Về tính hiệu lực của các cam kết, thỏa thuận dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

Hai bên có tranh chấp về quyền sử dụng đất, được UBND xã hòa giải thành. Một bên đã thực hiện phân ranh giới theo kết quả hòa giải và xây tường bao, nhưng sau đó lại thay đổi những thỏa thuận đã ký, kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Giải quyết thế nào là đúng pháp luật?

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên gặp các cam kết, thỏa thuận dân sự, chúng đa dạng về hình thức, chủ thể, cũng như nội dung: từ cam kết, thỏa thuận của những đứa trẻ về đổi chác các thứ đồ chơi rẻ tiền nào đó cho nhau bằng hình thức sơ khai nghéo tay nhau, cho đến các giao dịch dân sự hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, với các hợp đồng mà các bên cố gắng cùng nhau soạn thảo hết sức chặt chẽ để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho bên mình khi có tranh chấp xảy ra. Trong các cam kết, thỏa thuận dân sự nói trên, hợp đồng dân sự là loại cam kết, thỏa thuận được khoa học pháp lý nghiên cứu nhiều, được các Tòa án xem xét thường xuyên trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, do đó nhận thức về tính hiệu lực của hợp đồng tuy vẫn còn có những sự phức tạp, khó khăn, liên quan đến  việc đánh giá như thế nào là vi phạm điều cấm của luật, như thế nào là không trái đạo đức xã hội, nhưng khi đã thống nhất được việc đánh giá về các vấn đề trên, thì nhận thức của mọi người về tính hiệu lực, giá trị thi hành của hợp đồng nhìn chung là ít có sự khác biệt.

Tuy vậy, đối với các loại cam kết, thỏa thuận khác, việc nhận thức đúng đắn tính hiệu lực, giá trị thi hành của chúng không hoàn toàn đơn giản và có sự thống nhất cao. Xin dẫn chứng và bình buận vụ án sau để thấy rõ vấn đề này.

I. Nội dung vụ án

Nguyên đơn là bà Trương Thị B trình bày: Năm 1970, bà Trương Thị B có khai hoang một thửa đất trên đồi trọc ở xã BN để trồng hoa màu, với diện tích khoảng 400m2. Năm 2018, khi biết vợ chồng ông Nguyễn Hải V và Đào Thị T được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 55, tờ bản đồ số 59, diện tích 1931,9 m2, loại đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng đến ngày 1/7/2064, trong đó bao gồm cả 400m2 đất mà bà B đã khai hoang nói trên, bà B đã có Đơn gửi UBND xã BN để đề nghị giải quyết. Ngày 8/8/2019, UBND xã BN tổ chức hòa giải, hai bên đã thỏa thuận được với nhau với nội dung vợ chồng ông V, bà T giao lại cho bà B một phần diện tích là 120m2 của thửa đất diện tích 400 m2 đang tranh chấp. Các con của bà B sau đó đã xây tường rào bao quanh phần diện tích 120m2 trên, nhưng sau đó suy nghĩ lại, bà B muốn đòi lại toàn bộ thửa đất 400m2 trên, nên khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng ông V, bà T, đồng thời công nhận bà B có quyền sử dụng đất đối với 400m2 đất nói trên.

Bị đơn ông Nguyễn Hải V và bà Đào Thị T trình bày: Năm 1973, sau khi ông V rời quân ngũ, phục viên về địa phương, hai vợ chồng ông V, bà T đã khai hoang thửa đất diện tích 1931,9 m2 ở vùng đồi trọc gần nhà để trồng khoai lang, hoa mai, phi lao và bạch đàn. Ngày 29/12/2017, ông V, bà T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 996758 đối với thửa đất số 55, tờ bản đồ số 59, diện tích 1931,9 m2 nói trên, loại đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng đến ngày 1/7/2064.

Năm 2018, bà Trương Thị B có đơn yêu cầu UBND xã BN giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà B với vợ chồng ông V, bà T, theo đó bà B cho rằng trong số 1931,9 m2 đất mà vợ chồng ông V, bà T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 400 m2 đất mà bà B đã khai hoang và sử dụng, yêu cầu vợ chồng ông V, bà T phải giao lại cho bà B 400 m2 đất này để bà B được quyền sử dụng. Ngày 8/8/2019, UBND xã BN tổ chức hòa giải, hai bên đương sự đã thỏa thuận với nội dung vợ chồng ông V, bà T giao lại cho bà B được quyền sử dụng 120m2 đất trong số 400 m2 đất mà bà B cho rằng bà đã khai hoang trước đây.

Sau khi hòa giải thành khoảng 10 ngày, cán bộ địa chính xã BN đã thực hiện việc đo đất, xác định mốc giới đối với phần diện tích 120m2 mà hai bên đã thỏa thuận giao cho bà B được quyền sử dụng. Bà B đã triển khai xây tường rào cao 0,6m, tuy nhiên các bên chưa hoàn thành thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất 120m2 nói trên cho bà B. Việc bà B thay đổi ý kiến đã thỏa thuận trước đây là do giá trị quyền sử dụng đất trên địa bàn xã BN hiện nay tăng cao. Ông V, bà T không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B, vì cho rằng toàn bộ thửa đất diện tích 1931,9 m2 mà ông V, bà T được giao quyền sử dụng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 996758 là do ông bà khai hoang từ năm 1973, sử dụng đến nay, không liên quan gì đến việc khai hoang và sử dụng đất của bà B; đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà B theo Biên bản hòa giải thành tranh chấp giữa hai bên, mà UBND xã Bảo Ninh đã lập vào ngày 8/8/2019.

II. Bình luận

Về việc thụ lý và đưa vụ án ra xét xử của Tòa án, tác giả xin có bình luận sau:

Thứ nhất, nói về vấn đề giá trị của các cam kết, thỏa thuận dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội:

Khoản 2 Điều 3 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự có quy định: “ 2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.Chỉ với mấy dòng quy định rất ngắn gọn như vậy, nhưng bao hàm trong đó một ý nghĩa, tinh thần, triết lý rất quan trọng và sâu sắc của pháp luật dân sự, đó là mọi sự bội ước trong quan hệ dân sự đều không được pháp luật thừa nhận; thể hiện trong đó quan điểm: các quy định pháp luật phải nhằm hướng tới việc góp phần xây dựng một nền tảng tinh thần, văn hóa, đạo đức xã hội tốt đẹp, trong đó mỗi cá nhân phải sống trung thực, thẳng thắn, đề cao danh dự, nhân phẩm, tôn trọng chữ tín, không lật lọng, tráo trở hoặc sẵn sàng chà đạp lên mọi thỏa thuận, cam kết khi thấy có mối lợi trước mắt.

Hiểu một cách thấu đáo nguyên tắc trên, chúng ta sẽ thấy cam kết, thỏa thuận giữa bà Trương Thị B với vợ chồng ông Nguyễn Hải V, bà Đào Thị T đạt được vào ngày 8/8/2019, được UBND xã BN lập thành văn bản, sau đó đứng ra thực hiện việc cắm mốc giới đối với phần diện tích 120m2 đất trên thực địa để các bên tiếp tục hoàn thành thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà B có hiệu lực thực hiện sau khi các bên ký vào Biên bản hòa giải thành công nói trên; nếu không được một trong hai bên đồng ý, thì bên kia không được quyền thay đổi cam kết, thỏa thuận này. Do đó việc Tòa án thụ lý đơn và đưa vụ án ra xét xử theo đơn khởi kiện của bà B là chấp nhận cho bà B được quyền bội ước đối với cam kết, thỏa thuận trước đó của mình; là vi phạm một trong những nguyên tắc rất cơ bản của pháp luật dân sự, đó là “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Thứ hai, nói về điều kiện thụ lý vụ án tranh chấp đất đai:

Tại Điều 203 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Luật Đất đai có quy định: Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

Với quy định trên của Luật Đất đai, chúng ta có thể thấy tranh chấp đất đai giữa bà B với vợ chồng ông V, bà T không thỏa mãn điều kiện để được Tòa án thụ lý đơn và giải quyết, vì tranh chấp này UBND xã BN đã giải quyết và hòa giải thành, theo phương án ông V, bà T giao cho bà B quyền sử dụng phần diện tích 120 m2 đất, thuộc thửa đất 400 m2 đang tranh chấp. UBND xã BN không có nghĩa vụ, cũng như quyền để tiến hành hòa giải lại tranh chấp này, bởi nếu làm như vậy là thừa nhận cho bà B được quyền bội ước cam kết, thỏa thuận của mình trước đó. Và như đã nói ở trên điều này là vi phạm một trong những nguyên tắc quan trọng bậc nhất của pháp luật dân sự, đó là “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.Do đó việc Tòa án thụ lý, đưa vụ án ra xét xử đối với Đơn khởi kiện của bà B là trái với các khoản 1,2 Điều 203 Luật Đất đai.

Như vậy trong vụ việc cụ thể này, quy định này của Luật Đất đai hoàn toàn phù hợp với  một trong các nguyên tắc cơ bản nói trên của pháp luật dân sự, theo đó cả hai đều không cho phép bà Trương Thị B được khởi kiện ra Tòa án tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa Bà với vợ chồng ông V, bà T, sau khi tranh chấp này đã được UBND xã BN hòa giải thành công.

Trên đây là trao đổi của tác giả về tính hiệu lực của các cam kết, thỏa thuận dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

Làng tỷ phú ở Bố Trạch, Quảng Bình - Ảnh: VOV

HOÀNG QUẢNG LỰC (Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình)