Bài toán xử lý “tín dụng đen”

Để ngăn chặn có hiệu quả đối với “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp, triển khai Chỉ thị này đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan pháp luật.

Cho vay nặng lãi hoành hành

Trong những năm gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi kiểu bang nhóm “xã hội đen” hoành hành ở nhiều địa bàn trên cả nước, khiến nhiều người dân khốn khổ, điêu đứng, thậm chí thiệt mạng.

Báo chí từng phản ánh trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa (Cao Bằng), sinh viên một trường đại học tại Thái Nguyên, giúp bạn trai cùng quê vay 5 triệu đồng bằng cách “cắm” thẻ sinh viên với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày cho tiệm cầm đồ. Một năm sau, số nợ của lên tới hơn 20 triệu đồng gồm gốc, lãi và tiền phạt. Không có tiền, nữ sinh này bị chủ nợ bắt, giữ tại cửa hàng cầm đồ và bị buộc gọi điện cho người nhà đến trả tiền. Chị cho biết, khi chị từ chối gọi điện, chủ nợ cho nhân viên đánh đập, ép chị mở khóa điện thoại để họ tự gọi cho từng người trong danh bạ, nhờ thông báo người nhà tới trả tiền. Trong lúc chờ đợi, nhóm này giữ chị tại một nhà nghỉ. Hai ngày sau, anh trai chị Hoa mang 14 triệu đồng đến trả, chủ nợ mới thả chị Hoa về.

Hay ở Tp Bảo Lộc, Lâm Đồng, Công an đã xử lý nhóm đối tượng cho vay nặng lãi rất chuyên nghiệp. Nhóm này nhắm đến đối tượng vay là người lao động phổ thông, bà con nông dân, buôn bán nhỏ khó có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính thống và chỉ cho vay với khoản tiền nhỏ chỉ từ 5 đến 20 triệu đồng với lãi suất cắt cổ, trung bình từ 180% đến 240%/năm. Khám xét hành chính hai ngôi nhà các đối tượng tạm trú, lực lượng Công an thu 370 giấy vay nợ, 400 chứng minh thư nhân dân, 250 sổ hộ khẩu, hàng trăm tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, 3 thẻ ATM, 2 còng số 8, 104 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều sổ sách ghi chép việc cho vay và trả nợ của người dân và 2 can mắm tôm pha xăng, nhớt, 2 thùng sơn để khủng bố, ném vào nhà các nạn nhân chậm trả lãi.

Ở Đà Nẵng, cử tri Nguyễn Hải (Sơn Trà) bài tỏ lo ngại với lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng về tình trạng cho vay nặng lãi. Cử tri này, nhắc lại vụ án hai vợ chồng ra tay sát hại chủ nợ, phi tang xác xuống cửa biển để quỵt nợ 200 triệu đồng tại chung cư ở phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) thời gian qua. Việc vay “nóng”, lãi suất cao, không có tiền trả đã dẫn đến những hệ lụy hết sức đau lòng.

Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bắt tạm giam 7 đối tượng trong vụ án Công ty Tài chính Nam Long hoạt động tín dụng đen và bị tình nghi gây ra cái chết của một nhân viên trong Công ty. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định được 23/70 tài khoản ngân hàng “Công ty Tài chính Nam Long” với số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng ở 26 khu vực thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mức lãi suất cao nhất mà tổ chức này áp dụng với người vay lên đến 1.043%/năm.

Đó chỉ là một vài dẫn chứng trong vô số các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” diễn ra trong cả nước với các mức độ khác nhau. Và dù các con số được công bố cao đến đâu cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm do đa số nạn nhân không khai báo hoặc không dám khai báo.

Vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018, đại biểu Đinh Duy Vượt Gia Lai) nêu thực trạng “tín dụng đen” hoành hành từ thành thị đến nông thôn, tới từng ngóc ngách, bản làng, gây bất an xã hội. Ông cho rằng: “Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, họ đẩy nhiều gia đình vào cảnh nghèo đói. Nhiều người vì cùng quẫn trong vòng vây nợ lãi cao trở thành “những chị Dậu mới”, thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội”.

Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, “tín dụng đen” là quan hệ vay mượn, tự thỏa thuận, thường là với lãi suất cao và không có quy định. Đây là hoạt động dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm. Theo thống kê, trong 4 năm (2015-2018), toàn quốc xảy ra 7.624 vụ liên quan tới “tín dụng đen”, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. Hiện nay, lực lượng Công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức trong hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Nguyên nhân “tín dụng đen” hoạt động mạnh

Nguyên nhân đầu tiên đẩy người dân đến “tín dụng đen” là thủ tục vay tiền quá dễ dàng, nhanh chóng, thậm chí “gọi điện là có tiền” khiến người dân đang cần tiền mất cảnh giác, không để ý điều khoản, lãi suất, không lường hết hậu quả xảy ra.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng. Số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn sẵn sàng với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, nguồn vốn dồi dào. Điều này lý giải vì sao tín dụng đen ngày càng bùng phát dù ngành Công an đã đẩy mạnh điều tra, truy quét, xử lý tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng).

Có người dân tính toán, nếu vay ngân hàng, người vay sẽ phải trả khoảng 10%/năm, cộng với phí “bôi trơn” thì cũng tương đương lãi suất từ “tín dụng đen”. Ngoài ra, khi vay ngân hàng, người dân phải chờ đợi 10 – 20 ngày mới được giải ngân. Chưa kể với những quy định chặt chẽ, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện vay ngân hàng. Hơn nữa, người tìm tới tín dụng đen thường vay khoản nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu nên ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Điều quan trọng hơn là pháp luật chưa đủ sức răn đe loại tội phạm này. Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết: “Án nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; còn nặng là giết người. Tính riêng năm 2018 thành phố Hồ Chí Minh có 3 vụ án mạng do thu hồi nợ không được”. Công an thành phố xác định trên địa bàn có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía Bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã. Các lực lượng đã lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính về những vi phạm không đáng kể như không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng… Chỉ ít băng nhóm gây án hình sự bị khởi tố, tạm giam.

Theo BLHS cũ, gần như không vụ nào có thể khởi tố được vì căn cứ định tội phải “có tính chất bóc lột”, “phải có giá trị thặng dư” trong khi các nạn nhân không phải người lao động nên không thể có bóc lột. Vì không bị xử lý nặng nên các băng nhóm này hoành hành.

Còn trong BLHS 2015 quy định: Lãi suất khoảng 8,33% mỗi tháng, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, bị xử lý bằng hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù nhưng không được tạm giam.

“Đây là sơ hở trong pháp luật, tội cho vay nặng lãi hiện nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính của ngân hàng chứ không phải tội hình sự. Hiện nay trong toàn bộ hệ thống luật hành chính không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định. Trước đây chúng ta ngộ nhận đó là giao dịch dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau, khi các bên có tranh chấp về lãi suất thì Tòa án sẽ giải quyết”, tướng Minh nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng có nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất, do kinh tế còn khó khăn, nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về vốn nên tìm đến các cơ sở cho vay nặng lãi. Thứ hai, một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cờ bạc nên vay nặng lãi để thỏa mãn thú ăn chơi, khi cần thì bất kể lãi suất nào cũng vay. Thứ ba, các chế tài xử lý các đối tượng này chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe; chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Để ngăn chặn có hiệu quả đối với “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12.

Ngoài các giải pháp như ngân hàng mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì giải pháp quan trọng nhất nhằm phòng chống và xử lý “tín dụng đen” hiệu quả là hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan.

Hiện nay, tùy trường hợp, hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội. Tuy nhiên, Nghị định Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với quy định mới trong BLDS 2015 và BLHS 2015, cần được sửa đổi.

Điều 201 BLHS 2015 quy định người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm… Về lãi suất cho vay, Điều 468 BLDS năm 2015 có quy định: “Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 20%/năm, tức không quá 1,66%/tháng. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% thì được xác định là cho vay nặng lãi.

Trong thực tế, việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi đang gặp nhiều khó khăn. Thông thường chủ nợ thường thoát án mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác… do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Do đó, có ý kiến cho rằng để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, nên nghiên cứu điều chỉnh luật theo hướng cho phép xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất nhất định. Ví dụ, mức lãi suất vi phạm BLHS là cao hơn 5 lần thì mức lãi suất có thể phạt hành chính có thể là 3 lần. Nếu đã xử lý hành chính mà người cho vay vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa hoạt động cho vay dân sự vào khuôn khổ để dễ quản lý. Tín dụng trong đó có cho vay dân sự là hoạt động có điều kiện, không phải ai làm cũng được. Không thể thả nổi tín dụng “đen” như hiện nay mà phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ để quản lý, phải có quy định về điều kiện hành nghề, khi hành nghề phải đăng ký với cơ quan chức năng. Nếu hoạt động không đăng ký hoặc vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

KIM DUNG