Bình Dương: Khách hàng cẩn trọng khi xuống tiền tại dự án Alva Plaza

Nhiều người dân trót xuống tiền mua phải những dự án “ma”, dự án “ảo” của Công ty Alibaba hay Công ty Bình Dương CityLand đã rơi vào cảnh tiền mất, tật mang… tốn nhiều năm kiện tụng, đấu tranh kéo dài thế nhưng vẫn không thể đòi lại số tiền xương máu đã mất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, xuất hiện nhiều dự án bất động sản (BĐS) căn hộ, đất nền… được các sàn giao BĐS rao bán rầm rộ với những khẳng định chắc chắn về pháp lý cũng như khả năng sinh lời trong tương lai. Tuy nhiên, cũng trong thời gian gần đây nhiều dự án “ma”, dự án “ảo” liên tục bị cơ quan công an khởi tố.

Đơn cử, như dự án Alva Plaza nằm trên địa bàn phường Thuận Giao (TP.Thuận An, Bình Dương) do Công ty cổ phần Bất động sản Việt An làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần đầu tư VietHome (Công ty VietHome) làm đơn vị phân phối và phát triển độc quyền là một trong những trường hợp khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về độ an toàn cho cả khách hàng lẫn các nhà đầu tư BĐS?

Theo đó, dự án này chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật và chưa hoàn thiện về mặt pháp lý thế nhưng đã vội vàng quảng cáo rầm rộ, bất chấp thu tiền của khách hàng. Cụ thể, ghi nhận tại hiện trường, vị trí được quảng cáo là dự án Alva Plaza hiện nay mới chỉ là một thửa đất chưa được giải phóng mặt bằng. Tại đây, tồn tại một số công trình nhà ở và đất trống, cỏ dại mọc um tùm…

Theo quan sát, dự án này cho đến hiện tại vẫn là một khu đất trống, CĐT chưa thực hiện bất kỳ một công đoạn xây dựng nào cho các dự án trên.

Thế nhưng, trên Website được cho là của Công ty VietHome (https://viethome.net.vn/alva-plaza-thuan-an-binh-duong/), liên tục tung ra những thông tin mập mờ như dự án đã khởi công từ cuối quý IV/2019, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng… và liên tục kêu gọi nhiều khách hàng “sập bẫy”.

Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên môi giới tên Nam, tự xưng là nhân viên của của công ty Viethome cho biết, khách hàng sẽ phải đặt cọc 30 triệu đồng đến ngày chủ đầu tư công bố dự án nếu khách hàng tiếp tục chọn căn hộ thì sẽ thanh toán theo từng đợt.

Khi được hỏi việc đóng 30 triệu đồng có giống với hình thức cọc giữ chỗ hay là góp vốn hay không thì nhân viên tên Nam cho biết: “Đóng 30 triệu tương tự như vậy, nhưng sẽ có giấy ghi là đơn đề nghị đăng ký tìm hiểu thông tin sản phẩm. Trong nội dụng chủ đầu tư ghi là khách hàng đề nghị chủ đầu tư cho tự nguyện đăng ký nộp tiền và được ưu tiên đặt mua/đặt cọc mua căn hộ”.

Vị trí được quảng cáo là khu vực xây căn hộ Alva Plaza còn um tùm cỏ dại và chưa có dấu hiệu khởi công.

“Việc nhận 30 triệu đồng sẽ có hoá đơn, sau này nếu ký hợp đồng bên em sẽ nói rõ hơn chứ trong giấy tờ hiện tại thì chỉ là đôi bên thoả thuận”, nhân viên này trấn an khách.

Trong khi đó, trả lời báo chí đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh không có dự án nào có tên Alva Plaza. Theo đại diện Sở Xây dựng, tại vị trí được quảng cáo là dự án Alva Plaza mới chỉ được UBND tỉnh chấp nhận cho đăng ký đầu tư dự án Khu phức hợp Thương mại Căn hộ Việt An Bình Dương.

“Đến nay, dự án nói trên chưa có quy hoạch 1/500, Sở Xây dựng cũng chưa có văn bản xác nhận chủ đầu tư dự án trên được huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định”, vị đại Sở Xây dựng cho biết.

Trước đó, ngày 22/02/2019, Sở Xây dựng đã có Công văn số 585/SXD-TTrXD về việc đề nghị chủ đầu tư các dự án phải hoàn chỉnh thủ tục theo quy định trước khi đưa sản phẩm vào giao dịch, mở bán dự án, gửi tất cả các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn để thực hiện biện pháp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, các pháp nhân liên quan tại dự án Alva Plaza vẫn ngang nhiên đi ngược lại với các chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.

Mặc khác, nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định khá rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, xong hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Chưa hoàn thành pháp lý cũng như hạ tầng theo quy định thế nhưng VietHome đã vội vã thu tiền của khách hàng.

Theo đó, để được huy động vốn theo phương thức đặt cọc tiền hay ứng trước tiền mua chung cư từ khách hàng, thì phía chủ đầu tư phải đáp ứng các vấn đề quy định điều kiện được nêu rõ chi tiết trong quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 9 của Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết vấn đề trong việc thi hành Luật Nhà ở đó là: Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng sau khi đã đáp ứng được điều kiện đó là có đầy đủ về bản thiết kế kỹ thuật nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công trình này đã được phía bên chủ đầu tư tiến hành khởi công xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành đầy đủ các vấn đề liên quan đến thủ tục mua bán nhà ở thông qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về vấn đề thực hiện kinh doanh bất động sản và cũng phải đảm bảo đối với việc rằng đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở được xây dựng theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay, có nhiều chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, cố tình lách luật để huy động vốn bất chấp pháp luật. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án thời gian qua dù thu tiền đến 95% giá trị căn hộ nhưng không giao được nhà cho khách hàng. Thậm chí nhiều CĐT còn đem dự án đã bán cho khách hàng mang cầm cố ngân hàng, khiến người mua nhà lâm vào cảnh khó khăn.

 

 

 

Một công trình nhà ở được hô biến thành nhà điều hành dự án căn hộ Alva Plaza.

THIÊN NAM