Báu vật bên bờ sông Đáy

Trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng có câu “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc”… Bên dòng sông Đáy êm ả đó, có một ngôi đình cổ lừng danh, đặc sắc bậc nhất trong số các đình làng Bắc Bộ - đình So. Ngày xuân, mời bạn đọc đi thăm đình So...

1.

Từ lâu người ta đã đúc kết rằng “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” nghĩa là cầu thì đẹp nhất, nhiều nhất là xứ Sơn Nam, với Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, nơi có nhiều cầu đá, cầu có mái che – thượng gia hạ kiều đẹp mắt; chùa thì nhất trấn Kinh Bắc – Bắc Ninh, Bắc Giang với nhiều ngôi chùa cổ kính như chùa Dâu, chùa Dạm, chùa Bổ Đà; đình thì nhất trấn Sơn Tây với rất nhiều ngôi đình cổ kính như Chu Quyến, Tường Phiêu, Tây Đằng, Mông Phụ, Hữu Bằng…

Ở xứ đình đẹp nhất nước ấy lại có câu “Đẹp đình So, to đình Cấn”, So là tên nôm của xã Sơn Lộ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai xưa. Năm 1955, xã Sơn Lộ chia đôi thành hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa, nay đình So thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 25 km.

Đến đình So, tận mục sở thị mới thấy dân gian đúc kết quả không sai. Ngôi đình bề thế, vừa đẹp về kiến trúc, vừa đẹp về địa thế. Đình nằm trên thế đất cao, phía sau là núi Quy, như quả đồi lớn, cây cối xanh tươi, hai bên có hai núi nhỏ là núi Long và núi Phượng làm thanh long, bạch hổ theo phong thủy xưa. Phía trước đình là không gian rộng rãi được giới hạn bởi đê sông Đáy. Dưới chân đê là hồ bán nguyệt lớn làm minh đường và một quảng trường, khi tôi đến thì cỏ mọc xanh mướt, đây là nơi dân làng tổ chức vui chơi ngày lễ hội.

Gian giữa của đình

Từ sân cỏ rộng rãi ấy, muốn vào đình phải qua một tam quan, với 18 bậc đá, hai bên có lan can bằng đá thấp, thẳng tắp nhưng đuôi ở phía trên được cuốn vồng lên một cách ngoạn mục, phía dưới tạc hình đầu rồng. Tam quan ba cửa, hai tầng mái, mỗi tầng 4 mái, tạo nên vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Trên nóc tam quan có lưỡng long chầu nguyệt. Bộ khung gỗ được đục chạm đẹp mắt, ba cửa được các cụ khéo léo đặt giữa tam quan nên hạn chế được nắng mưa, những cột phía ngoài làm bằng đá xanh. Có thể nói cả ngôi đình So, gạch ngói gỗ đá được kết hợp hài hòa. Hai bên đầu tam quan, cách chừng 1 mét là hai cửa phụ, cũng hai tầng mái, tạo thành ngũ quan bề thế với hàng tường hoa chạy hết mặt tiền.

Cụ Nguyễn Hữu Minh, Hội trưởng Hội lão Đình So cho hay, dân làng vẫn nói, đình nằm trên mai cua, hai đường vào đình như càng cua ôm lấy hồ bán nguyệt, sân cỏ trước mặt chính là yếm cua mở ra… Quan niệm của dân gian thật hay, gần gũi, dễ hiểu, khác với các thuật ngữ bí hiểm của thầy địa lý. Phía trước miệng cua là bãi cỏ, là hồ nước mênh mông thì cua hẳn sẽ trường tồn.

Đình So được kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” khác với đa số các ngôi đình làng khác, thường thông thoáng, thân thiện, không có tường bao. Đình So khép kín, thâm nghiêm. Qua tam quan, người hành hương bước vào không gian thiêng của đình, qua khoảng sân chiều ngang chừng 10 m là đến thềm đình.

Thềm có 5 bậc đá, hai bên có hai con rồng đá rất đẹp mắt, khỏe khoắn, uyển chuyển, dù rồng có sừng, có bờm nhưng toát lên vẻ vui tươi, hồn hậu. Đình xây dựng trên nền cao được bó bằng đá xanh. Chạy theo các chân cột dưới sàn đình là tường gạch kiểu hoa văn chữ thập, quét vôi trắng, khiến cho chân đình như được bao quanh bởi một dải hoa văn.

Ngước lên mi cửa chúng tôi thấy bức biển ngạch trang trí đẹp mắt, giữa chạm đỉnh hương, hai bên là mâm bồng bày hoa quả. Hai bên đỉnh hương có những dòng chữ thảo “Hữu lai ung ung/ Chí chỉ túc túc/ Dĩ hưởng dĩ tự/ Dĩ giới cảnh phúc” tạm dịch là: Cùng đến bằng hoà mục/ Đến nơi thì trang nghiêm/ Để cúng, để tế bái / Phúc lớn mong nương nhờ. Theo một vị túc nho, điều đặc biệt về thư pháp là ba chữ Dĩ các cụ viết ba kiểu khác nhau. Biển ngạch làm năm Hàm Nghi nguyên niên (1884) do ông Vũ Quang, nguyên Giáo thụ phủ Quốc Oai cung tiến. Năm 1850, Chu Thần Cao Bá Quát cũng từng giữ chức Giáo thụ phủ Quốc Oai, là tiền nhiệm của người cung tiến bức thư pháp này.

Ngôi đình nhìn từ trên cao - Ảnh: Phạm Mơ

Cửa chính mở ra, ánh sáng chiếu vào khiến đồ thờ sơn son thếp vàng hiện ra lộng lẫy. Chính giữa là bức cửa võng đề “Thánh cung vạn tuế” và trang trí bằng nhiều cặp câu đối như: Hà hải chi tú/ Sơn nhạc chi anh; Thiên thu hách trạc/ Vạn cổ cảm linh…  Hai bên gian giữa có đôi câu đối lòng máng, lời văn do Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng, người làng Tây Mỗ, từng làm Án sát Lạng Sơn, một trong bốn người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục soạn: “Đức bẩm linh trường, Lạc Hồng hệ xuất thần minh trụ/ Địa chung kỳ thắng, long phượng hoàn vi củng vệ tinh” nghĩa là: Đất hội tụ khí thiêng trời đất, miền Lạc Hồng sản sinh bậc thánh anh minh/ Đất linh thiêng chung đúc khí lành, như có rồng phượng cùng chầu về ngôi sao sáng.

Hệ thống cửa bức bàn quanh đại đình

Đình Sơn Lộ thờ ba vị đại vương có công phù Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nền chính thống Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X. Đến nay đình còn lưu giữ được 40 đạo sắc phong, cổ nhất là đạo sắc năm Hoằng Định 2 (1601) triều Lê Kính Tông.

2.

Hệ thống đình làng Bắc bộ nói chung rất phong phú nhưng đại đa số các ngôi đình chỉ ba gian hai chái như đình Chu Quyến, đình Tường Phiêu; một số ngôi đình 5 gian như đình Tây Đằng, đình Mông Phụ, đình Trà Cổ  (Quảng Ninh)… nhưng đình So rộng 7 gian 2 chái. Nghe nói đình Cấn, nay thuộc xã Cấn Hữu cùng huyện Quốc Oai cũng 7 gian 2 chái nhưng đã bị hủy hoại, chỉ còn hậu cung mới xây dựng lại. Một ngôi đình nổi tiếng khác là đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh) cũng 7 gian 2 chái tương tự đình So, chiều ngang 20m, nhưng không có chuôi vồ và không có hệ thống kiến trúc bao quanh như đình So…

Tòa đại đình đình So dài 32,9m, rộng 13,1m có chuôi vồ và hậu cung, ở đây gọi là cung cấm, tạo thành chữ công, với 60 cột lim lớn nhỏ, trong đó có 12 cột cái lớn hơn vòng tay, xung quanh là 28 gian tả mạc, hữu mạc và phía sau 12 gian tảo mạc, tổng cộng có 40 gian, là nơi các giáp chuẩn bị lễ vật mỗi khi làng vào đám. Đình So hiện còn nguyên vẹn tất cả toà ngang dãy dọc là 55 gian, trên diện tích 1.100m2.

Đục chạm tinh xảo

Xung quanh đại đình có hệ thống cửa bức bàn đóng kín, phía dưới là trấn song con tiện chừng một gang tay để tạo sự thông thoáng, cửa chỉ mở ra khi làng có lễ hội. Hệ thống sàn đình gỗ lim và các bức đục chạm tứ linh, tứ quý rất tinh xảo được giữ nguyên vẹn. Vì vậy, có thể nói đình So đẹp và cũng lớn nhất hiện nay.

Ngồi hầu trà các bô lão làng So, chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ vì đình được giữ gần như nguyên vẹn sau biết bao dâu bể thời cuộc và sự vô tình của thời gian. Cụ Vương Đắc Hưng cho rằng: Giữ được như vậy, dù có giai đoạn rất nhiều ngôi đình bị phá dỡ, bởi tam vị Thành hoàng đại vương quá linh thiêng, không ai dám phá. Trong chiến tranh, đình được sử dụng làm kho quân nhu của Quân đội, nên cũng vì thế mà đình được bảo vệ chu đáo.

Ngắm ngôi đình nguy nga, đồ sộ đượm mầu thời gian, chúng tôi muốn biết nguồn lực nào để Sơn Lộ xưa làm được ngôi đình này. Thông thường, các ngôi đình được xây dựng, tu bổ ngoài đóng góp của dân làng còn trông vào những nhà hảo tâm, nhiều người sau đó được thờ làm hậu thần, họ có thể là người giàu có, quan lại, là ông hoàng bà chúa hay danh gia vọng tộc. Đơn cử đình làng Đình Bảng, được xây dựng năm 1700-1736, do ông quan Nguyễn Thạc Lượng, người làng Đình Bảng đầu tư xây dựng. Dân làng kể rằng, sau khi làm quan ở Thanh Hóa về hưu, ông đã mang theo 8 bè gỗ lim. Từ năm 1686 tới năm 1700, ông xây dựng tư dinh cho dòng họ, đến khi tay nghề thợ vững mới bắt đầu làm đình. Đình xây dựng 36 năm mới hoàn thành.

Các bô lão làng So nói rằng, chúng tôi cũng nghĩ như thế nhưng không có câu trả lời, làng cũng không có ai đỗ đại khoa hay có quan tước lớn. Các cụ dẫn chúng tôi vào chỗ có tấm bia đá đặt ngay trong đình, phía tay phải bàn thờ và cho hay, đây là tấm bia cổ nhất nói về việc tu bổ đình. Nội dung bia đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch cho biết bia dựng năm Dương Đức 3 (1673) khi đình được trùng tu, bia viết rằng “Nay ở miền thắng cảnh Quốc Oai, chẳng nơi đâu nổi tiếng như làng Sơn Lộ, dân cư đông đúc, của cải dồi dào. Có kho chứa trăm thứ của quý, la liệt đầy bồ vàng bạc tơ lụa; có nhà giữ nghìn đồ hay, đầy rẫy thức quý của ruộng đồng. Thật là giàu có thay. Thật là chưa từng có nơi nào giàu có và vui vẻ được đến thế! Thế là tiếng sáo, tiếng đàn hòa với tiếng trống, tiếng ca vang lừng; của cải trong làng chẳng kể là tiền bạc, đất đai đều được mang tới”. Như vậy thời đó, dân làng Sơn Lộ rất giàu có, nguồn lực làm đình do chính dân làng đóng góp.

Một mặt khác của tấm bia, khắc năm Cảnh Hưng 43 (1782) nói về việc tu sửa đình, trong đó có câu: “Tổ tông ta trước đây đã xây dựng ngôi đình, tạo tác bia đá, dễ đến hơn trăm năm rồi. Cột gỗ lâu ngày đã trở thành cổ kính. Nay nhân nền đình cũ làm ngôi đình lớn”. Đình làm gần một năm thì xong, ngôi đình mới “chiếm một vùng thanh cao trong trời đất, tráng lệ hơn xưa”.

Văn bia này cho thấy quy mô ngôi đình ngày nay được làm năm 1781-1782, trên nền đình cũ và cho thấy dân làng Sơn Lộ khi đó vẫn rất giàu có.

3.

Ngồi trong ngôi đình rộng mênh mông, ánh sáng từ một cửa bức bàn được mở ra tạo thành những vệt sáng vuông vức, tôi bỗng cảm thấy như mình đang mở một cuốn sách cổ quý giá. Đình làng ngoài chức năng thờ Thành hoàng là vị thần bảo trợ cho làng còn là nơi họp bàn việc làng, từ lập hương ước, phân bổ thuế, phân xử tranh chấp, nơi mở hội làng… Đó là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Nhìn những cây cột sừng sững, tôi cảm nhận thấy dấu mồ hôi của nhiều thế hệ dân làng trong hơn 350 năm thăng trầm, để xây dựng nên nếp làng thuần hậu. Lệ xưa quy định, cứ đến ngày 10 tháng Hai, làng có đại tiệc, viên thư ký lại đem Hương ước ra tuyên đọc cho dân làng đều biết.

Trò chuyện với Chủ tịch xã và bô lão làng So

Tôi hỏi các cụ về chỗ ngồi trong đình xưa mỗi khi bàn việc làng, đâu là chỗ ngồi của thủ chỉ, của kỳ mục, hào lý, của tư văn, hương lão, chỗ nào viên Thư ký đọc Hương ước… thì không còn ai biết. Các cụ nay 80 tuổi thì trước 1945 cũng còn quá nhỏ.

Trò chuyện với các cụ, một điều khá bất ngờ với chúng tôi là cơ cấu làng Sơn Lộ xưa có đến 30 giáp, trong khi thông thường một làng xã cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ có 4, 6 hay 8 giáp. Giáp có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng ở vùng Sơn Tây, giáp là tổ chức do các họ hợp thành để thay phiên nhau lo việc tuần phòng. Đến phiên giáp nào đi tuần thì giáp ấy bảo đảm việc giữ gìn an ninh, trật tự trong làng ngoài đồng cả năm đó, ngoài ra còn chịu trách nhiệm các kỳ tế lễ, hội hè. Nếu làng có 30 giáp thì không lẽ 30 năm mới đến lượt đi tuần “giả nợ làng” hay sao? Và làng có bao nhiêu họ, bao nhiêu người để hình thành nên 30 giáp?

Các bô lão cho biết, giáp ở Sơn Lộ cũng hình thành trên cơ sở dòng họ, nhưng không rõ vì sao chia ra tới 30 giáp. Có giáp do vài họ hợp thành nhưng có họ, có lẽ do đông người, chia thành hai giáp như họ Nguyễn Hữu và họ Vương Đắc.

Tìm hiểu Hương ước cải lương làng Sơn Lộ thì thấy, giáp không có trách nhiệm tuần phòng như các làng khác. Làng lập ra bát phiên, hay còn gọi là 8 bàn với 64 người, lo việc tuần phòng. Hàng năm, đến ngày Rằm tháng 5, Lý trưởng chiếu theo sổ đinh chọn ra 64 người trong độ tuổi để tuần phòng. Một năm đi tuần tính từ mùng 1 tháng Sáu đến 30 tháng Năm năm sau. Hàng đêm, phiên chia nhau ra ngủ ở 8 điếm để tuần phòng được chu tất.

Do đó, 28 giáp chia ra có lẽ chỉ để lo việc tế tự ở đình làng, ngoài ra còn 2 giáp lo tế tự ở Miếu Mẫu, thờ thân mẫu Thành hoàng. Lệ làng Sơn Lộ xưa quy định vào dịp lễ mùng 8 tháng Hai, mỗi giáp phải mang ra đình một con lợn sống để trong cũi để tế thánh và cũng là thi lợn. Sau khi tế xong, dân làng xem xét “con lợn nào to nhất, toàn sắc và  khỏe mạnh thì thưởng 1,5 đồng, con thứ hai 1 đồng và con thứ ba 0,5 đồng”… Ngày hôm sau, các giáp mổ con lợn thờ ấy, rồi mang thủ lợn, xôi, trầu rượu ra đình để dân làng tế.

Xem ra lệ thi lợn thờ ở Sơn Lộ tương tự ở đình Trà Cổ (Quảng Ninh) hiện vẫn duy trì, tiếc rằng tục đó ở Sơn Lộ nay chỉ còn trong ký ức. Các cụ chia sẻ: Từ 1954 đến 1990, đình không còn cúng tế như xưa, chỉ có ông từ giữ hương khói nên các phong tục cũng mai một dần.

May thay, những phong tục tốt đẹp ấy của Sơn Lộ phần nào được ghi lại trong Hương ước, trong đó có những quy định rất đẹp. Ví dụ về nộp sưu thuế, Điều 25 quy định sau khi quân bổ thuế, Lý trưởng thu đinh các hạng trên, “còn đinh hạng 2 đồng trở xuống đã có số tiền bán thầu công châu thổ trợ cấp”. Như vậy, làng có lệ trợ cấp cho những người nghèo không đủ tiền nộp thuế, đây là một lệ làng nhân văn hiếm thấy.

Tác giả hỏi chuyện cụ thủ từ

Một quy định khác ghi ở Điều 47 rằng: Những của đánh rơi hoặc gian vật mang qua làng, ai bắt được thì được hưởng 1/10, chủ sở hữu nhận lại tài sản phải trả 1/10 ấy. Nếu tang vật vô thừa nhận thì Hội đồng lập biên bản để tại công sở trong một tháng, nếu không thấy chủ sở hữu thì người bắt được được hưởng quyền sở hữu vật đó.

Hay một điều quy định về xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nêu rõ: Ai đặt chuyện để làm tổn hại danh giá người ta thì Hội đồng lập biên bản phạt từ 0,6 đồng cho đến 1 đồng sung công quỹ và cấm không được dự đình trung từ 6 tháng đến 2 năm và phải bồi thường cho người bị xúc phạm.

Không được dự đình trung nghĩa là cấm được tham gia tế lễ, hội họp ở đình làng và cấm không ai được mời người đó dự tiệc cưới cheo, khao vọng. Có thể nói, đó là một hình phạt rất nặng hồi xưa.

4.

Hôm đó, đứng trên đê sông Đáy nhìn ngôi đình cổ kính thấp thoáng trong bóng cây xanh, phía sau là núi Quy xanh mướt, chúng tôi nói với Chủ tịch xã Cộng Hòa - Đức Thị Hòa rằng, làng có một báu vật, do tổ tiên trao truyền, đó hẳn là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, làm sao để bảo tồn nguyên vẹn, tuyệt đối không làm mới, không tân trang… là điều không dễ. Cho đến nay, đình So vẫn còn nguyên bản là điều rất đáng khâm phục.

Các nhà báo chụp hình với Chủ tịch xã và các cụ trước tam quan

Nữ Chủ tịch xã là Nghiên cứu sinh đang làm Luận án Tiến sĩ Luật học chia sẻ: Đình So được giữ gìn nguyên vẹn như vậy bởi vì các thế hệ dân làng rất tự hào về ngôi đình và luôn tin tưởng rằng Thành hoàng rất linh thiêng, luôn che chở phù hộ cho dân làng, nên không ai dám xâm phạm. Ngày nay đình đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt nên chắc chắn đình sẽ trường tồn. Những năm gần đây, chính quyền đã giải tỏa những ngôi nhà, hàng quán xâm phạm đường vào đình, trồng nhiều cây xanh để giữ cho không gian đình được sạch đẹp. Trên đỉnh núi Quy phía sau đình, trước đây là Văn chỉ phủ Quốc Oai nhưng đã bị hủy hoại, bia đá được mang về gửi trong chùa Phan dưới chân núi, chính quyền và nhân dân địa phương đang mong mỏi công trình lịch sử, biểu tượng của truyền thống khoa bảng phủ Quốc Oai được phục dựng lại.

Phủ Quốc Oai xưa kia gồm các huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thạch Thất, Yên Sơn (nay là Quốc Oai), Phúc Lộc (nay là Phúc Thọ), là vùng đất địa linh nhân kiệt, khoa bảng rực rỡ bao đời. Tôi nghĩ rằng mong ước đó của dân làng đến một ngày đẹp trời sẽ được đáp ứng, núi Quy, đình So sẽ như gấm thêm hoa giữa một vùng thắng cảnh với động Hoàng Xá, với núi Sài Sơn, núi Phượng Cách, núi Trầm… bên triền đê sông Đáy và những ngôi làng yên ả, đẹp đến nao lòng.

 

Tam quan nhìn từ bên trong

NGUYỄN PHAN KHIÊM