Vẫn còn vướng mắc trong việc xử lý hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Qua theo dõi bài viết “Bàn về định tội danh theo Điều 341 Bộ luật Hình sự” của tác giả Trần Hoàng Giang, đăng tải trên Tạp chí Toà án điện tử ngày 17/7/2021, tôi có một số ý kiến trao đổi và bàn kỹ hơn về vấn đề này.

Thứ nhất, tôi thống nhất với quan điểm của tác giả về việc áp dụng pháp luật, cụ thể là định tội danh theo Điều 341 BLHS trong từng vụ án tương ứng với hành vi phạm tội. Trong đó:

“Trường hợp bị cáo có hành vi sử dụng giấy tờ giả để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì cần bị truy tố, xét xử về hai tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trường hợp bị cáo có các hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả này để gian dối chiếm đoạt tài sản, thì cần bị truy tố, xét xử về hai tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Thứ hai, qua nghiên cứu, theo dõi một số văn bản giải đáp của TANDTC, VKSNDTC và kết quả xử lý, giải quyết một số vụ án mà đối tượng có hành vi sử dụng (không có hành vi làm giả) giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản, tác giả nhận thấy vẫn còn mâu thuẫn giữa quan điểm TANDTC và VKSNDTC, giữa quan điểm giải đáp của TANDTC và việc nhận thức, áp dụng pháp luật TAND các cấp trên thực tế. Cụ thể:

Tại mục 10 Phần 1 Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải đáp: “Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 351 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về cả tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341)”. Sau khi được hướng dẫn, vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến, nhận thức không thống nhất nên ngày 01/10/2019, Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Công văn số 233/TANDTC-PC nhằm làm rõ nội dung:

“- Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn…

- Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ví dụ 1: Do làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Văn A đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất có diện tích 100m2, sau đó A lừa bán mảnh đất này cho bà Trần Thị C để chiếm đoạt số tiền 5.000.000.000 đồng. Hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của A có dấu hiệu cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự, còn hành vi lừa bán mảnh đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do A làm giả) để chiếm đoạt 5.000.000.000 đồng của bà Trần Thị C có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 và tội lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm”

Có thể nhận thấy, xuyên suốt nội dung giải đáp, TANDTC chỉ có ý kiến về trường hợp đối tượng có hành vi làm giả, sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không giải thích rõ trường hợp đối tượng chỉ có hành vi sử dụng để chiếm đoạt tài sản nên đã dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng các cấp sau khi nghiên cứu nội dung đã xử lý đối tượng với hành vi tương tự theo hai tội danh gồm tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quan điểm này được sự thống nhất của VKSNDTC (tại mục 34 Phần II Tài liệu giải đáp về những khó khăn vướng mắc công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Vụ 7, Vụ 14; mục 2 Công văn số 1648/VKSTC-V7 ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Vụ 14 trả lời thỉnh thị giải đáp vướng mắc trong giải quyết vụ án hình sự).

Ngày 07/4/2020, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC ban hành Công văn số 50/TANDTC-PC trả lời vướng mắc của TAND tỉnh Hà Giang đối với trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:

“Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (như sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả…) để chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, thế chấp… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu đặc trưng trong mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là hành vi khách quan của tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01-10-2019 của Toà án nhân dân tối cao thì trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thoả mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Do đó, trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật hình sự. Cũng cần lưu ý rằng, trường hợp này khác với trường hợp làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ, tài liệu đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Theo nội dung Công văn trên, TANDTC cho rằng việc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ thuộc trường hợp hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233, tức là một người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thoả mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn, đồng thời cho rằng việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả là dấu hiệu đặc trưng của mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên cơ sở hướng dẫn trên, quan điểm của TANDTC xác định hành vi “sử dụng” là thủ đoạn gian dối trong mặt khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cũng đồng nghĩa với việc xác định tính chất, mức độ nghiêm trọng giữa hành vi “làm giả, sử dụng” với hành vi “sử dụng” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự khác biệt hay hiểu đơn giản hơn, hành vi sử dụng có tính chất “nhẹ” hơn hành vi “làm giả, sử dụng”.

Tác giả cho rằng quan điểm cũng như nội dung Công văn số 50/TANDTC-PC chưa phù hợp. Nhằm làm rõ vấn đề trên, tác giả cho rằng cần phân tích, trả lời các vấn đề sau:

1. Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo là một hành vi phạm tội hay chuỗi hành vi phạm tội?

Theo quan điểm của tác giả, đối tượng có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo là một sự kiện phạm tội với việc thực hiện một chuỗi hành vi; trong đó, việc đối tượng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trên cơ sở kết quả của việc sử dụng các tài liệu trên, đối tượng có được các thông tin không đúng sự thật đưa ra nhằm thuyết phục bị hại tin đó là thật nhằm chiếm đoạt tài sản, có nghĩa là đối tượng đã thực hiện 02 hành vi và hành vi trước là tiền đề của hành vi sau. Nếu đối tượng không “sử dụng” giấy tờ, tài liệu giả sẽ không có “thông tin không đúng sự thật” đưa ra nhằm thuyết phục bị hại tin là thật, hay nói cách khác việc “sử dụng” con dấu, tài liệu giả không phải là thủ đoạn gian dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chính là những “thông tin không đúng sự thật” có được sau khi sử dụng hay việc “đưa ra thông tin không đúng sự thật” là thủ đoạn gian dối của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Như vậy, mỗi giai đoạn đối tượng thực hiện hành vi đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể:

 

                              Được sử dụng                               Được đưa ra

                              Điều 341                                      Điều 174

2. Việc sử dụng, giấy tờ tài liệu giả có phải là dấu hiệu đặc trưng mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả không phải là dấu hiệu đặc trưng mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Thủ đoạn gian dối” của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không bao gồm hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả hay không hình thành nguyên tác xử lý về tội nặng hơn khi đối tượng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Mục 2 Công văn số 233, Công văn số 50, TANDTC đã xác định tình huống trên thuộc trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thoả mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn; đồng thời đưa ra ví dụ cụ thể:

Nguyễn Văn A và đồng phạm dùng xăng đốt cháy một số xe ô tô đang để trong sân của Công ty B, với mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Hành vi của A và đồng phạm vừa có dấu hiệu cấu thành tội khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự, vừa có dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại tài sản quy định tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, A và đồng phạm chỉ thực hiện 01 hành vi (đốt cháy một số xe ô tô), nên nếu hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì A và đồng phạm cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn là tội khủng bố quy định tại Điều 299 của Bộ luật Hình sự”.

Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt giữa ví dụ của Giải đáp với trường hợp đối tượng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi phá hoại tài sản vừa là hành vi khách quan của tội Huỷ hoại tài sản vừa là hành vi khách quan của tội Khủng bố. Điều này đã được thể hiện rõ nét tại cấu thành cơ bản của tội Khủng bố: “Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trong một số trường hợp hành vi khách quan xâm phạm nhiều khách thể khác nhau, đối tượng bị xử lý về tội nặng hơn theo nguyên tắc thu hút tội danh thì khách thể xâm phạm thứ yếu thường được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của tội danh nặng hơn. Đây là quy định phù hợp nhằm đảm bảo tối ưu hoá việc xử lý người phạm tội theo hành vi, hậu quả thực tế; đồng thời vẫn đảm bảo việc bảo vệ toàn diện các khách thể đã bị xâm hại.

Ví dụ: Người có hành vi gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhằm cướp tài sản chỉ bị xử lý theo điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS.

Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được quy định là hành vi khách quan trong cấu thành cơ bản cũng không được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của tội danh nặng hơn. Do đó, nếu chỉ xử lý người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS (không có các tình tiết định khung tăng nặng khác) sẽ dẫn đến việc xử lý không bao quát và bảo vệ toàn diện các khách thể đã bị xâm hại.

3. Kết cấu Điều 341 BLHS có quy định cụ thể việc loại trừ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

Tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là tội danh ghép nên tương ứng với hành vi, đối tượng sẽ bị xử lý theo tội danh đầy đủ hoặc theo từng tội. Do đó, việc nhận định đối tượng “làm giả, sử dụng” bị xử lý theo tội danh riêng nhưng nếu chỉ “sử dụng” thì lại xử lý theo nguyên tắc thu hút qua tội danh nặng hơn là không phù hợp.

Mặt khác, tại các tình tiết định khung quy định tại các điểm d khoản 2 (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng), điểm b khoản 3 Điều 341 BLHS (sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) không quy định việc loại trừ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dẫn chiếu sang điều luật khác đối với trường hợp sử dụng tài liệu giả để phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ cần xác định đối tượng có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để phạm các tội mà BLHS quy định là tội phạm đã bị xử lý theo điểm, khoản, điều này.

 Ví dụ: Điều 191 BLHS quy định “Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Đây là quy định nhằm loại trừ trường hợp người có hành vi tàng trữ, vận chuyển các loại hàng cấm khác như ma tuý; sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm… sẽ không bị xử lý theo tội danh này mà sẽ bị xử lý tại các Điều luật cụ thể đã được dẫn chiếu.

Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết. Rất mong nhận được sự trao đổi, đóng góp của độc giả./.

 

TAND tỉnh Quảng Nam  xét xử bị cáo Lê Văn Đông 3 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” - Ảnh; L.Vương

NGUYỄN ĐỨC HÀ (VKSND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)