Bất cập trong xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay

Trong bài viết, tác giả phân tích thực tiễn bất cập trong áp dụng Điều 240 BLHS “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với tình tiết định tội “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015.

Tình hình đại dịch Covic-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam số lượng ca nhiễm khá cao, một phần xuất phát từ hành vi khai báo y tế gian dối. Mặc dù, BLHS 2015 quy định trách nhiệm hình sự về hành vi làm lây lan dịch bệnh thành một tội riêng biệt[2] nhưng thực tiễn áp dụng  chưa có sự thống nhất chung.

Để kịp thời hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thực tiễn vấn còn nhiều quan điểm khác nhau.

1.Vướng mắc

Vào khoảng 01 giờ ngày 03/7/2021, anh M điều khiển xe ô tô tải biển số 675C-150.88 đi một mình từ phường T, quận N, thành phố CT, đến chợ Bình Điền (Quận 8, thành phồ Hồ Chí Minh) để giao cá thịt và nhận đầu, xương cá về giao tại huyện CP, tỉnh AG. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày anh M chạy xe về, trên đường về thì đến xã B, huyện C, tỉnh TG tiếp tục nhận hàng; đến thành phố Cao Lãnh giao hàng và đến xã V, huyện T, thành phố CT nhận hàng để đến huyện CP, tỉnh AG giao hàng.

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày đến chốt kiểm soát dịch VC, phường M, thành phố L, tỉnh AG và nói rằng mình đi từ xã V, huyện T, thành phố CT (huyện T chưa có dịch) đến và chuẩn bị đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh AG test Covid 19, xe đang chở hàng cần giao gấp nên anh M được qua chốt mà không làm thủ tục khai y tế.

Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày anh M chạy xe đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh AG test nhanh Covid 19. Anh M thấy thời gian chờ kết quả lâu (khoảng 01 giờ) nên không chờ nhận kết quả mà tiếp tục lái xe đi giao hàng tại khu công nghiệp C, huyện CP, tỉnh AG.

Khi có kết quả dương tính thì chị T - Đội phòng chóng dịch Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh AG, điện thoại nói với anh M là mẫu test bị hỏng, yêu cầu anh M trở lại bệnh viện. Lúc này, anh M nghi ngờ mình dương tính Covid 19 và xe đang gần đến nơi giao hàng trong khu công nghiệp C, huyện CP, tỉnh AG, nên anh tiếp tục chạy xe đến chốt kiểm soát dịch trong khu công nghiệp, anh M sợ lây lan dịch trong khu công nghiệp nên điện thoại cho anh T đến lái xe ô tô tải vào trong khu công nghiệp, còn anh M đứng ngoài đường. Sau đó, lực lượng Trung tâm y tế huyện CP đến đưa anh M đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang để làm xét nghiệp PCR, kết quả dương tính nên đưa đi cách ly điều trị.

Qua xác minh, anh M thực tế xuất phát từ chợ Bình Điền, TP Hồ Chí Minh nơi tâm dịch đang diễn ra nhưng khai báo y tế gian dối mình đến từ xã V, huyện T, thành phố CT (chưa có dịch) để được qua chốt. Từ hành vi này, qua truy vết anh Trần Văn A là người xuống hàng từ xe ô tô của anh M và hai CSGT tại chốt VC có tiếp xúc gần với khi M đến trình báo dương tính với Covid 19.

Hành vi của anh M có nhiều quan điểm khác nhau trong cách xử lý:

Thứ nhất: Quy định về “người nghi ngờ mắc bệnh”[3] là bản bản thân anh M nghi ngờ, tự anh phải là người nghi ngờ mắc bệnh hay việc nghi ngờ này phải do cơ quan có thẩm quyền nghi ngờ. Về cụm từ “đã được thông báo”[4], việc thông báo này được thông báo chung rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng hay thông báo riêng cho anh M về việc về từ vùng dịch và  được thông báo cách ly. Vấn đề này có hai quan điểm.

Quan điểm 1: Việc nghi ngờ này được xác định do anh M phải tự nghi ngờ bản thân mình đã nhiễm Covid-19 và phải khai báo trung thực trường hợp khai báo gian dối sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, quan điểm này cũng không buộc phải được thông báo vẫn có thể xử lý hình sự vì cụm từ người nghi ngờ mắc bệnh có vị trí trước chữ hoặc nên không cần được thông báo.

Quan điểm 2: Việc nghi ngờ này phải do cơ quan có thẩm quyền nghi ngờ và phải được thông báo, việc thông báo này có thể được thực hiện thông báo chung trên các phương tiện thông tin hoặc thông báo riêng đến anh M do cơ quan có thẩm quyền thông báo.

Quan điểm tác giả: Việc xác định theo quan điểm 1 theo tôi đã vi phạm nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội theo quy định tại Điều 13, 15 BLTTHS. Trách nhiệm xác định có nghi nhiễm Covid-19 hay không phải là trách nhiệm của cơ quan y tế và phải có thông báo về việc nghi nhiễm này, không buộc anh M phải xác mình nghi nhiễm, việc sử dụng lời khai nghi nhiễm của anh M làm căn cứ xử lý hình sự trong quá trình xét xử là vi phạm Điều 98 BLTTHS.

Tác giả thống nhất quan điểm 2, việc nghi ngờ anh M nhiễm Covid cần được cơ quan y tế xác định trên cơ sở dịch tễ hoặc do cơ quan có thẩm quyền xác định. Thực tiễn hiện nay việc xác định F0 sẽ truy vết F1, F2, F3 và khi đó sẽ có thông báo các biện cách ly đối với các F1, F2, F3. Việc thông báo này không nhất thiết phải thông báo riêng có ký nhận mà đây là thông báo chung trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn được xem là thông báo. Chỉ có thông báo chung mới đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch, nhất là dịch Covid – 19 hạn chế tiếp xúc gần. Do đó, trong trường hợp này không thể xử lý M về yếu tố cấu thành anh M phải tự nghi mình nhiễm và khai báo y tế gian dối.

Thứ hai: Căn cứ “Trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly”[5]. Vấn đề M là tài xế đã đi qua nhiều tỉnh, việc xác định vùng có dịch, hiện nay nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể, chợ Bình Điền vào ngày 18/6/2021 phát hiện 1 ca dương tính, ngày 3/7/2021 đã phát hiện nhiều ca. Đến 8 giờ ngày 6/7/2021 chợ phong tỏa ngừng hoạt động[6]. Như vậy có xem chợ Bình Điền là vùng dịch không vào ngày 3/7/2021 hay không. Trường hợp là vùng dịch thì thông báo về từ đây phải cách ly theo thông báo của UBND TP HCM hay thông báo của UBND tỉnh AG.

Quan điểm 1: “Vùng có dịch” phải có quyết định phong tỏa hoặc cách ly, ngày 03/7/2021 chợ Bình Điền chưa có quyết định phong tỏa, cách ly nên không thể xác định M về từ vùng có dịch. Đồng thời, việc thông báo cho M phải là thông báo cho cá nhân M thuộc trường hợp về từ vùng có dịch và phải cách ly. Do đó, không xử lý trách nhiệm hình sự được đối với M

Quan điểm 2: Cũng là quan điểm tác giả, “Vùng có dịch” và “Địa phương có dịch” là khác nhau, địa phương mang phạm vi chung, rộng lớn. Vùng có dịch là có người mắc bệnh dịch covid-19 và đã được công bố là khu vực nguy hiểm, cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như; Phong tỏa, cách ly, phun khử trùng, khử khuẩn... Những người đi qua vùng này, sinh sống ở vùng này mà di chuyển đến nơi khác (trước khi có lệnh phong toả) thì bắt buộc phải cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà.

Do đó, ngày 3/7/2021 chợ Bình Điền đã phát hiện ca dương tính và được thông báo là khu vực nguy hiểm, trong tình hình diễn biến phức tạp thì việc thông báo chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng cần được xem là thông báo. Bản thân M là tài xế lấy hàng tại chợ Bình Điền phải biết việc thông báo này đã có ca nhiễm cộng đồng từ ngày 18/6/2021, đến ngày 3/7/2021 đã có nhiều ca nhiễm và hành vi khai báo miệng của M phải được xem là không khai báo theo điểm d tiểu mục 1,1 mục 1 văn bản số 45. Trường hợp M khai báo đầy đủ, rõ ràng nơi đi và đến thì có thể bị cách ly, hậu qủa lây lan dịch bệnh có thể không xảy ra. Quan điểm tác giả đủ yếu tố xử lý M về hành vi về từ vùng dịch (chợ Bình Điền), đã được thông báo chung trên các phương tiện truyền thông, khai báo y tế miệng xem như không khai báo y tế.

2.Kiến nghị

Hiện nay, các địa phương khởi tố nhiều vụ án liên quan đến hành vi lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng việc khởi tố bị can còn rất hạn chế, cụ thể vụ việc anh M nên trên Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án nhưng vấn đề khởi tố bị can còn nhiều quan điểm khác nhau.

Để có sự thống nhất trong áp dụng dụng pháp luật hình sự liên quan đến tội lây lan dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sớm kiểm soát tình trạng lây lan dịch bệnh Covid-19, đáp ứng yêu cầu kịp thời phòng chống tội phạm. Tác giả xin nêu một số kiến nghị:

Thứ nhất: Hội đồng thẩm phán TANDTC cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về khái niệm người nghi ngờ mắc bệnh” và khái niệm “Vùng có dịch”, việc người nghi ngờ mắc bệnh phải do cơ quan có thẩm quyền xác định trên cơ sở dịch tễ học và có căn cứ y học.

Thứ hai: Hướng dẫn khái niệm đã được thông báo, kiến nghị hướng dẫn theo hướng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng vì liên quan đến dịch bệnh bắt buộc mọi người phải quan tâm, việc lây lan dịch bệnh diễn ra nhanh chóng và trên phạm vi rộng, việc thông báo từng cá nhân không đáp ứng được yêu cầu phòng chóng dịch.

Thứ ba: Quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự đối với M cũng có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhất là nghề nghiệp đặc thù của M là tài xế trong thời điểm dịch Covid đang diện biễn phức tạp. Do đó, Bộ Giao thông -Vận tài cần có quy định đặc thù đối với tài xế trong công tác phòng chống dịch Covid -19, các tài xế liên quan đến vận chuyển hàng hóa thiết yếu./.

 

TAND thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh vừa mở phiên tòa xét xử vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người - Ảnh: Vân Giang


[1] https://tuoitre.vn/sang-6-8-ca-nuoc-them-4-009-ca-mac-covid-19-co-823-ca-trong-cong-dong-20210805195812437.htm

[2] Điều 240 Bộ luật hình sự

[3] Mục 1.1.mục 1 văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán

[4] Mục 1.1.mục 1 văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán

[5] Mục 1.1.mục 1 văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán

[6] cmcpv.org.vn/tin-tuc/8-gio-00-phut-ngay-6-7-2021-tam-dung-cac-hoat-dong-tap-ket-giao-hang-tai-cho-dau-moi-nong-san-thuc-1491880166

Th.s NGÔ THÙY TRANG (Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)