Vụ Lê Văn C, cần xem xét nội dung kháng nghị

Qua bài viết “Lê Văn C có phạm tội không?” của tác giả Đặng Duy Thanh trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 12/5/2020, tác giả cho rằng bị cáo Lê Văn C không phạm tội. Chúng tôi cho rằng cần xem xét nội dung kháng nghị để đánh giá.

Qua nội dung bài viết trao đổi, tác giả có một số ý kiến sau:

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về việc lấy trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền về vấn đề xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trên thực tế cũng như tinh thần Công văn số 64/TANDTC – PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì trong trường hợp này vẫn vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001của Liên ngành tư pháp TW hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999 để vận dụng thực hiện.

Vấn đề đặt ra ở đây là theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 của Liên ngành tư pháp TW thì mới hướng dẫn quy định cụ thể về trường hợp hành vi nhiều lần chiếm đoạt tài sản mà liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian trong đó mỗi lần chiếm đoạt tài sản đều dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cộng tổng giá trị chiếm đoạt tài sản tại các lần để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này.

Theo Điểm a, b, c, Tiểu mục 5, Mục II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu: a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính; c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới hai triệu đồng.”

Còn đối với trường hợp một đối tượng nhiều lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, mỗi lần đều đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (trên 2 triệu đồng) thì vẫn áp dụng theo tinh tinh thần của mục 1 phần III thông tư 02 liên tịch để cộng tổng giá trị tài sản chiếm đoạt làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tổng giá trị tài sản chiếm đoạt thuộc khoản 1 Điều 173 BLHS thì truy cứu theo khoản 1 Điều 173 BLHS, nếu tổng giá trị tài sản chiếm đoạt thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 173 BLHS thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 173 BLHS và xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đó là phạm tội từ 02 lần trở lên.

Tuy nhiên với các quy định của pháp luật hiện hành, chưa có quy định nào hướng dẫn thi hành đối với việc định lượng tài sản trộm cắp để định khung hình phạt trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp liên tục kế tiếp về mặt thời gian trong đó có lần đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, có lần không đủ yếu tố định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (giá trị tài sản chiếm đoạt dưới hai triệu) dẫn tới khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Còn về trường hợp vướng mắc, bất cập như tình huống mà tác giả Đặng Duy Thanh đưa ra, tác giả thấy rằng: ngày 19/9/2017, C bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản”, đến ngày 19/9/2018 chấp hành xong bản án (coi như chấp hành xong tất cả các quyết định của bản án), theo quy định, đến 19/9/2019 thì C được xóa án tích. Đến ngày 29/11/2019 C bị xử phạt 06 tháng tù cho hưởng án treo đối với hành vi trộm cắp ngày 05/6/2019 trong khi chưa được xóa án tích. Tuy nhiên bản án này đang bị kháng nghị và chưa xét xử phúc thẩm. Đến ngày 14/12/2019 C tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp vặt. Giá trị tài sản trộm cắp ngày 05/6/2019 và ngày 14/12/2019 đều dưới 02 triệu đồng. Về mặt pháp lý, bản án sơ thẩm ngày 29/11/2019 đối với C đang bị kháng nghị, nhưng tác giả không nói là kháng nghị về vấn đề gì? Nếu là kháng nghị về tội danh thì rõ ràng chưa thể coi C có hành vi phạm tội đối với hành vi trộm cắp ngày 05/6/2019 theo nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 BLTTHS 2015, từ đó, hành vi trộm cắp ngày 14/12/2019 của C sẽ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã thực hiện sau khi xóa án tích mà định lượng giá trị tài sản trộm cắp không đủ cấu thành tội này. Còn nếu kháng nghị về phần hình phạt hoặc phần dân sự thì phần tội danh sẽ có hiệu lực pháp luật và khi đó đối với hành vi trộm cắp ngày 14/12/2019 của C sẽ cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.

Trên đây là ý kiến của tác giả về bải viết “Lê Văn C có phạm tội?”, mong quý bạn đọc, đồng nghiệp có ý kiến trao đổi, tranh luận./.

TAND Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc xét xử vụ án trộm cắp tài sản – Ảnh: Hồng Nhung

Th.s, NGUYỄN ANH CHUNG (Tòa án quân sự Quân khu 5)