Cần phải cân nhắc, xem xét toàn diện đối với Dự thảo án lệ số 09/2024 về thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Bài viết nêu khái quát về Dự thảo án lệ số 09/2024 về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt trong vụ án dân sự và nêu một số ý kiến nhận xét, góp ý và đề xuất để việc xem xét công nhận án lệ này đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
1. Khái quát về Dự thảo án lệ số 09/2024[1]
- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 185/2023/DS - GĐT ngày 11/8/2023 về việc “Đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ), yêu cầu công nhận QSDĐ, hủy giấy chứng nhận QSDĐ” của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Thành phố H giữa nguyên đơn là ông Nhịn Tắc Hùng D, bà Võ Thị M và bị đơn là bà Nguyễn Thị P, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 6 người.
- Tình huống án lệ: TAND cấp huyện thụ lý vụ án dân sự (VADS) về tranh chấp đòi lại tài sản là QSDĐ có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có căn cứ xác định quyết định này được ban hành đúng pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, TAND cấp huyện đang giải quyết VADS được tiếp tục giải quyết.
- Nội dung án lệ: “[3] … kháng nghị còn cho rằng bà P có đơn phản tố ngày 11/01/2021 yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ do Ủy ban nhân dân (UBND) huyện C, tỉnh Đ đã cấp cho ông D, bà M, nên TAND huyện L, tỉnh Đ giải quyết vụ án là không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, trường hợp khi giải quyết vụ việc có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết. Đối với vụ án này, việc UBND huyện C cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CQ 908340 ngày 21/5/2019 cho ông D, bà M phần diện tích 1.170 m2 thuộc thửa số 77 là đúng theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật, không phải là quyết định cá biệt trái pháp luật. Do vậy, TAND huyện L căn cứ vào Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là đúng theo luật định.”
- Lý do đề xuất án lệ: Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính (TTHC) về thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Luật TTHC năm 2015 thì Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. Theo giải đáp tại Phần II Giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC thì: “Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó. … Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết”.
Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, các TAND cấp tỉnh đang bị áp lực lớn về công việc, quá nhiều vụ việc có yêu cầu hủy quyết định cá biệt được chuyển lên TAND cấp tỉnh. Do đó, để làm rõ hơn nội dung Giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016; giảm tải cho các TAND cấp tỉnh cũng như việc ổn định của việc giải quyết tranh chấp thì trong trường hợp có căn cứ xác định quyết định cá biệt của Chủ tịch UBND cấp huyện được ban hành đúng trình tự, thủ tục và không cần thiết phải hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự (VVDS) thì TAND cấp huyện đang thụ lý, xem xét vẫn tiếp tục giải quyết vụ án. Đây là tình huống phát sinh nhiều trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yêu cầu huỷ quyết định cá biệt của cơ quan hành chính có thẩm quyền. Do đó, để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xác định thẩm quyền giải quyết các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự.
Như vậy, có thể nhận thấy có 3 lý do chính để đề xuất vụ án nêu trên làm án lệ, đó là: Một là, để làm rõ hơn nội dung Giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016; Hai là, giảm tải cho các TAND cấp tỉnh; Ba là, có căn cứ xác định quyết định cá biệt của UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện được ban hành đúng trình tự, thủ tục và không cần thiết phải hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn VVDS.
2. Một số ý kiến đóng góp
2.1. Cần xem xét toàn diện các văn bản giải đáp nghiệp vụ về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt của Tòa án trong vụ án dân sự
Kể từ thời điểm BLTTDS năm 2015 ra đời, thì tính đến nay đã có tổng cộng 7 văn bản giải đáp nghiệp vụ (các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 và 2023)[2] và 1 kết luận qua công tác kiểm tra các Tòa án địa phương[3] của TANDTC về thẩm quyền xem xét hủy quyết định cá biệt của Tòa án trong VADS. Tuy nhiên, về lý do đề xuất làm án lệ chỉ chú trọng đến Giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC mà chưa xem xét đến các văn bản giải đáp nghiệp vụ còn lại.
Theo đó, tại Mục 2 phần IV Giải đáp nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC hướng dẫn: “Trường hợp vụ việc dân sự do TAND cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2016 nhưng kể từ ngày 01/7/2016 mới phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện mà quyết định đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự thì căn cứ khoản 4 Điều 34 BLTTDS năm 2015, khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC năm 2015, TAND cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết. Nếu TAND cấp huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc cho TAND cấp tỉnh và TAND cấp tỉnh đã thụ lý thì TAND cấp tỉnh tiếp tục giải quyết.”
Tại Mục 3 Giải đáp nghiệp vụ số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 của TANDTC về việc giải đáp một số vấn đề về TTHC hướng dẫn: “Trong trường hợp ban đầu người khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ, Tòa án đã thụ lý vụ án hành chính; sau đó, người khởi kiện bổ sung yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến giấy chứng nhận QSDĐ là đối tượng khởi kiện ban đầu. Trường hợp này, Tòa án phải hướng dẫn đương sự rút đơn khởi kiện vụ án hành chính để khởi kiện vụ án dân sự (VADS). Nếu đương sự rút đơn khởi kiện vụ án hành chính, đồng thời có đơn khởi kiện VADS tranh chấp về đất đai thì Tòa án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 143 của Luật TTHC năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án hành chính và xem xét, thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết bằng VADS theo thủ tục chung. Trường hợp đương sự không rút đơn khởi kiện thì Tòa án căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 141 của Luật TTHC năm 2015 tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết VADS. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ liên quan đến nhau và có thể giải quyết trong cùng một vụ án thì TAND cấp tỉnh căn cứ vào khoản 1 Điều 34 của Luật TTHC năm 2015 và Điều 34 của BLTTDS năm 2015 để giải quyết đồng thời hai yêu cầu của đương sự trong cùng một vụ án mà không chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án cấp huyện giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp này khi vụ án hành chính đang được thụ lý giải quyết ở Tòa án cấp tỉnh. Việc phát sinh yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai chỉ làm thay đổi loại án từ hành chính sang dân sự và Thẩm phán được phân công chỉ xác định lại loại án và mối quan hệ tranh chấp để giải quyết.”
Tại Điểm 2, mục III Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và TTHC hướng dẫn: “… Khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển QSDĐ mà hợp đồng đó bị vô hiệu, nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng và không cần phải tuyên hủy giấy chứng nhận cấp cho người nhận chuyển nhượng. Khi Tòa án tuyên hợp đồng chuyển QSDĐ vô hiệu thì Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án để giải quyết điều chỉnh biến động hoặc cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ phù hợp với kết quả giải quyết của Tòa án.”
Tại Điểm 7, mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn: “… Theo giải đáp tại Công văn số 64/TANDTC-PC, thì đối tượng hướng dẫn áp dụng là tranh chấp hợp đồng chuyển QSDĐ, còn đối tượng tranh chấp trong trường hợp nêu trên là tranh chấp QSDĐ. Đây là hai đối tượng tranh chấp khác nhau. Hơn nữa, pháp luật chỉ quy định thẩm quyền của Tòa án là hủy quyết định cá biệt hoặc bác yêu cầu khởi kiện của đương sự mà không quy định Tòa án có thẩm quyền đề nghị cơ quan hành chính nhà nước điều chỉnh quyết định. Do vậy, đối với tranh chấp liên quan đến ranh giới đất bị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ chồng lấn, nếu thấy cần thiết phải xem xét việc hủy giấy chứng nhận QSDĐ thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.”
Tại Điểm 7, mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn: “… Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của BLTTDS thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ; căn cứ Điều 34 của BLTTDS thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh”.
Tại Điểm 3, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn: “… Trong vụ án dân sự về tranh chấp QSDĐ có yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ hoặc Tòa án xét thấy cần thiết phải hủy giấy chứng nhận QSDĐ thì thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh”.
Qua các giải đáp của TANDTC về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt của Tòa án nêu trên cho thấy chưa có sự thống nhất với nhau về thẩm quyền giải quyết thuộc TAND cấp huyện hay TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, tác giả cho rằng các Tòa án địa phương cần xem xét vận dụng theo hướng dẫn tại Công văn số 196/TANDTC-PC nêu trên sẽ hợp lý hơn. Bởi vì, trong quá trình giải quyết tranh chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy giấy chứng nhận QSDĐ, thì cần xác định đề nghị này là yêu cầu của đương sự, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết VVDS liên quan đến việc hủy giấy chứng nhận QSDĐ thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một VVDS theo quy định tại Điều 34 của BLTTDS.[4]
2.2. Cần xem xét đến nguyên tắc không thay đổi thẩm quyền của Tòa án
Nhiệm vụ của BLTTDS là giải quyết VVDS được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Trên cơ sở đó, Điều 34 của BLTTDS năm 2015 quy định khi giải quyết các VVDS, mà trong vụ việc đó có quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và nội dung của quyết định đó liên quan đến vụ việc Tòa án giải quyết thì Tòa án phải hủy quyết định đó để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Quy định này tạo cơ sở cho Tòa án chủ động trong việc hủy quyết định cá biệt trái pháp luật có ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của đương sự, nhằm giải quyết vụ việc dân sự một cách chính xác, toàn diện.[5] Như vậy, mục đích của quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với việc xem xét hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết VADS được thiết lập nhằm đảm bảo hiệu quả của pháp luật tố tụng dân sự trong giải quyết các tranh chấp được toàn diện và triệt để, tạo điều kiện để các đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách đầy đủ và thuận lợi nhất, hạn chế việc đương sự phải chờ đợi kết quả giải quyết của một VADS trước, sau đó mới tiếp tục theo đuổi vụ kiện tiếp theo bằng một vụ án hành chính.
Chính vì những mục đích nêu trên, pháp luật tố tụng luôn có quy định về nguyên tắc không thay đổi thẩm quyền của Tòa án trong một số trường hợp nhất định. Theo đó, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 39 như sau: “Trường hợp VADS đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự”. Như vậy, quy định về không thay đổi thẩm quyền trong trường hợp này chỉ áp dụng khi quá trình giải quyết vụ án đương sự có thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch, nhưng không thực hiện nghĩa vụ thông báo địa chỉ mới cho các đương sự khác và Tòa án[6]. Thời điểm không thay đổi thẩm quyền trong trường hợp này được tính từ khi Tòa án thụ lý vụ án ban đầu đúng thẩm quyền theo lãnh thổ.
Có vẻ như quy định trên là sự kế thừa từ tinh thần của quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 của TANDTC, VKSNDTC và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Điều 32a của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, đó là:
“3. Trường hợp khi TAND cấp tỉnh đã thụ lý VVDS nhưng trong quá trình giải quyết, thấy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc quyết định cá biệt thuộc thẩm quyền TAND cấp huyện theo quy định tại Điều 29 Luật TTHC, thì TAND cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết VVDS.
Trường hợp khi TAND cấp tỉnh đã thụ lý VVDS nhưng trong quá trình giải quyết, đương sự rút yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc người ban hành quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật sửa đổi, hủy bỏ quyết định đó, thì TAND cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết VVDS.”
Như vậy, chỉ trong trường hợp Tòa án cấp huyện đã thụ lý VADS mà phát sinh yêu cầu hủy quyết định cá biệt không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, thì Tòa án cấp huyện phải chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Quy định trên cho thấy, ranh giới về việc không thay đổi thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh được tính từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án. Theo đó, trường hợp khi Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý vụ án nhưng trong quá trình giải quyết, thấy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc quyết định cá biệt thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện theo quy định của Luật TTHC hoặc đương sự rút yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc người ban hành quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật sửa đổi, hủy bỏ quyết định đó, thì Tòa án cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết mà không chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp huyện giải quyết.
Tác giả cho rằng, quy định trên là tiến bộ, đảm bảo sự ổn định về thẩm quyền của Tòa án trong việc hủy quyết định cá biệt, hạn chế được việc các Tòa án chuyển hồ sơ vụ án lên xuống gây phiền hà cho người dân - đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Khi các luật được Quốc hội thông qua thông thường đều có điều luật dành riêng cho quy định chuyển tiếp và có Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành các văn bản luật đó, trong đó Luật TTHC năm 2015 cũng không ngoại lệ. Theo đó, tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC năm 2015 quy định: “Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 01/7/2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết”. Và tại Mục 2 phần IV Giải đáp nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC hướng dẫn tương tự như đã nêu trên. Như vậy, nguyên tắc không thay đổi thẩm quyền được tiếp tục ghi nhận trong Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội.
Quy định này cho thấy, vẫn cho phép Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các vụ việc có liên quan đến hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện với điều kiện là vụ việc đó đã được Tòa án cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2016. Hơn nữa, nếu Tòa án cấp huyện do không cập nhật kịp thời quy định nên đã lỡ chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh và do sơ ý nên Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý vụ án, thì Tòa án cấp tỉnh không chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp huyện mà phải tiếp tục giải quyết. Có nghĩa là ranh giới của sự không thay đổi thẩm quyền được tính từ mốc thời gian BLTTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành (01/7/2016) và Tòa án cấp tỉnh đã thụ lý vụ án.
2.3. Đề xuất, kiến nghị
Có thể lý giải cho nguyên nhân của việc các giải đáp của TANDTC cho phép Tòa án cấp huyện vẫn thụ lý, xem xét giải quyết vụ án có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu trường hợp có căn cứ xác định quyết định cá biệt đó trái pháp luật mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Nếu trường hợp có căn cứ xác định quyết định cá biệt đó đúng pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và không phải hủy quyết định cá biệt đó thì Tòa án cấp huyện đang thụ lý, xem xét tiếp tục giải quyết vụ án. Đó là trong điều kiện hiện nay, các Tòa án cấp tỉnh đang bị áp lực lớn về công việc, để tránh việc chuyên quá nhiều vụ án hành chính lên Tòa án cấp tỉnh và phù hợp với các quy định của pháp luật.[7] Tuy nhiên, sự quá tải và áp lực lớn về công việc hiện nay là tình hình chung của hầu hết các Tòa án các cấp chứ không chỉ riêng ở Tòa án cấp tỉnh.
Tác giả đồng tình với sự hướng dẫn về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt như Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP và Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của TANDTC như đã nêu trên. Nếu thực hiện như các giải đáp nghiệp vụ của TANDTC trước đây và Dự thảo án lệ số 09/2024, thì Tòa án cấp huyện bắt buộc phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh được quyết định cá biệt đó là trái pháp luật và chắc chắn phải huỷ thì mới được chuyển hồ sơ vụ án lên cho Tòa án cấp tỉnh. Như vậy, việc này là hoàn toàn mâu thuẫn với trình tự ban hành các bản án, quyết định của Tòa án. Bởi việc xem xét, đánh giá một quyết định cá biệt có trái pháp luật hay không trái pháp luật, thì cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ và có sự phán quyết của Hội đồng xét xử, chứ không thể xem xét, đánh giá dựa trên sự nhận định chủ quan của cá nhân Thẩm phán ngay từ giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện, thậm chí kể cả trong giai đoạn thụ lý và chuẩn bị xét xử. Hơn nữa, dường như trong trường hợp này Tòa án cấp huyện đã làm thay nghĩa vụ chứng minh của đương sự và thẩm quyền của Tòa án không còn thuần túy theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu nữa mà là theo sự lựa chọn của Tòa án (nếu không hủy quyết định cá biệt thì Tòa án cấp huyện đang thụ lý, xem xét tiếp tục giải quyết). Đặc biệt là sẽ dẫn đến vấn đề “lộ đường lối giải quyết vụ án”, nếu Tòa án cấp huyện tiếp tục giải quyết thì chắc chắn rằng yêu cầu hủy quyết định cá biệt không được chấp nhận, còn nếu Tòa án cấp huyện chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết thì xác suất yêu cầu hủy quyết định cá biệt được chấp nhận rất lớn.
Qua phân tích nêu trên cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành đã rõ ràng và không thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, nên việc lựa chọn nội dung án lệ trong vụ việc nêu trên không đáp ứng tiêu chí của án lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Ngoài ra, các lập luận trong nội dung và lý do được lựa chọn làm án lệ này không đáp ứng được tiêu chí về tính chuẩn mực theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Do đó, cần phải cân nhắc xem xét toàn diện khi công nhận án lệ đối với vụ án nêu trên.
[1] Nguồn: Trang tin điện tử về án lệ của TANTC: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND332628, truy cập ngày 22/6/2024.
[2] (1) Mục II Giải đáp nghiệp vụ số 02/2016/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016; (2) Điểm 2, mục IV Giải đáp nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017; (3) Mục 3 Giải đáp nghiệp vụ số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018; (4) Điểm 2, mục III Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019; (5) Điểm 7, mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020; (6) Điểm 7, mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021; (7) Điểm 3, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023.
[3] Tiểu mục 2, mục II, phần B Báo cáo số 15/BC-TA ngày 15/3/2019 của TANDTC về việc báo cáo tổng hợp những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn nghiệp vụ năm 2018 của các Tòa án thông qua công tác kiểm tra, tr. 14 (Có Tòa án thụ lý giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền. Ví dụ: Đương sự khởi kiện VADS có liên quan đến việc yêu cầu hủy quyết định cá biệt là giấy chứng nhận QSDĐ nhưng Tòa án cấp huyện vẫn thụ lý giải quyết. Đây là trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh. Có một số trường hợp đã chuyển hồ sơ về Tòa án cấp tỉnh để giải quyết nhưng Tòa án cấp tỉnh lại trả lại hồ sơ về cho Tòa án cấp huyện, vì cho rằng “chưa có căn cứ rõ ràng phải hủy quyết định cá biệt hay không” là không đúng.).
[4] Điểm 3, mục III Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.
[5] Mục 3 Bản thuyết minh về dự án BLTTDS (sửa đổi) ngày 10/4/2015 của TANDTC.
[6] Khoản 3 Điều 70 BLTTDS năm 2015.
[7] Tương tự như hướng dẫn tại Điểm 4, mục III Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và TTHC.
HĐXX phúc thẩm Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất - Ảnh: Nguyễn Thành
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS hiện hành
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Quy định lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên – Hạn chế và giải pháp
Bình luận