, bà N là có căn cứ, phù hợp với tinh thần của Án lệ số 16/2017/AL nêu trên.

Thứ ba, phần diện tích 12.096m2 đã được định đoạt. Sau khi chuyển nhượng, còn lại 3.888m2 đất là tài sản chung của cụ T và cụ P , mỗi người có ½ là 1.944m2. Phần của cụ P, khi còn sống cụ đã thể hiện ý chí giao cho ông T2, bà S tại Tờ tự thuận có chữ ký của cụ P. Do đó, phần di sản của cụ T còn 1.944m2 được chia theo pháp luật cho 9 đồng thừa kế của cụ T gồm cụ P, ông T1, bà D, ông D, ông Đ, ông T2, ông T3, bà L, bà M là đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

 

Vườn trầu Hóc Môn, Tp HCM - Ảnh minh họa của Thái Vũ

Luật gia  TRẦN MỘNG BÌNH