D không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 51 BLHS

Sau khi nghiên cứu bài viết “Bị can D có được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?”  của tác giả Nguyễn Thành Luân đăng ngày 30/6/2022, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả cho bị can được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả bởi  những lý do sau đây:

Thứ nhất, tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại, hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.

Phải hiểu rằng sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục là ba hành vi có nội dung khác nhau điều chỉnh 3 hoạt động khác nhau của người phạm tội được quy định trong một điều khoản. Về bản chất thì tính chất của các tình tiết này có nét tương đồng nên nhà làm luật quy định trong cùng một điểm để áp dụng cho người phạm tội.

Tại mục hỏi đáp trực tuyến đăng trên cổng thông tin điện tử của VKSNDTC trả lời "Sửa chữa" là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. "Bồi thường" là bồi thường tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. "Khắc phục hậu quả" là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được. Người đã thực hiện tội phạm phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người thực hiện tội phạm sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Có thể áp dụng tình tiết "đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" khi mức sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả chiếm một tỷ lệ đáng kể so với toàn bộ thiệt hại mà họ đã gây ra”.

Thứ hai, theo dữ liệu của bài báo đưa ra Nguyễn Xuân D vai trò trong vụ án là người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Thực tế Nguyễn Xuân D không gây ra thiệt hại nào cả. Thiệt hại trong vụ án là do Nguyễn Văn A, Trần Văn B và Phạm Văn C trong quá trình trộm cắp tài sản gây ra.

Do đó, việc bị can D đã tự nguyện tác động gia đình khắc phục hậu quả cho dù hành vi đó không gây ra hậu quả thì theo tôi nên áp dụng khoản 2, Điều 51 BLHS là có căn cứ và đúng pháp luật.

Trên đây là ý kiến của tôi đối với bài báo của tác giả Nguyễn Thành Luân kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.

 

Một phiên tòa xét xử tội phạm về xâm phạm sở hữu của TAND TP Bắc Giang - Ảnh: Tuệ An

 

 

LÊ ĐỨC ANH  (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 Quân khu 4)