Các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm để hạn chế tín dụng đen

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về lĩnh vực Ngân hàng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục chủ trì điều hành Phiên chất vấn.

Trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình làm rõ các nội dung vấn đề được đại biểu Quốc hội đề cập có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chênh lệch giá vàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề chênh lệch giá vàng, cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.

Chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này, Thống đốc cho biết, do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao. Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.  

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Về vấn đề gia tăng nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, do nền kinh tế chịu tác động đại dịch COVID-19 nên nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng. Trước khó khăn của doanh nghiệp và người dân, ngay trong tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư để cho phép các doanh nghiệp, người dân cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Ngay từ khi ban hành thông tư, Ngân hàng Nhà nước thì cũng đã có sự chủ động trong quy định, yêu cầu các tổ chức tín dụng đưa ra lộ trình trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ được hư cấu, giữ nguyên nhóm nợ để khi nợ xấu phát sinh thì có nguồn lực tài chính để xử lý.

Đối với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán, Thống đốc Ngân hàng cho biết, thị trường chứng khoán có rất nhiều chủ thể thu hút nhiều nguồn vốn tham gia, trong đó nguồn vốn tín dụng là một kênh. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành khuôn khổ pháp lý quy định, khi các tổ chức tín dụng tham gia thị trường chứng khoán thì phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro. Cụ thể, đối với cổ phiếu, Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng không được trực tiếp mua cổ phiếu của doanh nghiệp, mà phải thành lập công ty con, công ty liên kết để mua để tách biệt rủi ro của các ngân hàng. Với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài vai trò trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng còn đóng vai trò cấp tín dụng cho tổ chức cá nhân để đầu tư chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng này cần có tỷ lệ cấp tín dụng không vượt quá 5% vốn điều lệ để đảm bảo kiểm soát rủi ro.

Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi các đại biểu về tình hình tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, an toàn thông tin tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam đã có trường hợp làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua internet banking; tấn công lấy thông tin khách hàng để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…

Trước tình hình trên, năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một Chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có Chỉ thị số 02/CT-NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm.

 

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) chất vấn

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý. Ban hành Hướng dẫn xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực chung của toàn ngành về khả năng ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin. Đồng thời, hàng năm, sẽ tổ chức 1-2 đợt diễn tập, cuộc thi về điều tra, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin để nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm xử lý sự cố an toàn thông tin cho các đơn vị trong ngành.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với Bộ công an, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin truyền thông đưa ra các tình huống để có biện pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng. Trong thời gian vừa qua, với sự tham gia của các bộ, ngành, tình trạng này đã suy giảm đáng kể.

Đối với tình trạng vốn của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức vốn tiềm lực tài chính của các tổ chức tín dụng trong nước nói chung, của 4 ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng còn thấp so với các nước trong khu vực. Trong thời gian qua, vấn đề này nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có nội dung cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ. Với 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối thì dùng từ nguồn lợi nhuận để lại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết ra hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.

Hạn chế tín dụng đen

Trả lời chất vấn của đại biểu về tốc độ luật hóa sau khi triển khai Nghị quyết 42 kéo dài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm các nước đánh giá những quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu; đồng thời tham mưu đề xuất cách thức luật hóa như thế nào để ban hành luật riêng hay quy định tại các luật hoặc quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.

 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nông dân tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ, thời gian cấp tín dụng; tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân ở các địa phương, qua đó nắm bắt thực tiễn,có sự tham gia của các ngân hàng trên địa bàn để xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân.

Trả lời về các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, "tín dụng đen" là vấn đề được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để thực hiện các giải pháp hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.

Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì xây dựng chiến lược về tài chính toàn diện quốc gia, theo đó thì tất cả những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, cũng như những người yếu thế sẽ được quan tâm triển khai. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Một điểm quan trọng nữa, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng truyền thông để bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hiểu được các chính sách tín dụng của Nhà nước, tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách… Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số chương trình trên truyền hình như Chương trình tiền khéo, tiền khôn; Chương trình tay hòm chìa khóa…, trong đó nhiều những hướng dẫn để bà con có thể biết được những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Đói với câu hỏi của đại biểu về tình trạng các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu. Đối với các tổ chức tín dụng phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng của phần nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. Bên cạnh đó, Ngành ngân hàng có hệ thống thông tin tín dụng - là một công cụ rất là tốt để các tổ chức tín dụng có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ tổ chức tín dụng khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chuẩn xác.

Triển khai đồng tiền kỹ thuật số

Trả lời chất vấn về triển khai của đồng tiền kỹ thuật số; phân biệt giữa tiền ảo, tài sản ảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận rất quan tâm. Các khái niệm tiền ảo, tài sản ảo cần phải làm rõ. Cụ thể, về tiền điện tử là đồng tiền pháp định, tức là đồng tiền của Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu. Thế nhưng khi một người có tiền giấy, tiền xu nhưng không cầm tiền giấy, tiền xu mà lưu giữ dưới dạng điện tử, các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay mạng máy tính… Tiền điện tử có tỷ lệ 1-1 giữa tiền pháp định với tiền điện tử và được thanh toán tiền này. Trên thực tế Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư quy định là có ví điện tử, thực ra chính là tiền điện tử. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó sẽ làm rõ khái niệm này.

Trên thực tế còn có khái niệm tiền ảo mà chúng ta vẫn hay nghe nhắc đến như đồng Bitcoin. Đây không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà là do các tổ chức trong khu vực tư nhân tạo ra bằng các thuật toán trên hệ thống mạng máy tính. Đối với đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong một cộng đồng nhất định thôi. Ví dụ như cộng đồng game hay sàn công nghệ. Ở mỗi một quốc gia có cách thức quản lý khác nhau đối với loại tiền này.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) chất vấn

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành chức năng chủ trì nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý và Ngân hàng Nhà nước được giao vai trò phối hợp với các cơ quan chức năng. Về đồng tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do Ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dang tiền điện tử chứ không phải là tiền giấy, tiền xu. Đồng tiền kỹ thuật số hiện nay các nước trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu và nhiều nước thì thử nghiệm. Đối với Việt Nam, Chính phủ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước thành lập bộ phận nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số này. Đối với mobile money, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua thì các bộ, ngành cùng với Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ để tổ chức triển khai mobile money. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai, tính đến cuối tháng 3 năm nay có khoảng 1 triệu tài khoản được mở tại các doanh nghiệp thí điểm, số lượng giao dịch đã đạt 8,5 triệu giao dịch. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin về tình hình phát triển điểm kinh doanh tiền mobile money và phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, ngành cũng theo dõi, đánh giá trị của đồng tiền này và sẽ tổng kết thí điểm để có thể tham mưu, đề xuất trong thời gian tới.

CAO THANH LOAN