Chưa đủ căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử thuộc Tòa án Quân sự

Qua bài viết “Thẩm quyền của Tòa án trong xét xử theo kiến nghị của bản án” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích (Tòa án quân sự Quân khu 4) đăng ngày 28/12, tôi xin có ý kiến trao đổi.

Tòa án quân sự cấp Quân khu xét xử vụ án hình sự với 4 bị cáo (trong đó có 1 bị cáo là quân nhân trong quân đội) thì trong quá trình xét xử phát hiện ra 3 trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm. Vì thế trong bản án có kiến nghị khởi tố đối với 3 trường hợp kể trên.

Trong vụ án nêu trên, đối với 3 trường hợp bị kiến nghị khởi tố theo bản án của Tòa án quân sự lại không có bị cáo nào là quân nhân nên những bị cáo này không phải là đối tượng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 quy định: “b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”. Theo thông tin tác giả cung cấp đối với 3 trường hợp bị kiến nghị khởi tố theo bản án hành vi của các bị cáo này cũng “không xâm phạm đến tài sản hay danh dự uy tín của quân đội”. Trường hợp vụ án hình sự gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của QĐND do những người không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS thực hiện thì thẩm quyền xét xử thuộc về TAQS.

Tuy nhiên, đối với vụ án hình sự về tội phạm xảy ra trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do QĐND quản lý, bảo vệ là vụ án hình sự do những người không thuộc diện liệt kê tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS thực hiện trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do QĐND quản lý, bảo vệ. Cũng được coi là vụ án hình sự về tội phạm xảy ra trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do QĐND quản lý, bảo vệ thì thẩm quyền xét xử thuộc về TAQS. Vụ án kể trên, tác giả chưa xác định rõ vụ án xảy ra tại đâu, có hay không xảy ra trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do QĐND quản lý, bảo vệ để xác định thẩm quyền xét xử thuộc về TAQS hay không? Vì vậy, việc làm rõ địa điểm phạm tội cũng rất quan trọng để xem xét thẩm quyền xét xử trong vụ án kể trên.

Ngoài ra, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương cho rằng: “Trong vụ án đối với 3 bị can này có nhiều tình tiết liên quan đến vụ án trước, vì vậy, vụ án này có thể có các tình tiết liên quan đến Quân đội nên vụ án này phải thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự”. Các tình tiết của vụ án kể trên có liên quan đến bị mật quân sự hay không? Bí mật quân sự là bí mật của quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng được xác định là bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, cần xác định rõ tình tiết liên quan đến vụ án trước có phải bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành hay không? Đây cũng là căn cứ quan trọng để xác định thẩm quyền xét xử vụ án kể trên.

Trong tình huống này, là trường hợp khởi tố theo kiến nghị của bản án trong vụ án có liên quan đến quân nhân trong Quân đội nhưng vụ án khởi tố 3 bị can này không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 272 BLTTHS. Tuy nhiên, những dữ liệu của tác giả cung cấp chưa đủ dữ liệu để xác định thẩm quyền xét xử thuộc về TAQS hay không? Vì vậy, cần làm rõ hơn các vấn đề tác giả đã phân tích để xác định rõ thẩm quyền xét xử vụ án nêu trên thuộc thẩm quyền của Tòa án nào.

Trên đây là một số ý kiến của tác giả mong độc giả đóng góp thêm./.

 

Một phiên tòa của TAQSTW - Ảnh: MH

NGUYỄN PHI HÙNG (Toà án Quân sự Quân khu 4)