Về việc áp dụng Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ và vấn đề phạm vi thẩm quyền của Toà án trong việc xét xử vụ án hành chính

Nhằm giúp các giáo viên hợp đồng yên tâm công tác, Bộ Nội vụ có Công văn số 5378/BNV-CCVC về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Trong bài viết này tác giả có một số ý kiến về làm rõ thẩm quyền của Tòa án về việc giải quyết khiếu kiện liên quan đến việc áp dụng Công văn 5387

1.Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, tình trạng giáo viên ký hợp đồng giảng dạy tại các trường trung học cơ sở và tiểu học cơ sở với các Ủy ban nhân dân cấp huyện, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không được tuyển dụng theo đúng quy định của Luật Viên chức diễn ra khá phổ biến và kéo dài ở hầu hết các địa phương trong toàn quốc. Bộ phận giáo viên này có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nên họ thiếu yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, phần nào tạo nên một hiện tượng tâm lý xã hội không tốt. Nhằm khắc phục bất cập trên, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ tại các Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 và 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6/2019 đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể về giải quyết vấn đề này. Thực hiện sự chỉ đạo trên, ngày 5/11/2019 Bộ Nội vụ có Công văn số 5378/BNV-CCVC về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước (gọi tắt là Công văn 5378). Sau khi có Công văn trên của Bộ Nội vụ, các địa phương trong toàn quốc đã triển khai thực hiện chủ trương lớn này nhằm giúp đội ngũ giáo viên nói trên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần ổn định xã hội.

Tuy vậy, quá trình thực hiện cũng đã thể hiện sự thiếu nhất quán về hiểu tinh thần Công văn 5378 ở các cơ quan hành chính và tư pháp các cấp, dẫn đến vẫn để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, làm cho một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước khi đi vào cuộc sống, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc giải quyết của Toà án về khiếu kiện liên quan đến việc áp dụng Công văn này cũng có những vấn đề cần làm rõ về thẩm quyền.

2.Thực trạng giải quyết của các cơ quan hành chính và tư pháp

Để thấy rõ thực trạng này, tác giả xin nêu một vụ việc cụ thể, đã được cơ quan hành chính, tiếp đến là các cơ quan tư pháp giải quyết, nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nội dung vụ việc:  Tháng 2/2015, bà Nguyễn Thị H ký kết hợp đồng với Ủy ban nhân dân huyện QT làm công việc giảng dạy môn toán tại Trường Trung học cơ sở QH, thời gian làm việc từ ngày 29/01/2015. Ngày 30/8/2018, ông Nguyễn Hoàng A, là Phó Chủ tịch UBND huyện QT ký thông báo chấm dứt  hợp đồng lao động trên với lý do biên chế bị cắt giảm. Vì yêu nghề nên ngày 01/9/2018 bà H ký hợp đồng tự nguyện làm việc không hưởng lương với Trường Trung học cơ sở QH, thời gian từ ngày 01/9/2018 đến ngày 30/9/2018, chờ có chỉ tiêu biên chế để được ký hợp đồng trở lại với Ủy ban nhân dân huyện QT.

Ngày 15/10/2018, bà H lại ký hợp đồng giảng dạy với Trường Trung học cơ sở CD. Ngày 26/11/2018, bà H được Ủy ban nhân dân huyện QT ký lại hợp đồng và đã giảng dạy từ ngày 26/11/2018 đến ngày 30/3/2020 tại Trường Trung học cơ sở QH.  Bà H đã có thời gian công tác giảng dạy 61 tháng và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 60 tháng, có một tháng là tháng 9/2018 do bị cắt hợp đồng lao động, nên không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được.

Thực hiện Công văn 5378, tháng 12/2019, Ủy ban nhân dân huyện QT đã tổ chức việc nhận hồ sơ để tiến hành xét tuyển dụng đặc cách đối với các giáo viên đang giảng dạy trên địa bàn huyện, theo hợp đồng đã ký với Ủy ban nhân dân Huyện trước đó. Tại Quyết định 168/QĐ-UBND ngày 05/02/2020 của UBND huyện QT về phê duyệt danh sách thí sinh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự vòng 2 Kỳ xét tuyển đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện QT (gọi tắt là Quyết định 168), trong danh sách có bà Nguyễn Thị H, với lý do bà H có gián đoạn việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc một tháng (tháng 9/2018), vi phạm điều kiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 5 năm liên tục, được quy định tại Công văn số 6134/BNV-CCVC ngày 23/11/2017 của Bộ Nội vụ.

Bà Nguyễn Thị H khiếu nại Quyết định 168.

Tại Quyết định 1041/QĐ-UBND ngày 21/5/2020 của Chủ tịch UBND huyện QT về giải quyết khiếu nại việc phê duyệt danh sách thí sinh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự vòng 2 Kỳ xét tuyển đặc cách của viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện QT năm 2019 (gọi tắt là Quyết định 1041), Chủ tịch UBND huyện QT không chấp nhận nội dung khiếu nại của bà H, giữ nguyên Quyết định 168.

Ngày 20/6/2020, bà Nguyễn Thị H có đơn khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu TAND tỉnh QB xét xử vụ kiện, hủy các Quyết định 168 và 1041, trả lại cho bà H tiêu chuẩn được xét tuyển đặc cách làm giáo viên tại huyện QT, vì theo bà H, Bà đủ điều kiện để được đưa vào danh sách xét tuyển theo Công văn số 5378; các Quyết định 168 và 1041 là trái pháp luật.

Ngày 08/7/2020, UBND huyện QT có Công văn số 567/UBND-TP về nêu ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H về yêu cầu huỷ các Quyết định 168,  1041 và buộc UBND huyện QT trả lại tiêu chuẩn được xét tuyển đặc cách làm giáo viên tại huyện QT. Công văn này cho rằng yêu cầu khởi kiện của bà H là không có cơ sở, vì các lý do sau:

- Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/12/2019 về việc tuyển dụng đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện QT năm 2019 đã được Sở Nội vụ tỉnh QB thẩm định. Quyết định 168 về việc phê duyệt danh sách thí sinh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự vòng 2, kỳ xét tuyển đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện QT năm 2019 được ban hành trên cơ sở thẩm định của Sở Nội vụ.

- Căn cứ các quy định pháp luật, UBND huyện QT đã ban hành Quyết định số 3039/QĐ-UBND ngày 24/12/2019 về việc ban hành kế hoạch xét tuyển đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện QT năm 2019, trong đó điều kiện thời gian công tác hợp đồng vị trí giáo viên đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để xét tuyển đặc cách được áp dụng theo Công văn số 6134/BNV-CCVC ngày 23/11/2017 của Bộ Nội vụ. Theo đó, thời gian hợp đồng giảng dạy được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải liên tục ở trình độ, vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu, vị trí việc làm cần tuyển dụng. Thời gian công tác trong năm đó có gián đoạn theo quy định của pháp luật chỉ được áp dụng đối với trường hợp nghỉ thai sản, thời gian nghỉ hè, thời gian nghỉ ốm đau có xác nhận điều trị nội trú từ tuyến huyện trở lên.

 - Về trường hợp thí sinh Nguyễn Thị H, thí sinh này không đủ điều kiện tham gia xét tuyển vòng 2, vì không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 01 tháng (tháng 9/2018), vi phạm điều kiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục 60 tháng.

Ngày 20/8/2020, Sở Nội vụ tỉnh QB có Công văn số 1029/SNV-TTr, trả lời Công văn số 282/CV-TA ngày 13/8/2020 của TAND tỉnh QB, theo đó đã trả lời cách tính thời gian công tác liên tục trong xét tuyển đặc cách viên chức ngành giáo dục và đào tạo, Sở Nội vụ đã thực hiện theo Công văn số 6134/BNV-CCVC ngày 23/11/2017 của Bộ Nội vụ. Công văn Sở Nội vụ không trả lời yêu cầu trực tiếp của Toà án, đó là xác định hướng dẫn tại Công văn số 1573/SNV-CBCCVC ngày 23/12/2019 của Sở Nội vụ có đúng pháp luật không.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 12/2020/HC-ST ngày 21/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh QB đã nhận định: Công văn 6134/BNV-CCVC ngày 23/11/2017 của Bộ Nội vụ gửi Sở Nội vụ tỉnh QB có nội dung hướng dẫn, giải thích rõ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Mà Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ về xét tuyển đặc cách đã hết hiệu lực pháp luật, vì Điều 7 Thông tư 15 nói trên có nội dung nhằm hướng dẫn Điều 14 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, và Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ đã hết hiệu lực pháp luật từ ngày 15/01/2019, do Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã sửa đổi, bổ sung điều luật này.

Cụ thể, điều luật mới được quy định như sau: ''Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:

a) Các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm: Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập...''.

Do đó sau khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 15/01/2019, nội dung hướng dẫn tại Công văn 6134 của Bộ Nội vụ không còn giá trị từ ngày 15/01/2019. Nội dung cần hướng dẫn nói trên đã được quy định rõ tại mục 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ đã được trích dẫn ở trên.

Theo Điều 14 được sửa đổi thì việc bà Nguyễn Thị H đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bị gián đoạn một tháng (tháng 9/2018), không phải là lý do để không được xét tuyển đặc cách viên chức ngành giáo dục và đào tạo huyện QT năm 2019 theo tinh thần Công văn số 5378/BNV-CCCV ngày 05/11/2019 của Bộ Nội vụ. Nên việc Quyết định 168 căn cứ vào Công văn hướng dẫn 1634 của Bộ Nội vụ để quy định về cách tính thời gian công tác liên tục trong xét tuyển đặc cách viên chức ngành giáo dục và đào tạo là áp dụng văn bản đã hết hiệu lực pháp luật, và từ sai phạm này dẫn đến sai phạm khác là xác định bà Nguyễn Thị H không đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự  vòng 2 Kỳ xét tuyển đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện QT năm 2019.

Từ nhận định trên, bản án sơ thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H, huỷ các Quyết định 168 và 1041 để giải quyết lại.

Sau khi hết thời hạn kháng cáo, Uỷ ban nhân dân huyện QT có đơn kháng cáo, nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.

Ngày 5/3/2021, Viện Kiểm sát cấp cao tại ĐN có văn bản kháng nghị án sơ thẩm, nội dung cho rằng các Quyết định 168, 1041của Ủy ban nhân dân huyện QT và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện QT là đúng pháp luật, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại ĐN hủy án sơ thẩm để Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Theo quy định tại Điều 339 Bộ luật Tố tụng dân sự thì phiên tòa giám đốc thẩm phải được xét xử trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày Toà án có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm nhận được kháng nghị và hồ sơ kèm theo, nhưng cho đến cuối tháng 11/2021, tức là quá thời hạn hơn 4 tháng, phiên tòa giám đốc thẩm mới được mở.

Tại Quyết định số 10/2021/HC-QĐGĐT ngày 30/11/2021, Toà án nhân dân cấp cao tại ĐN nhận định: Bà H cho rằng bà ký hợp đồng làm giáo viên giảng dạy tại Trường trung học cơ sở QH từ tháng 2/2015, nên tổng thời gian giảng dạy là 61 tháng và thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 60 tháng, nhưng theo bảng ghi quá trình đóng bảo hiểm xã hội của Bà được Bảo hiểm xã hội huyện QT xác nhận vào  ngày 23/9/2021 (do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại ĐN tiến hành thu thập) thể hiện bà H bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 4/2015, không phải từ tháng 2/2015. Như vậy theo xác nhận này, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của bà H là 4 năm 11 tháng. Bản án hành chính sơ thẩm số 12/2020/HC-ST ngày 21/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh QB không nhận định tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của bà H, nhưng lại tuyên huỷ các Quyết định 168, 1041 là chưa có cơ sở vững chắc. Từ nhận định trên Quyết định giám đốc thẩm đã huỷ Bản án để xét xử sơ thẩm lại.

3. Bình luận

Về việc giải quyết vụ việc này của các cơ quan hành chính và tư pháp, tác giả xin có mấy ý kiến bình luận sau:

Thứ nhất, về cách hiểu Công văn số 5378/BVV-CCCV ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước:

Mục 2 Công văn 5378 quy định như sau:2. Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng”.

Theo nội dung đã được trích dẫn ở trên, thì điều kiện để được xét tuyển dụng đặc cách phải thoả mãn các yêu cầu hay (điều kiện) sau:

1.Là giáo viên đang có ký hợp đồng lao động;

2.Vị trí việc làm hiện tại là giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập;

3. Đã từng có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

4. Khi ký kết hợp đồng lao động này là làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn;

5.Thời gian ký trước ngày 31/12/2015;

6. Ký trong chỉ tiêu biên chế;

7. Có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Công văn 5378 có hiệu lực vào ngày ký, do đó có thể thấy những người ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào đúng ngày 31/12/2015, thì tính đến ngày 5/11/2019, thời gian đóng bảo hiểm chưa đầy 4 năm, nhưng theo Công văn 5387, nếu họ có đủ các yêu cầu quy định ở trích dẫn trên, họ được tham gia xét tuyển đặc cách. Trường hợp bà H, đối chiếu với các yêu cầu trên, đủ điều kiện để được tham gia xét tuyển dụng đặc cách. Việc Ủy ban nhân dân huyện QT căn cứ vào Công văn số 6134/BNV-CCVC ngày 23/11/2017 của Bộ Nội vụ đã hết hiệu lực pháp luật để đưa ra điều kiện là người nộp hồ sơ phải đóng bảo hiểm xã hội  bắt buộc đủ 60 tháng và không được gián đoạn là trái với Công văn 5387và trái với một trong những nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng pháp luật là không áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực.

Cũng cần nói thêm rằng việc xét tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn 5387 là một chủ trương lớn, có sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của Đảng và Nhà nước, nhằm giải quyết vấn đề bất cập còn tồn đọng do việc một bộ phận giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông công lập chỉ được ký hợp đồng lao động mà không được tuyển dụng theo đúng Luật Viên chức, họ có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động một cách dễ dàng, nên không yên tâm giảng dạy; nhiều người đã bị chấm dứt hợp đồng, không thể tìm được công việc, nghề nghiệp mới phù hợp, vì tuổi trẻ đã dành cho sự nghiệp giáo dục, nay không đủ khả năng để học và tìm nghề nghiệp mới. Đây là vấn đề bức xúc của xã hội.

Vì đây là một chủ trương mang tính chất đặc biệt như đã phân tích ở trên, nên việc xét tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn 5387 không áp dụng những quy định khác, như quy tại mục 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, theo đó buộc người dự tuyển phải có 5 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi nếu muốn quy định như vậy thì Công văn 5378 phải quy định thời gian ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là trước ngày 5/11/2014, chứ không phải trước ngày 31/12/2015, do chủ trương tuyển dụng đặc cách theo Công văn 5387 chỉ thực hiện một lần, các trường hợp không đủ điều kiện để được tuyển dụng sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

 Vì vậy việc Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh QB chỉ ra việc các Quyết định 168, 1041 đưa ra yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội liên tục là trái pháp luật; không đặt ra vấn đề xác định xem bà H đã nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc tổng cộng bao nhiêu tháng; chỉ xem bà H có đủ các điều kiện theo Công văn 5378 là hoàn toàn đúng đắn. Mặt khác quá trình giải quyết vụ án bên bị kiện không phản đối mà thừa nhận bà H đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 60 tháng như Đơn khởi kiện của bà H, nên theo khoản 2 Điều 79 Luật Tố tụng hành chính, đây là tình tiết không phải chứng minh.

Thứ hai, về vấn đề thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử vụ án hành chính đối với đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính:

Khi giải quyết vụ án hành chính đối với đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, Tòa án cần đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính về thẩm quyền ban hành quyết định, về thời hạn, thời hiệu, trình tự thủ tục ban hành quyết định và về nội dung quyết định. Nếu các vấn đề cần được đánh giá nói trên là trái pháp luật, Tòa án phải huỷ quyết định hành chính; còn nếu các vấn đề cần được đánh giá nói trên hợp pháp, Tòa án phải bác đơn khởi kiện.

Trở lại vụ án nói trên, lý do loại bỏ bà H ra khỏi danh sách được tham gia xét tuyển đặc cách vào làm giáo viên dạy học trên địa bàn huyện QT của các Quyết định 168, 1041 là do bà H không có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục (gián đoạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào tháng 9/2018). Việc các Quyết định 168, 1041 đưa ra quy định phải đóng bảo hiểm xã hội liên tục là căn cứ vào hướng dẫn tại Công văn số 6134 ngày 23/11/2017 của Bộ Nội vụ. Mà như đã phân tích của Bản án hành chính sơ thẩm, Công văn này đã không còn hiệu lực hướng dẫn, do các căn cứ mà Công văn này dựa vào để hướng dẫn đã hết hiệu lực pháp luật từ ngày 15/1/2019, và văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế  không quy định tính liên tục của việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người tham dự xét tuyển đặc cách. Do đó việc các Quyết định 168, 1041 dựa vào Công văn này để đưa ra yêu cầu trên là không hợp pháp về mặt nội dung. Vì vậy Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh QB tuyên huỷ các Quyết định 168, 1041là đúng pháp luật.

Ở đây có một vấn đề cần phải minh bạch về nhận thức, đó là cần làm rõ phạm vi thẩm quyền của Tòa án sơ thẩm trong xét xử vụ án hành chính này là xem xét các Quyết định 168, 1041 có đúng pháp luật hay không, hay là xem xét bà H có đủ điều kiện để được tham gia dự xét tuyển đặc cách hay không? Hai cách xem xét này khác nhau cơ bản ở chỗ là nếu theo hướng thứ nhất thì chỉ cần xét thấy các Quyết định 168, 1041 trái pháp luật, Tòa án sẽ hủy các Quyết định này để cơ quan đã ban hành quyết định bị hủy ban hành lại quyết định mới cho đúng pháp luật, bất kể bà H có đủ điều kiện được tham gia dự xét tuyển đặc cách hay không. Uỷ ban nhân dân huyện QT ban hành lại quyết định mới có quyền loại bà H ra khỏi danh sách tham dự xét tuyển dụng đặc cách vì lý do khác mà trước đây Quyết định bị hủy chưa đưa ra. Còn nếu theo hướng thứ hai, thì nếu Tòa án xét thấy bà H không đủ điều kiện được tham gia dự tuyển, Tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện của bà H, dù các quyết định 168, 1041 trái pháp luật và các tiêu chuẩn mà Tòa án cho rằng bà H không đủ để được dự xét tuyển thì các quyết định bị hủy trước đây cũng chưa đề cập đến. Quan điểm của tác giả là cần phải xác định thẩm quyền của Tòa án theo hướng thứ nhất. Đây chính là vấn đề mang tính bản chất của phạm vi xét xử vụ án hành chính.

Trở lại Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại ĐN, Quyết định này đã gián tiếp thừa nhận việc bản án hành chính sơ thẩm chỉ ra tiêu chuẩn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc liên tục mà các Quyết định 168, 1041 đưa ra là trái pháp luật, thể hiện ở việc không đề cập gì về vấn đề này, mà tìm cách đánh giá một tiêu chuẩn khác của người dự tuyển, đó là phải đủ 60 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi tiêu chuẩn này các Quyết định168, 1041 không cho rằng bà H vi phạm. Như vậy TAND cấp cao tại ĐN đã đi theo hướng thứ hai về thẩm quyền của Tòa án trong xét xử án hành chính là không đúng với bản chất của tố tụng hành chính.

Cũng có ý kiến cho rằng vì cấp giám đốc thẩm phát hiện ra việc bà H không đạt một tiêu chuẩn khác để được tham gia dự xét tuyển đặc cách (tiêu chuẩn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 60 tháng), dù trước đó các Quyết định168, 1041 không phát hiện ra, nên cần hủy bản án sơ thẩm, vì nếu không thực hiện việc hủy án, bà H sẽ có cơ hội được tuyển dụng đặc cách vào làm giáo viên một cách trái pháp luật.

Tác giả cho rằng quan điểm này là không hợp lý, vì nếu bà H không đủ tiêu chuẩn để được tham dự xét tuyển đặc cách, nhưng các Quyết định 168, 1041 khi giải quyết đã không phát hiện ra, lại đưa ra lý do không đúng khác để loại bỏ bà H, thì việc Tòa án hủy các Quyết định 168, 1041 này cũng không buộc Bên bị kiện khi giải quyết lại phải đưa bà H vào danh sách được tham gia dự xét tuyển đặc cách, họ vẫn có quyền loại bỏ bà H với lý do mới. Mặt khác, Bản án hành chính sơ thẩm không có sai phạm, thì không được đưa ra những lý do kiểu như vậy để hủy án. Hơn nữa, như đã phân tích ở trên, người tham gia dự xét tuyển dụng đặc cách chỉ cần đáp ứng 7 yêu cầu tại Công văn 5378, không cần tiêu chuẩn phải đủ 5 năm nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó lý lẽ của Quyết định giám đốc thẩm về việc Bản án sơ thẩm không xem xét tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của bà H để từ đó hủy án sơ thẩm là sai phạm pháp luật về mặt nội dung.

Với các phân tích trên, tác giả cho rằng Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại ĐN đã có những sai phạm cả về nội dung lẫn tố tụng.

4. Kiến nghị

Giải quyết vấn đề bất cập tồn đọng trong việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục là một vấn đề lớn, được Bộ chính trị và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, giao Bộ Nội vụ ra văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy việc thực hiện không đúng chính sách này tác động đến một bộ phận khá lớn người lao động làm việc trong lĩnh vực giáo dục, ít nhiều gây ra một hiện thượng tâm lý xã hội bất ổn. Với bài viết này, tác giả kiến nghị các cơ quan hành chính, tư pháp cần có những chấn chỉnh kịp thời để chủ trương lớn này của Đảng và Nhà nước được thực hiện một cách nhất quán./.

Nguồn ảnh minh họa: vtv.vn

HOÀNG QUẢNG LỰC