“Thắp sáng" tỏ vi phạm- Bài 1: Loạt công trình trái phép tại Hoài Đức được câu kéo đấu nối điện 3 pha để sản xuất

Để làm rõ việc ký kết hợp đồng mua bán điện “thắp sáng” cho các nhà xưởng không phép, có dấu hiệu không đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán điện theo quy định nhưng vẫn được cung cấp điện 3 pha để hoạt động, sản xuất. Phóng viên đã ghi nhận thực tế tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Hoài Đức.

“Thắp sáng” cho sai phạm

Tại khu nhà xưởng phía sau Trạm Xăng dầu Vân Canh, (cạnh lối vào khu đô thị HUD, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Biển báo cho thấy khu vực này là trụ sở cũ của Công ty Cổ phần Cơ giới Hà Tây. Trong vai người có nhu cầu thuê nhà xưởng để kinh doanh sản xuất trong ngành cơ khí, phóng viên đã liên hệ với người đàn ông tên T. tự nhận là quản lý cho thuê nhà xưởng khu vực này. Ông này cho biết hiện tại vị trí này đang cho thuê xưởng với diện tích lớn và có sẵn điện 3 pha để sản xuất. Đồng thời khẳng định "chắc nịch" đã có trạm hạ thế và có đơn vị ký kết hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực huyện Hoài Đức. Hiện nay đã có hàng chục đơn vị vào thuê kinh doanh, sử dụng điện như bình thường. Các nhà xưởng đều đã lắp công tơ riêng cho từng xưởng, hàng tháng hết bao nhiêu tiền điện sẽ thanh toán cho phía ông T. mà không cần làm việc với Công ty Điện lực Hoài Đức.

Ảnh 1: Khu nhà xưởng phía sau Trạm Xăng dầu Vân Canh, cạnh lối vào khu đô thị HUD, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Tại khu đất nông nghiệp thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (khu đất đối diện cổng trường tiểu học An Khánh B). Phóng viên đã ghi nhận những nhà xưởng đang đua nhau mọc lên trên đất nông nghiệp. Tại thời điểm ghi nhận, một số nhà xưởng còn đang xây dựng. Một nhà xưởng mới xây dựng xong, dù bên ngoài vữa còn chưa khô hẳn nhưng bên trong nhà xưởng đã lắp đặt hệ thống dây điện chằng chịt, các trang thiết bị, máy móc đã sẵn sàng phục vụ sản xuất. Nhiều nhà xưởng đã xây dựng hoàn thiện và đi vào sản xuất, dù phía ngoài đóng cửa, nhưng bên trong đèn vẫn được thắp sáng, máy móc thiết bị công suất lớn vẫn đang hoạt động liên tục.

Ảnh 2: Loạt nhà xưởng mới được xây dựng và cấp điện sản xuất trên đất nông nghiệp thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức.

Theo tìm hiểu của phóng viên và quá trình làm việc lấy ý kiến của lãnh đạo địa phương được biết, khu đất tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh nói trên là đất nông nghiệp phần lớn được giao theo Nghị định 64. Hiện đang sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên các hộ đã tự ý chuyển đổi, xây dựng nhà xưởng trái phép. Các nhà xưởng này không có hồ sơ pháp lý, không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo yêu cầu về PCCC, không có công trình xử lý môi trường, chất thải,… Theo ý kiến của người dân, hiển nhiên, về pháp lý các nhà xưởng này hoàn toàn không có giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu nhà hay các giấy tờ để xác định chủ thể hợp đồng mua bán điện tại địa điểm sử dụng điện theo quy định.

Ảnh 3: Hệ thống dây chằng chịt từ các Trạm biến áp Ngãi Cầu 2; Trạm biến áp An Khánh 17 cấp điện cho những nhà xưởng trái phép

Quá trình tác nghiệp của phóng viên cho thấy, để có điện để sản xuất phần lớn các nhà xưởng này “lách luật” theo kiểu câu kéo điện, trong đó có cả điện 3 pha từ các hộ đã ký hợp đồng mua bán điện để sử dụng. Đây là việc làm bất chấp quy định, gây nhiều hệ lụy, có thể làm quá tải gây nguy cơ cháy nổ, có thể gây thất thoát, ảnh hưởng đến việc cung ứng điện của ngành điện.

Để làm rõ những những thắc mắc liên quan đến việc cấp điện cho các công trình nhà xưởng trái phép trên địa bàn, phóng viên đã liên hệ làm việc với Công ty Điện lực Hoài Đức. Sau nhiều tuần đặt lịch làm việc, ngày 15/8/2023 Công ty Điện lực Hoài Đức đã có văn bản trả lời nội dung đề nghị làm việc của Tạp chí Tòa án nhân dân và khẳng định việc cấp điện cho các công trình này vẫn “đúng luật”.

Khẳng định “đúng luật”

Cụ thể ngày 03/8/2023 Tạp chí Tòa án nhân dân có Giấy giới thiệu và nội dung đề nghị làm việc gửi đến Công ty Điện lực Hoài Đức nhằm làm rõ các dấu hiệu vi phạm trong quản lý và cung cấp điện sản xuất cho các nhà xưởng trái phép trên địa bàn. Ngày 15/8/2023 Tạp chí Tòa án nhân dân nhận được văn bản số 1573/PCHOAIDUC-KD do ông Nguyễn Công Trấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hoài Đức ký, về việc cung cấp thông tin theo nội dung đề nghị của Tạp chí Tòa án nhân dân.

Ảnh 4: Văn bản trả lời của Công ty Điện lực Hoài Đức

Trước câu hỏi về việc Công ty có ký bao nhiêu hợp đồng mua bán điện tại khu vực trụ sở cũ của Công ty Cổ phần Cơ giới Hà Tây (khu xưởng phía sau Trạm xăng dầu Vân Canh) và đề nghị cung cấp các hợp đồng để làm rõ. Đại diện phía công ty Điện lực Hoài Đức cho biết: Khu vực trên chỉ có một trạm biến áp với công suất 160KVA, là công suất rất nhỏ, chỉ có 3 công tơ 3 pha tách cho 3 hộ có hợp đồng mua bán điện. Còn việc cung cấp điện cho các nhà xưởng hoạt động sản xuất tại khu vực này, đại diện Công ty Điện lực Hoài Đức cho rằng trạm biến áp tại khu vực này rất nhỏ, nếu có câu kéo điện cho các nhà xưởng cũng chỉ để làm kho xưởng chứ không sản xuất được gì nhiều.

Về nội dung nhiều nhà xưởng không phép trên địa bàn huyện Hoài Đức vẫn được cấp điện 3 pha để hoạt động sản xuất, vậy việc kiểm soát lượng điện bán ra được thực hiện như thế nào? Văn bản phúc đáp của Công ty Điện lực Hoài Đức chỉ nêu dẫn chứng các quy định của pháp luật: Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trong huyện Hoài Đức để bán điện đến hộ dân. Công ty Điện lực Hoài Đức đã tiếp nhận nguyên trạng các khách hàng và hệ thống lưới điện nông thôn từ những năm 2008 đến nay.

Hiện nay Công ty Điện lực Hoài Đức đang thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng trên địa bàn huyện Hoài Đức tổng 61.854 hợp đồng. tiêu chuẩn để ký hợp đồng mua bán điện Công ty Điện lực Hoài Đức đang thực hiện như sau: Thực hiện theo nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 5, quyết định số 353 /QĐ-EVN ngày 17/03/2021 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam về việc quy định dịch vụ điện hạ áp thì thông tin khách hàng cần cung cấp cần có: Giấy tờ tùy thần (căn cước công dân). Thông tin xác định chủ thể của hợp đồng mua bán điện tại địa điểm sử dụng điện là một trong các thông tin có tên của tổ chức, cá nhân tại địa điểm mua điện từ một trong các nguồn dữ liệu sau: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; Quyết định phân nhà; Hợp đồng mua bán nhà; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hợp đồng cho thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên và có sự đồng ý của chủ sở hữu; Giấy tờ của chủ sở hữu nhà/ quyền sử dụng đất đồng ý cho tổ chức/ cá nhân được quyền sử dụng địa điểm mua điện; Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Thông tin xác định mục đích sử dụng điện là thông tin từ một trong các nguồn dữ liệu sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định thành lập đơn vị; Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thực hiện Ứng dụng công nghệ thôn tin xây dựng hệ thống đo đếm điện năng thông minh, Công ty Điện lực Hoài Đức đã thực hiện lắp đặt công tơ đo đếm điện năng từ xa đối với 100% khách hàng sử dụng điện. Việc thay thế này sẽ nâng cao chất lượng hạ tầng lưới điện hướng đến phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Công ty Điện lực Hoài Đức và khách hàng có thể theo dõi được sản lượng điện tiêu thụ và hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Như vậy, Công ty Điện lực Hoài Đức đã thực hiện ký hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định của Bộ Luật dân sự ngày 24/11/2015: Luật Thương mại ngày 14/06/2005; Luật Điện lực ngày 03/12/2001; Nghị định 137/2013/ND-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012, và quyết định số 353/QĐ-EVN ngày 17/03/2021 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Văn bản trả lời của Công ty Điện lực Hoài Đức nêu rõ.

Ảnh 5: Công ty Điện lực Hoài Đức khẳng định cấp điện theo đúng quy định

Đối với việc một đơn vị đứng ra ký hợp đồng mua bán điện rồi câu kéo, chia cho hàng chục đơn vị khác dùng, văn bản của Công ty Điện lực Hoài Đức cũng trả lời rằng: Căn cứ Khoản 6, Điều 3, Luật Điện lực 2004: “Khách hàng sử dụng điện là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác”. Công ty Điện lực Hoài Đức không thực hiện ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng có mục đích bán lại điện cho các khách hàng sử dụng điện. Hiện tại Công ty Điện lực Hoài Đức đang thực hiện ký hợp đồng mua bán điện theo đúng quy định của Bộ Luật dân sự ngày 24/11/2015: Luật Thương mại ngày 14/06/2005; Luật Điện lực ngày 03/12/2001; Nghị định 137/2013/ND-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012, và quyết định số 353/QĐ-EVN ngày 17/03/2021 của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Công ty có các đơn vị chuyên môn kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng điện và thực hiện hợp đồng mua bán điện đối với tất cả các khách hàng đã ký hợp đồng mua bán điện với ngành điện thuộc phạm vi địa bàn quản lý. Trong trường hợp phát hiện ra sai phạm, Công ty sẽ lập biên bản làm việc và gửi báo cáo Sở Công thương theo đúng quy định. Văn bản của Công ty Điện lực Hoài Đức khẳng định.

Giữa thực tế đang diễn ra tại khu nhà xưởng không phép đã nêu với những gì văn bản trả lời của Công ty Điện lực Hoài Đức có thể thấy rõ sự khác nhau. Một mực khẳng định chắc nịnh rằng việc cấp điện đều được thực hiện “đúng luật”, nhưng với những công trình nhà xưởng trái phép còn đang “nóng hổi” mà đã được “thắp sáng”, được cấp điện 3 pha, thì liệu Công ty Điện lực Hoài Đức căn cứ vào loại giấy tờ gì để ký hợp đồng mua bán điện? Trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt hợp đồng mua bán điện được thực hiện như thế nào? Việc cấp điện cho các nhà xưởng này có được thẩm định rõ mục đích sử dụng điện, thống kê công suất và thiết bị sử dụng trong các nhà xưởng này liệu có phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của ngành điện lực, luật PCCC có thể xẩy ra cháy, chập điện, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe, tài sản tổ chức, người dân?

Ảnh 6: Dãy nhà xưởng không phép trên đất nông nghiệp tại thôn Ngãi Cầu xã An Khánh được cấp điện để sản xuất kinh doanh

Trường hợp các nhà xưởng này “lách luật”, câu kéo điện của các hộ đã ký hợp đồng mua bán điện. Công ty luôn khẳng định có đơn vị chuyên môn kiểm tra định kỳ và lập biên bản báo cáo nếu phát hiện sai phạm, vậy tại các công trình này Công ty có phát hiện sai phạm và lập biên bản xử lý cụ thể như thế nào? Kể cả có lập biên bản báo cáo Sở Công thương nhưng theo ghi nhận của phóng viên việc lập biên bản trên chỉ là trên giấy tờ để “cho có”. Theo ghi nhận của PV vào đầu tháng (8/2023) tại khu vực thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh và khu nhà xưởng phía sau Trạm xăng dầu Vân Canh vẫn chưa có trường hợp nào bị Sở công thương TP Hà Nội xử lý.

Để tình trạng các nhà xưởng không phép trên đất nông nghiệp vẫn có điện đầy đủ và vô tư hoạt động sản xuất phải chăng là do pháp luật về điện còn “kẽ hở”, “khoảng trống” hay khâu thực thi pháp luật đang “có vấn đề”?

“Kẽ hở” ngành điện

Lý giải vấn đề trên, đại diện Công ty Điện lực huyện Hoài Đức thừa nhận các nhà xưởng mới mọc lên mà phóng viên phản ánh có điện để sản xuất, là do câu kéo “nhờ” từ nhà này sang nhà kia. Việc câu kéo là trái quy định, là thiết sót của công ty trong công tác quản lý. Đại diện Công ty Điện lực huyện Hoài Đức cũng cho rằng theo quy định hiện nay phía công ty khi phát hiện các trường hợp câu kéo điện chỉ được lập biên bản và gửi công văn báo cáo sở Công Thương chứ không có thẩm quyền được xử phạt, không có chế tài gì.

Tuy nhiên lý giải của vị đại diện Công ty Điện lực Hoài Đức chưa thuyết phục, bởi lẽ khi ký hợp đồng cung cấp điện 3 pha cho đơn vị sản xuất, theo quy định sẽ có văn bản đề nghị và ghi rõ mục đích sử dụng điện, bảng thống kê công suất của thiết bị sử dụng điện. Nếu công suất từ 80kW hoặc máy biến áp có dung lượng từ 100kW trở lên phải có biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của dây chuyền sản xuất, công trình cần được xây dựng nghiệm thu đúng tiêu chuẩn và thiết kế. Nếu phát hiện câu kéo điện trái phép, quá công suất của các thiết bị sử dụng điện của đơn vị đó, Công ty điện lực có thể căn cứ hợp đồng mua bán điện để phạt nghĩa vụ hợp đồng.

Thông tư 42/2022/TT-BCT ngày 30/12/2022 của Bộ Công Thương về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện cũng đã có quy định rất rõ. Cụ thể tại Điều 29 quy định việc xử phạt trong trường hợp sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng; hoặc sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm; hoặc kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế,… sẽ bị phạt nghĩa vụ hợp đồng.

Khảo sát của phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân chỉ là số rất ít trong số rất nhiều công trình xây dựng trái phép trên đại bàn huyện Hoài Đức vẫn được Công ty Điện lực Hoài Đức “thắp sáng” một cách “đúng luật”. Việc các công trình không phép hoạt động dẫn đến những khó khăn không nhỏ về quản lý, thiệt hại về kinh tế; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và cảnh quan môi trường; gây bất bình trong dư luận. Bên cạnh trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương thì việc dễ dàng cấp điện cho các công trình không phép như tại huyện Hoài Đức là một phần không nhỏ lý do khiến các công trình nhà xưởng không phép trên địa bàn tiếp tục “nở rộ”.

Tình trạng cứ dựng xưởng là sẽ có điện để sản xuất nếu không đảm bảo an toàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn lao động rất cao. Thông qua bài viết, đề nghị cơ quan chức năng liên quan vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh việc cung ứng điện cho các xưởng sản xuất, kinh doanh không phép, trái phép. Làm rõ những “lỗ hổng” trong việc thực thi pháp luật về điện. Từ đó, có những giải pháp xử lý, khắc phục những tồn tại này để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội.

Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết tiếp theo!

Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 11. Vi phạm các quy định về bán lẻ điện
Khoản 4. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Bán điện mà không có hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện.
Điều 12. Vi phạm các quy định về sử dụng điện
Khoản 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện;
b) Tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện; vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường.
Khoản 4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu; khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện, vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường.

Triệu Hồ - Nam Anh