Hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Qua bài viết “Lừa đảo chiếm tài sản hay gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?” của tác giả Lê Đức Anh đăng ngày 01/03/2023. Tôi cho rằng hành vi của Trần Thị Thu T đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS.

Thứ nhất, đối tượng của tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” chính là hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Về hành vi khách quan của tội này: Người phạm tội phải có hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm trái pháp luật hoặc giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Trở lại nội dung vụ án trên, hành vi của Trần thị Thu T không đáp ứng các cấu thành cơ bản của tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”, bởi vì hợp đồng bảo hiểm T mua cho A không phát sinh hiệu lực do hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối[1] vì người được bảo hiểm là A không đồng ý cho T mua bảo hiểm cho mình. Sau khi hợp đồng được ký giao kết T đã tự ý làm giả các hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm mà A hoàn toàn không biết sự việc này nên T không có hành vi thông đồng với A để yêu cầu giải quyết bồi thường bảo hiểm trái pháp luật. Do đó, hành vi của T không cấu thành tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.

Thứ hai, ngay từ ban đầu Trần Thị Thu T đã có ý định chiếm đoạt tài sản của Công ty Bảo hiểm M nên đã thu thập thông tin của A, giả chữ ký của A để giao kết hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm M, sau khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết T tiếp tục làm giả hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật với nội dung là A bị gãy chân và phải phẫu thuật ở bệnh viện và chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng từ Công ty Bảo hiểm M, sự việc này A hoàn toàn không biết. Như vậy, T đã dùng thủ đoạn gian dối từ việc giao kết hợp đồng bảo hiểm đến việc làm giả hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo hiểm M. Do đó, hành vi của Trần Thị Thu T đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy đinh Điều 174 BLHS.

 Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến.

 

Cơ quan chức năng Nghệ An điều tra đối tượng phạm tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Ảnh: Ngọc Anh

 

[1] Điểm h Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

TRẦN THANH SƠN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)