Bị can D có được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Có tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiêt hại hoặc khắc phục hậu quả”. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng có những trường hợp các quan điểm khác nhau.

Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Văn C là các đối tượng quen biết nhau trên địa bàn huyện T, tỉnh N, đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản tại các trạm phát sóng để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2021 đến tháng 9/2021, A, B và C thực hiện 3 vụ trộm cắp tài sản giá trị 15.000.000 đồng, sau đó bán cho D để lấy tiền chia đều nhau tiêu xài cá nhân. Nguyễn Xuân D mặc dù biết là tài sản do trộm cắp được mà có nhưng vì hám lợi nên đã thu mua để thu lợi bất chính với số tiền là 4.000.000 đồng.

Quá trình điều tra, mỗi bị can A, B, C khắc phục hậu quả số tiền 3.000.000 đồng, tổng 9.000.000 đồng (còn thiếu 6.000.000 đồng); riêng Nguyễn Xuân D đã tác động gia đình nộp tại Cơ quan Điều tra số tiền 10.000.000 đồng (theo lời khai của bị can thì số tiền nộp như sau: 4.000.000 đồng là số tiền nộp lại tiền thu lợi bất chính; 6.000.000 triệu là số tiền bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả cho các bị hại vì bị can nhận thấy đã tiếp tay cho các bị can khác thực hiện hành vi trộm cắp tài sản để mong được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự).

Hiện có hai quan điểm về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can.

Quan điểm thứ nhất: Bị can Nguyễn Xuân D tác động gia đình nộp 10 triệu đồng, trong khi tại Cơ quan Điều tra thì chỉ ghi nhận 4.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính để tịch thu sung công quỹ nhà nước và đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS đối với bị can. Đối với số tiền 6.000.000 đồng còn thừa đề nghị trả lại cho bị can, bởi lẽ bị can không có nghĩa vụ bồi thường khắc phục hậu quả mà không phải tội phạm của bị can gây ra.

Quan điểm thứ hai: Bị can Nguyễn Xuân D tác động gia đình nộp 4.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính; 6.000.000 đồng là số tiền liên đới trách nhiệm bồi thường khắc phục đủ số tiền thiệt hại cho bị hại, do vậy đề nghị áp dụng điểm b, khoản Điều 51 BLHS cho bị can.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, với quan điểm bảo vệ như sau:

- Bị can D đã tự nguyện tác động gia đình khắc phục hậu quả thể hiện mong muốn được khắc phục hậu quả của bị can đối với thiệt hại của bị hại. Ngoài ra các bị can A, B, C chưa khắc phục hết hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra mà bị can D lại tự nguyện khắc phục cho nên theo nguyên tắc có lợi cho bị can thì việc áp dụng điểm b, khoản Điều 51 BLHDS là có căn cứ và đúng pháp luật.

- Mặt khác theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2006 ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS:

1.1. Cũng được áp dụng tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: ... e) Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Với những phân tích trên đây, tác giả cho rằng có đủ căn cứ để áp dụng điểm b, khoản Điều 51 BLHS đối với bị can D. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

Tòa án Quân sự Quân khu 1 xét xử bị cáo có hành vi trộm cắp tài sản của Viettel Bắc Ninh - Ảnh: Trung Kiên

 

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN THÀNH LUÂN (Viện kiểm sát quân sự Khu vực 41/QK4)