“Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập”
Đây là nhan đề một cuốn sách của TS. Ngô Phương Lan, một chuyên gia về điện ảnh, người gắn bó với điện ảnh nhiều năm qua ở các cương vị khác nhau. Sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhà sách Liên Việt hợp tác xuất bản, vừa ra mắt bạn đọc.
Cuốn sách gần 400 trang, nội dung chia làm hai phần. Phần Một là “Điện ảnh Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới” viết về diện mạo điện ảnh Việt Nam từ những năm 1990 đến nay, cung cấp cho bạn đọc bối cảnh thời kỳ đầu Đổi mới, với những dấu mốc, những cánh én đầu tiên báo hiệu một giai đoạn mới của điện ảnh với các bộ phim thị trường; các dòng phim trước đây chưa từng có như phim do Nhà nước đặt hàng, phim tư nhân, phim độc lập.
Phần thú vị nhất là những bài phê bình nhiều bộ phim của thời kỳ Đổi mới, từ những phim "Tướng về hưu", "Thương nhớ đồng quê", "Mùa ổi", "Thị trấn yên tĩnh", "Thằng Bờm", "Gánh xiếc rong", "Chung cư", "Mê Thảo thời vang bóng", "Ai xuôi vạn lý", "Chiếc chìa khóa vàng", "Hãy tha thứ cho em", "Ngã ba Đồng Lộc", "Bến không chồng", "Vị đắng tình yêu", "Đời cát", "Thung lũng hoang vắng", "Trăng nơi đáy giếng", "Cỏ lau", "Những người thợ xẻ", "Mùa len trâu", "Thời xa vắng", "Sống trong sợ hãi", đến "Chơi vơi", "Vào Nam ra Bắc", "Chuyện của Pao"… với những nhận xét sắc sảo, tinh tế.
Từ kịch bản, cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý các cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đến diễn xuất của các diễn viên… được tác giả phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm, nhưng diễn đạt với ngôn ngữ trong sáng, nhiều cảm xúc nên rất thu hút người đọc. Với những người quan tâm và yêu thích các tác phẩm điện ảnh nước nhà, đây là một cuốn sách quý giá, như bộ phim lớn khá đầy đủ, phong phú về điện ảnh Việt Nam từ khởi đầu, mà trọng tâm là từ Đổi mới đến nay.
“Thương nhớ đồng quê” là một truyện ngắn thơ nhất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành phim. Khi bình về phim này tác giả viết: “Ở Thương nhớ đồng quê”, bên cạnh sự giản dị và tự nhiên, Đặng Nhật Minh đã tìm cách đưa vào những tình tiết, những hình ảnh gián tiếp để thể hiện ý tưởng của mình. Từ một ổ dế tìm được giữa ruộng lạc, những cặp ếch hoan hỷ theo quy luật tự nhiên, một tổ chim với những con chim non há mỏ chờ mồi, xâu cá măng thoi thóp trên bờ cỏ cho đến chậu nước tắm tràn trề bên bờ giếng, chiếc ti vi với chương trình thi hoa hậu, chiếc ô tô chở cột điện về làng… Tất cả những hình ảnh ấy được dựng khéo léo vào những tình huống để tăng sức biểu đạt của phim… Xem phim thấy rất rõ ràng rằng đạo diễn rất quan tâm đến việc tạo ra một tiết tấu hợp lý”. Tác giả nhận định phong cách đạo diễn Đặng Nhật Minh là sâu sắc và tinh tế, xem ra cách bình của tác giả cũng có hai phẩm chất đó,
Trong bài “Chuyện của Pao – những chấm phá theo cảm xúc” viết về bộ phim được chuyển thể từ truyện “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy, do Ngô Quang Hải viết kịch bản và đạo diễn, tác giả nhận xét: “Điểm mạnh dễ nhận thấy nhất là nhà làm phim đã tạo được một ấn tượng thị giác thực sự trong phim. Những khuôn hình nên thơ mà đầy sức sống đã khẳng định rằng ê kíp làm phim đã không uổng sức khi lăn lộn vất vả suốt một tháng rưỡi trời ở vùng núi cao Hà Giang và cao nguyên Đồng Văn để “săn bắt” những thước phim này… Phần tạo hình rõ ràng đi theo ý đồ sáng tác của của Ngô Quang Hải, bởi anh thường tâm niệm: làm một bộ phim phải đạt được hai mục đích: một là tạo được ấn tượng thị giác mạnh và hai là ấn tượng ấy phải gắn chặt vào câu chuyện phim”.
“Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” được đánh giá là một ấn phẩm đẹp
Có thể nói phần Một với những bài phê bình phim là trọng tâm, đọc thích nhất trong cuốn sách này, bởi những đánh giá, nhận xét sắc sảo của một chuyên gia về điện ảnh và gắn bó với điện ảnh nhiều năm qua ở các cương vị khác nhau.
TS. Ngô Phương Lan tốt nghiệp Khoa Lý luận, phê bình điện ảnh (điện ảnh học) Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK) năm 1988. Bà từng là Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) từ 2010-2011, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) từ 2011-2018, Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF, 2012 -2018).
Hiện bà đang là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khóa I; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khóa V; Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF); Ủy viên Ban Chấp hành Mạng lưới xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC).
Bà được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Tại CineAsia năm 2022, bà nhận giải thưởng "Người có nhiều đóng góp về tác quyền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
TS. Ngô Phương Lan cũng là đồng tác giả của một số cuốn sách về điện ảnh châu Á được xuất bản tiếng Anh, như: "Mass Media in Vietnam" (Truyền thông đại chúng ở Việt Nam, phát hành ở Australia năm 1998), "Vietnam in the 20th Century - Plastic and Visual Arts from 1925 to our time" (Việt Nam thế kỷ 20 – Nghệ thuật từ 1925 đến thời hiện đại, phát hành ở Bỉ năm 1998), "Being and Becoming - The Cinemas of Asia" (Hiện tại và tương lai của điện ảnh châu Á, phát hành ở Ấn Độ năm 2003), "Le Cinema Vietnamien" (Điện ảnh Việt Nam, phát hành ở Pháp năm 2007).
Phần Hai là một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo "sơ đồ" các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam và đặc biệt, bà luôn trăn trở với câu chuyện quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh. Tác giả bàn về Luật Điện ảnh năm 2022 tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển thế nào; Xã hội hóa điện ảnh- xu thế tất yếu và hệ lụy của nó…
Mở đầu cuốn sách, tác giả chia sẻ: "Quả là khi viết, mục đích của tôi là xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài hơn 30 năm từ khi Việt Nam bước vào công cuộc Đổi mới (sau Đại hội Đảng VI, tháng 12 năm 1986) đến đầu năm 2023 cho ra một bức phác thảo rõ nét. Thật may, đây cũng là hơn 30 năm mình được làm nghề một cách miệt mài và say mê dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Cho nên tôi cứ tự nhủ rằng mình là người thực sự may mắn, vì cả cuộc đời được gắn bó với nghề mình yêu, kể từ khi được chọn chuyên ngành lý luận phê bình điện ảnh để học và hành".
Với những góc nhìn của người nằm trong guồng quay của điện ảnh, với hơn ba chục năm gắn bó, “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” thật sự là một cuốn sách có giá trị, hàn lâm mà thú vị. Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Liên Việt, đơn vị in ấn và phát hành cuốn sách cho biết: "Rất hiếm có cuốn sách nào về điện ảnh mà đầy đủ như vậy. Cuốn sách này thực sự có thể làm tài liệu khảo cứu cho các nhà nghiên cứu trong ngoài nước, hoặc sinh viên ngành điện ảnh tham khảo. Chính vì vậy tôi đã hết sức cố gắng in ấn thật thẩm mỹ và cẩn trọng. Cuốn sách được in 4 màu bằng giấy dày có thể là “sách gối đầu giường” cho bất kỳ ai quan tâm đến lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy này".
TS. Ngô Phương Lan chia sẻ về tác phẩm của mình trong buổi giới thiệu sách- Ảnh: Tuấn Minh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cơ chế xử lý hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ của chủ thể có thẩm quyền trong tố tụng dân sự
Bình luận