Tội phạm ma túy gia tăng, Luật Phòng, chống ma túy cần sửa đổi, bổ sung một cách cấp thiết

Tại Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Nhiều vụ án đau lòng do đối tượng nghiện ma túy gây ra

Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trong lúc dư âm vụ sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng còn gây nhiều căm phẫn, bức xúc trong dư luận.

Tối 23/10, sinh viên Trần Thúy Hiền (18 tuổi, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) trên đường về nhà, dừng lại để nghe điện thoại đã bị hai đối tượng nghiện ma túy là Nguyễn Xuân Trung và Nguyễn Văn Quân sát hại để cướp tài sản. Tên Trung đẩy nữ sinh xuống bờ sông và dìm xuống nước đến khi bất tỉnh rồi đẩy nạn nhân ra giữa dòng sông Nhuệ. Sau khi gây án, Trung đem xe đạp điện và điện thoại của Hiền đi bán được 3,3 triệu đồng rồi chia cho đồng phạm.

Chỉ vì nghiện ma túy, hai bị can đã đang tâm sát hại một nữ sinh, để cướp số tài sản giá trị không lớn. Thực trạng người sử dụng ma túy gây ra các vụ thảm án, tai nạn thảm khốc trong thời gian qua đã làm hoang mang trong dân.

Dư luận phản ánh vụ án giết người mà nạn nhân là một nghệ sĩ giọng opera hiếm hoi của Việt Nam bị chính anh vợ của mình, một người nghi ngáo đá sát hại vào tối 18/2. Trước đó, chiều 19/1, một người đàn ông 73 tuổi, trú xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên bị đối tượng nghi ngáo đá, sát hại và phân xác.

Trước đó, ngày 10/2/2019, sau khi sử dụng ma túy cùng bạn tại quán karaoke, Trương Mạnh Tuấn (một phó phòng của chi nhánh ngân hàng ở Nghệ An) đã cầm dao giết chết cha ruột, chém trọng thương mẹ và em gái đang mang thai. Gây án xong, Tuấn cầm dao bỏ chạy trong tinh thần hoảng loạn, tự sát nhưng bất thành.

Ngày 2/5/2019, sau khi sử dụng ma túy đá, Trương Tín (29 tuổi, trú tại TP.HCM) sát hại bà ngoại, mẹ và dì của mình. Gây án xong, Tín thản nhiên đi uống cà phê với bạn cho đến khi bị công an bắt giữ.

Ngày 26/12/2019, sau khi sử dụng ma túy, Hoàng Văn Chín (trú tại Định Hóa, Thái Nguyên) sát hại vợ và bốn người khác…

Theo Bộ Công an, tính đến tháng 12/2019, Việt Nam có hơn 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 160% so với năm 2009). Trong khi đó, công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao, tỉ lệ tái nghiện nhiều. Số người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng, nhất là từ khi BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị xử lý hình sự.

Năm 2018, Việt Nam có gần 50.000 người sử dụng trái phép chất ma túy đang ở cộng đồng (gấp đôi so với năm 2008). Cũng theo Bộ Công an, nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp dẫn tới “ngáo đá”, dù mới chỉ sử dụng lần đầu nhưng đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân và xã hội. Thống kê cho thấy có tới 15,36% số người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, 1,46% gây bất ổn an ninh trật tự và 7,57% đang chấp hành án.

Số vụ, số người bị bắt, số lượng ma túy cũng đều tăng. Theo thống kê năm 2008, toàn quốc phát hiện, bắt giữ gần 13.000 vụ, hơn 20.000 người, thu giữ hơn 156 kg heroin, gần 19 kg thuốc phiện, hơn 44.000 viên ma túy tổng hợp. Đến năm 2019 có gần 23.000 vụ (tăng 77%) bị phát hiện, hơn 35.000 người bị bắt giữ (tăng 73%), thu giữ gần 1.500 kg heroin (tăng 857%) và gần 1 triệu viên ma túy tổng hợp…

Công an Hà Tĩnh bắt hai nghi phạm vận chuyển 45 kt ma túy tổng hợp. Ảnh: Tân Kỳ/ BTN

Một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng trên đây là do quy định của pháp luật, cụ thể BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

Thực tế đòi hỏi phải sửa đổi luật

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.

Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.

Quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Số người nghiện gia tăng, năm 2009, cả nước có trên 146.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có trên 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội.

 Đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm mang tính hình thức. Công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp; chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.

Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư.

Vì vậy, Dự thảo Luật cụ thể hóa ba nhóm chính sách gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đánh giá tác động của chính sách quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy quy định này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy thông qua công tác quản lý người sử dụng ma túy; tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy…

Đối với chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, về tác động xã hội, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc, đảm bảo cho người nghiện được áp dụng các biện pháp cai nghiện tốt nhất, góp phần giảm người nghiện ngoài xã hội, mang lại hiệu quả cao cho xã hội.

Đồng thời, Luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

Dự Luật cũng có chính sách xây dựng quy định về phòng, chống ma túy đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy…

Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Trong đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”.

Ngày 20/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04)  triệt phá thành công chuyên án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia.  Ảnh: Minh Hà

 

MINH KHÔI