Bàn về Dự thảo Án lệ số 08/2024 về việc tặng cho tài sản
Dưới góc nhìn vé số có phải là tài sản hay không?
Bài viết nêu khái quát về Dự thảo án lệ số 08/2024 về việc tặng cho tài sản là tờ vé số, đồng thời phân tích quy định của pháp luật để xác định vé số có phải là tài sản hay không và đề xuất để việc xem xét công nhận án lệ này đảm bảo đầy đủ các tiêu chí theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.
1. Khái quát về Dự thảo án lệ số 08/2024[1]
- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 148/2023/DS-GĐT ngày 09/8/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản” của TAND cấp cao tại Thành phố H giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Thu D cùng 18 nguyên đơn khác và bị đơn là ông Trần Thanh T.
- Tình huống án lệ: Một bên vợ hoặc chồng tặng cho tài sản là 01 tờ vé số chưa mở thưởng cho người khác, sau đó tờ vé số này trúng thưởng.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định tài sản tặng cho là tờ vé số chưa mở thưởng nên việc tặng cho tài sản không cần sự đồng ý của người vợ hoặc chồng của người tặng cho.
- Nội dung án lệ: “[4] Tại thời điểm ông Trần Thanh T cho bà Nguyễn Thị Thu D và các công nhân tờ vé số thì mệnh giá tờ vé số chỉ là 10.000 đồng, so với chi phí tiêu dùng hàng ngày thì có giá trị không đáng kể, nên ông T có thể tự ý định đoạt mà không cần phải có sự đồng ý của bà Nguyễn Thị Thùy D1 (vợ ông T), vì không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014. Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng ông T chỉ có quyền định đoạt 50% giá trị tờ vé số trúng thưởng là xác định không chính xác đối tượng của hợp đồng. Trong vụ án này, phải xác định đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông T và các nguyên đơn là tờ vé số chưa mở thưởng chứ không phải là tờ vé số trúng thưởng. Khi tờ vé số trúng thưởng, nếu bà D vẫn là người cầm giữ thì bà D có nghĩa vụ lĩnh thưởng và chia đều cho các nguyên đơn theo điều kiện đã giao kết với ông T. Nhưng do ông T đã cầm lại tờ vé số, đã lĩnh thưởng thì ông T phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền trúng thưởng của tờ vé số cho các nguyên đơn, như Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định là đúng.”
- Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ: Điều 457 và khoản 1 Điều 458 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015; Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014.
- Lý do đề xuất án lệ:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật HNGĐ năm 2014 thì: “Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp BLDS có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”. Tại khoản 1 Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận”.
Các quy định này không đề cập đến giá trị tài sản chung của vợ chồng được định đoạt, trường hợp người vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung có giá trị nhỏ như tiêu dùng hàng ngày thì có cần phải có sự thỏa thuận hoặc sự đồng ý của người còn lại không? Thực tế, trong cuộc sống hàng ngày thì đối với những giao dịch mang tính tiêu dùng, thiết yếu thì người vợ hoặc chồng đều có thể tự quyết định, không cần có ý kiến đồng ý của người còn lại.
Trong vụ án cụ thể này, người vợ hoặc người chồng tặng cho tài sản là tờ vé số chưa được mở thưởng, có mệnh giá 10.000 đồng (có giá trị không đáng kể so với chi phí sinh hoạt hàng ngày). Tuy nhiên, sau đó tờ vé số này đã trúng giải đặc biệt trị giá 2.000.000.000 đồng nên bên tặng cho và bên được tặng cho đã xảy ra tranh chấp. Viện kiểm sát nhân dân có quan điểm trong trường hợp này người tặng cho chỉ được định đoạt 50% giá trị tờ vé số trúng thưởng, cần có ý kiến đồng ý của người tặng cho thì hợp đồng tặng cho tờ vé số mới có hiệu lực toàn bộ. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 148/2023/DS - GĐT ngày 09/8/2023, TAND cấp cao tại Thành phố H đã đưa ra lập luận xác định việc tặng cho được diễn ra tại thời điểm tờ vé số chưa được mở thưởng nên đối tượng của hợp đồng tặng là tờ vé số chưa được mở thưởng, nên không cần sự đồng ý của người chồng hoặc người vợ. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã đưa ra đường lối xét xử đúng đắn có tính chuẩn mực.
Đây là tình huống phát sinh nhiều trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản chung của vợ chồng. Do đó, để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự và phát triển quyết định giám đốc thẩm này thành án lệ.
2. Nhận xét và kiến nghị
Theo nhận định của TAND cấp cao tại Thành phố H: “Tại thời điểm ông Trần Thanh T cho bà Nguyễn Thị Thu D và các công nhân tờ vé số thì mệnh giá tờ vé số chỉ là 10.000 đồng,… Trong vụ án này, phải xác định đối tượng của hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông T và các nguyên đơn là tờ vé số chưa mở thưởng chứ không phải là tờ vé số trúng thưởng…”. Và nhận định tại phần lý do chọn án lệ: “Trong vụ án cụ thể này, người vợ hoặc người chồng tặng cho tài sản là tờ vé số chưa được mở thưởng, có mệnh giá 10.000 đồng…”. Qua nhận định nêu trên cho thấy, dường như đã xác định tài sản là tờ vé số tại thời điểm chưa mở thưởng có giá trị 10.000 đồng và từ đó có thể hiểu tờ vé số được coi như giấy tờ có giá.
Tại Điều 105 BLDS năm 2015 đã định nghĩa về tài sản bằng cách liệt kê như sau: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”. Và khoản 2 Điều 108 BLDS năm 2015 định nghĩa về tài sản hình thành trong tương lai bằng cách áp dụng phương pháp suy lý nghịch của logic đối với tài sản hiện có như sau: “Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: a) Tài sản chưa hình thành; b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.”. Nếu tài sản hiện có phải hội tụ đủ hai yếu tố - vật lý và pháp lý, thì chỉ cần thiếu một trong hai yếu tố đó ở thời điểm xác lập giao dịch, tài sản được coi là hình thành trong tương lai. Có thể thấy, tài sản hình thành trong tương lai theo định nghĩa tại điểm b khoản 2 Điều 108 là tài sản đã hình thành về mặt vật lý, nhưng chưa hình thành về mặt pháp lý.[2]
Tiếp đó, Điều 115 BLDS năm 2015 định nghĩa về quyền tài sản như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Qua quy định này cho thấy, quyền tài sản có các đặc trưng sau:[3] Một là, quyền tài sản mang tính vô hình, tức là quyền tài sản sẽ không tồn tại dưới một hình dáng, kích thước nhất định và cảm nhận được bằng các giác quan; Hai là, quyền tài sản trị giá được bằng tiền; Ba là, quyền tài sản có thể là đối tượng trong các giao dịch dân sự, do quyền tài sản nằm trong nhóm quy định về tài sản.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 đã đưa ra định nghĩa về giấy tờ có giá như sau: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Ngoài ra, tham khảo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/12/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, thì: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”. Trong chừng mực nào đó, có thể định nghĩa giấy tờ có giá là các loại giấy tờ có thể được định giá bằng tiền[4]. Qua các quy định nêu trên, có thể nhận diện giấy tờ có giá thông qua các đặc trưng sau:[5] Một là, giấy tờ có giá là bằng chứng ghi nhận một quyền tài sản của một chủ thể xác định; Hai là, phải giá trị được bằng tiền, nói một cách khác quyền tài sản ghi nhận trên giấy tờ có giá đó trị giá thành số tiền cụ thể; Ba là, giấy tờ có giá phải được pháp luật thừa nhận, cho phép và bảo hộ là đối tượng trong các giao dịch dân sự; Bốn là, giấy tờ có giá không định danh, tức là khi chuyển giao xong giấy tờ có giá thì người có quyền tài sản cũng sẽ không còn quyền tài sản của mình.
Tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 126/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về việc “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HNGĐ”, thì thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm: “Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này”. Qua quy định này cho thấy, pháp luật chỉ ghi nhận số tiền trúng thưởng xổ số được coi là thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Tác giả đồng tình với hướng xử lý chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, nhưng quyết định giám đốc thẩm chưa có lập luận để xác định tờ vé số được coi là tài sản và thuộc loại tài sản nào nên chưa thật sự được thuyết phục. Tuy nhiên, qua phân tích và đối chiếu với các quy định nêu trên cho thấy, vé số không phải là tài sản. Do đó, cần phải cân nhắc trước khi công nhận án lệ đối với vụ án nêu trên để tránh hậu quả vô hình trung án lệ ghi nhận vé số là tài sản.
[1] Nguồn: Trang tin điện tử về án lệ của TAND tối cao: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND332627, truy cập ngày 23/6/2024.
[2] Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh: Nguyễn Ngọc Điện (2019), Giáo trình Luật dân sự (Tái bản lần thứ 5, có chỉnh sửa bổ sung), tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 248 - 249.
[3] Phùng Trung Tập, Kiều Thị Thùy Linh (2021), Tài sản và vật quyền (Sách chuyên khảo), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 21 - 22.
[4] Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh: Nguyễn Ngọc Điện (2019), Giáo trình Luật dân sự (Tái bản lần thứ 5, có chỉnh sửa bổ sung), tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 223.
[5] Phùng Trung Tập, Kiều Thị Thùy Linh (2021), Tài sản và vật quyền (Sách chuyên khảo), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 21 - 22.
Một điểm bán vé số - Ảnh: CT
Bài liên quan
-
Án lệ của Tòa Phá án Cộng hòa Pháp
-
Bình luận Án lệ số 52/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sử dụng đất - Dưới góc nhìn của Luật Đất đai năm 2024
-
Bình luận Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường
-
TANDTC tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong xử lý các vụ án về sở hữu trí tuệ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS hiện hành
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Quy định lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên – Hạn chế và giải pháp
Bình luận