Bình Định – PVcomBank buộc doanh nghiệp mua bảo hiểm trái qui định pháp luật?

Cty Thành Thương vay với số tiền 850.000.000 đồng, để mua 01 xe ôtô tải nhãn hiệu SHACMAN và phải thế chấp chiếc xe này cho PVcomBank. Kể từ ngày ký hợp đồng cho đến tháng 12/2019 bên hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán nhưng PV comBank không chấp nhận nhưng cấp bản sao giấy lưu hành xe (cà vẹt xe) với lý do “không tham gia mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank.

Ép buộc người đi vay mua bảo hiểm ?

Theo đơn phản ánh của Cty TNHH DV – VT Thành Thương: Ngày 19/01/2017, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam, phòng giao dịch Nguyễn Thái Học, chi nhánh Quy Nhơn (PVcomBank – NTH – Qui Nhơn) hai bên đã ký hợp đồng tín dụng số 1101/2017/HĐTD/PVB-DN.PGDNTH ngày 19/01/2017 về việc cho Cty Thành Thương vay với số tiền 850.000.000 đồng, để mua 01 xe ôtô tải nhãn hiệu SHACMAN và Cty phải thế chấp chiếc xe này cho PVcomBank thời hạn vay 60 tháng với phương thức trả góp hàng tháng bao gồm cả gốc và lãi. Kể từ ngày ký hợp đồng cho đến tháng 12/2019 Cty Thành Thương hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán cho PVcomBank.

Tuy vậy đến kỳ hạn cấp bản sao giấy lưu hành xe (cà vẹt xe) vào thời điểm cuối năm 2019, thì PVcomBank không chấp nhận với lý do “không tham gia mua bảo hiểm của các đối tác được đặt tại PVcomBank và không đóng tiền bảo hiểm vào tài khoản chuyên thu của PVcomBank, là vi phạm khoản 1 Điều 4 của hợp đồng thế chấp 1101/2017/HĐBĐ. Cty Thành Thương đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Ngân hàng cấp bản sao giấy lưu hành cho xe được hoạt động nhưng không được chấp nhận.

Khoản 1 Điều 4 của Hợp đồng 1101/2017/HĐBĐ của PVcomBank có ghi: “Bên thế chấp có nghĩa vụ mua và chịu chi phí mua bảo hiểm theo yêu cầu của Ngân hàng cho toàn bộ tài sản thế chấp trong suốt thời gian thế chấp, đồng thời chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm cho Ngân hàng. Trường hợp, hết thời hạn bảo hiểm mà bên thế chấp không tiếp tục mua theo yêu cầu của Ngân hàng thì Ngân hàng có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua bảo hiểm cho bên thế chấp và số tiền này sẽ được tính vào khoản nợ của bên được bảo đảm tại Ngân hàng. Trường hợp Ngân hàng mua bảo hiểm thay cho bên thế chấp thì Ngân hàng được lựa chọn Tổ chức bảo hiểm và quyết định tất cả các vấn đề liên quan khi mua bảo hiểm; Bên được bảo đảm cam kết nhận nợ vô điều kiện số tiền mà Ngân hàng bỏ ra để mua bảo hiểm thay bên thế chấp và không có bất kỳ khiếu nại, tranh chấp nào đối với Ngân hàng”.

Ct Thành Thương cho rằng: Với điều khoản như vậy, phải chăng chính PVcomBank đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tổ chức tín dụng và lạm dụng quyền khi cho khách hàng vay tiền để ép buộc người đi vay phải ký vào một hợp đồng đem toàn bộ bất lợi về mình, và nếu không chấp nhận thì không được vay nên bị buộc theo sự sắp đặt từ phía Ngân hàng.

Khoản 2 Điều 4 của số 1101/2017/HĐBĐ của PV combank cũng có nội dung ép buộc khách hàng phải nghe theo sự sắp đặt một cách vô lý như “Trong suốt thời gian thế chấp, bên thế chấp phải bàn giao cho ngân hàng giữ tất cả các giấy tờ bảo hiểm ngay khi nhận được từ tổ chức bảo hiểm. khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Ngân hàng có quyền(nhưng không có nghĩa vụ) làm việc trực tiếp với tổ chức bảo hiểm để nhận số tiền bảo hiểm mà không có sự đồng ý của bên thế chấp. bên thế chấp có nghĩa vụ phối hợp với Ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận bảo hiểm theo yêu cầu của Ngân hàng. Nếu khoản tiền bảo hiểm nhận được chưa đủ để trả nợ thì bên thế chấp phải bổ sung tài sản, thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc bên thế chấp trả nợ trước hạn cho Ngân hàng. Trường hợp, tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm cho bên thế chấp thì bên thế chấp ngay lập tức có nghĩa vụ chuyển toàn bộ số tiền này cho Ngân hàng”. Với điều khoản này, PVcomBank không cần phải bỏ tiền túi ra để mua bảo hiểm mà vẫn được hưởng lợi khi tài sản thế chấp là chiếc xe tải SHACMAN biển kiểm soát 77C-136.13 của Cty nếu có xảy ra tai nạn, trong khi người bỏ tiền mua bảo hiểm vật chất cho chiếc xe này chính là Cty Thành Thương.

PV comBank – CN Qui Nhơn đẩy khách hàng vào khó khăn

Sự việc hai bên chưa giải quyết xong, ngày 26/03/2020 ngân hàng đã cho ba người tới Cty Thành Thương yêu cầu Cty phải giao nộp tài sản là chiếc xe tải 77C-136.13 cho ngân hàng, trong khi Cty hoàn toàn không vi phạm hợp đồng tín dụng, không nợ lãi vay của ngân hàng tính đến thời điểm hiện nay mặc dù xe không hoạt động do ngân hàng VPcombank cố tình ngăn cản, cản trở hoạt động kinh doanh xe không lưu hành được.

Ngày 27/03/2020 PVcomBank gửi công văn lên Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bình Định yêu cầu thu hồi chiếc xe vì giấy phép lưu hành hết hạn.

Hành động bất thường của PV comBank – CN Qui Nhơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của Cty Thành Thương dẫn đến nguy cơ phá sản, mặc cho khách hàng vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ thanh toán cho PV comBank. Ngoài việc ép buộc tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm khi vay vốn, PV comBank CN Qui Nhơn còn phớt lờ văn bản số 84/QLBH-TKTT ngày 10/3/2020 của Bộ Tài chính ban hành nhằm xử lý, chấn chỉnh tình trạng các Ngân hàng thương mại ép khách hàng vay vốn phải mua thêm gói bảo hiểm kèm theo khoản vay.

Luật Ngân hàng không có qui định bắt buộc bên vay phải mua bảo hiểm khi vay, việc khách hàng mua bảo hiểm là thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên.

Theo qui định tại điểm c khoản 2 Điều 17 và điểm b khoản 1 Điều 15, Nghị định số 98/NĐ – CP ngày 28/8/2013(được sửa đổi bởi NĐ 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, mức phạt tiền đối với cá nhân lợi dụng chức vụ quyền hạn, có hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức với mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng; trường hợp tồ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, vi phạm liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm nêu trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, rất mong các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng xử lý nghiêm, nhằm chấm dứt các hiện tượng cưỡng ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn như đang xảy ra ở PV comBank – CN Qui Nhơn.

Ảnh minh họa thebank.vn

TẤN ĐẠT - TIẾN DŨNG