Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần phòng ngừa tội phạm giết người
Qua số liệu thống kê, nghiên cứu dự báo về tình hình tội phạm giết người, nhất là phản ánh từ các phương tiện thông tin, truyền thông cho thấy tình hình tội phạm giết người gần đây có xu hướng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, cả về chủ thể, đối tượng, động cơ, mục đích, nguyên nhân phạm tội. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần phòng ngừa tội phạm này là vấn đề đặt ra một cách cấp thiết.
- 1.Một số vấn đề về tội phạm giết người và nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm giết người hiện nay
1.1. Khái niệm và tình hình tội phạm giết người hiện nay
Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Các tội phạm giết người là nhóm tội phạm trực tiếp xâm hại đến tính mạng của con người được quy định trong Bộ luật hình sự. Các tội phạm này trực tiếp xâm hại quyền sống của mỗi con người được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế về nhân quyền và Hiến pháp nước ta, theo đó: “Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được pháp luật bảo hộ; không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19). Theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tội phạm giết người gồm: i) Tội giết người (Điều 123); Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125); Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126). Qua nghiên cứu các tội phạm giết người cho thấy khách thể bị xâm hại của các tội phạm này là tính mạng của con người, liên quan trực tiếp đến quyền sống của con người với tư cách là quyền thiêng liêng nhất của con người được tạo hóa ban cho, là bảo đảm để các quyền con người khác được thực hiện và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và không được phép xâm hại theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Khoản 1, Điều 14).
Hậu quả của các tội phạm về giết người đối với xã hội là rất lớn, không chỉ trực tiếp tước đoạt tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, xâm hại quyền sống được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ mà còn gây ra thiệt hại rất lớn, cả về vật chất, tinh thần đối với người thân của nạn nhân, gây bức xúc, bất bình trong gia đình và dư luận xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đến sự bình yên của mỗi gia đình, cộng đồng và mỗi cá nhân cũng như uy tín của chế độ nhà nước, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, đầu tư kinh doanh. Các tội phạm về giết người còn tác động, làm xói mòn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tình cảm thân thiết của gia đình, của thày cô, anh chị em, bạn bè mà còn gây ra bất an cho cộng đồng, cho xã hội. Vì thế, trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa và chống các tội phạm giết người không chỉ thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có gia đình, nhà trường, các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng, báo chí và các tổ chức đoàn thể xã hội và từng cá nhân cụ thể.
Qua số liệu thống kê, nghiên cứu dự báo về tình hình tội phạm giết người, nhất là phản ánh từ các phương tiện thông tin, truyền thông cho thấy tình hình tội phạm giết người gần đây có xu hướng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, cả về chủ thể, đối tượng, động cơ, mục đích, nguyên nhân phạm tội. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ trong 06 tháng đầu năm 2017, tội phạm giết người tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2016; cả năm tuy có giảm về số vụ, nhưng tính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, xảy ra một số vụ việc đối tượng có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá”; chủ thể phạm tội có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện băng nhóm phạm tội; đối tượng xâm hại của tội phạm rất đa dạng, trong đó có người già, trẻ em, thậm chí cả những người thân của người phạm tội[1]. Hậu quả của hành vi giết người rất lớn, không chỉ một người mà còn nhiều người thậm chí là cả gia đình[2]. Nhiều phương thức, thủ đoạn mới đã xuất hiện, dã man, tàn bạo hơn; nguyên nhân giết người không chỉ xuất phát từ mâu thuẫn, xung đột gay gắt không thể giải quyết được mà còn xuất phát từ các mâu thuẫn, xung đột rất nhỏ, thậm chí là bột phát trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi người[3]. Qua các kết quả nghiên cứu và phân tích cho thấy, hầu hết các vụ án liên quan đến các tội phạm giết người xảy ra đều do nguyên nhân xã hội, trong đó nổi lên là các nguyên nhân do mâu thuẫn thù tức cá nhân, từ những xích mích, mâu thuẫn bột phát trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày liên quan đến bia rượu, tình ái, nợ nần, kinh tế, nghiện ma túy, “ngáo đá”…
1.2. Nguyên nhân của tình hình tội phạm giết người
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm giết người, cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan như sự thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân; tác động tiêu cực từ môi trường sống của người phạm tội (hoàn cảnh gia đình, nhà trường, quan hệ xã hội), nhất là tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập; sự chậm vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội; công tác giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội, công tác phòng ngừa xã hội…
Trước hết, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang làm phát sinh nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa con người với con người, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh địa bàn, cạnh tranh bảo kê, bao tiêu sản phẩm hàng hoá. Trong đó, có nhiều công ty, doanh nghiệp bị cạnh tranh không đứng vững dẫn đến phá sản, kéo theo nó là hàng loạt người rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trầm trọng. Nhiều người trong số đó đã trở thành đối tượng hay nạn nhân của các vụ án giết người. Cơ chế thị trường cũng mở đường cho nhiều doanh nghiệp, nhiều người làm giàu, thu được lợi nhuận một cách chính đáng nhưng ngược lại cũng có nhiều người muốn làm giàu nhanh chóng nên đã bất chấp các quy định của pháp luật, phạm trù đạo đức, tình cảm của con người, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt vốn gây ra các mâu thuẫn gay gắt trong làm ăn buôn bán, dẫn đến mâu thuẫn và giải quyết bằng hành vi giết người. Có trường hợp dùng tiền để thuê bọn lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn đâm thuê, chém mướn nhằm mục đích cạnh tranh, đe doạ, trả thù, dằn mặt…
Cùng với sự phát triển của kinh tế, các hiện tượng tiêu cực, hành vi lệch chuẩn xã hội đã và đang nảy sinh, có xu hướng phát triển và ngày càng phức tạp, tác động trực tiếp đến gia đình, nhà trường và xã hội cũng như mỗi cá nhân, làm xói mòn các giá trị đạo đức, truyền thống gia đình, thậm chí coi thường tính mạng, sức khỏe, danh sự, nhân phẩm của người khác, kể cả những người thân yêu nhất như vợ, chồng, con cái, cha mẹ, thày cô giáo và đồng nghiệp. Một số trường hợp phạm tội xuất phát từ hoàn cảnh gia đình như cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc, làm ăn phi pháp, có tiền án tiền sự, ly hôn, đánh đập con cái; cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái; quá nuông chiều hoặc quá kỳ vọng vào con cái đều có thể dẫn đến tình trạng trẻ phạm tội. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng khác do ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh niên hiện nay rất yếu. Một số thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền được sống của người khác; thậm chí nhận thức chưa đầy đủ về những hậu quả do hành vi của mình gây ra đối với xã hội và người khác, chưa thấy được trách nhiệm pháp lý đối với hành vi do mình gây ra. Những hiểu biết này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của con người. Qua nghiên cứu nhân thân của người phạm tội giết người đã cho thấy, trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật không đầy đủ đã tác động không nhỏ đến cách ứng xử, đến việc giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong đời sống hàng ngày. Không ít trường hợp, do trình độ học vấn hạn chế, nên chủ thể đã lựa chọn phương án xử sự trái với các chuẩn mực xã hội.
Một nguyên nhân nữa hạn chế sự ngăn chặn, phòng ngừa sự phát sinh tội phạm giết người thời gian qua đó là sự quản lý thiếu chặt chẽ các đối tượng nghiện ngập, bị xử lý hành chính; phong trào đấu tranh của xã hội, cộng đồng dân cư chống lại những hành vi bạo lực nhiều nơi còn yếu, đến mức báo động. Trước những hành vi bạo lực, trái pháp luật người dân thờ ơ, né tránh không dám ngăn chặn, đấu tranh với cái ác… nên nhiều hành vi bạo lực diễn ra ngay trên phố, nơi công cộng. Nguyên nhân của tình trạng này là do hành lang pháp lý cho việc phát động phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân còn chưa đầy đủ, chưa có cơ chế bảo vệ người dám đấu tranh chống lại cái ác. Chưa xây dựng được hệ thống phương tiện và quy chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có thể dễ dàng sử dụng nhiều phương tiện, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoặc tố giác, trình báo kịp thời về hành vi bạo lực, hành vi trái pháp luật.
Một nguyên nhân khác là tác động tiêu cực từ các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, báo chí, các trang mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến (Game-online), phim ảnh với sự phát triển như vũ bão, nhanh chóng hiện nay. Các thông tin mang tính bạo lực, giật gân liên tục xuất hiện trên các trang báo mạng, các video bạo lực, đặc biệt là những vụ án xâm phạm nhân thân bằng bạo lực được các trang báo mạng khai thác, mô tả chi tiết gây tác động không nhỏ tới tâm lý của đối tượng, gây hoang mang trong dư luận, thậm chí nhiều khi đối tượng còn học được cách hành động từ mô tả chi tiết trên báo. Các thông tin này lan truyền hàng ngày, hàng giờ với tốc độ rất nhanh chóng đã tác động tiêu cực đến xã hội, đến gia đình, nhà trường và mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Rất nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người do ám ảnh bởi những trò chém giết trên game hay phim bạo lực, thậm chí các hành vi bạo lực mà trẻ học được từ những người thân trong gia đình và trong nhà trường.
Xin dẫn ra đây kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) về nguyên nhân của tình hình tội phạm giết người: “Sinh ra trong những gia đình không lành mạnh, trình độ học vấn thấp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, tác động của phim ảnh, Game online có nội dung bạo lực… là những nguyên nhân cơ bản làm gia tăng tội phạm giết người[4]. Trong nghiên cứu của mình từ số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam, đặc biệt là số vụ án giết người có tính chất dã man như thời Trung cổ giai đoạn 2007-2011, ông Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, có một phần nguyên nhân xuất phát từ sự gia tăng của yếu tố bạo lực trong xã hội và các yếu tố tiêu cực từ gia đình.
- 2.Một số giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm giết người
Lý luận và thực tiễn đã cho thấy, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các tội phạm giết người, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Làm tốt công tác này không chỉ giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa và giá trị của quyền được sống của con người; thấy được nội dung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh và chống các tội phạm về giết người và quá trình tổ chức, triển khai thực hiện mà còn thấy được tình hình, diễn biến của các tội phạm giết người; thấy được các biểu hiện của hành vi, động cơ, mục đích phạm tội; nguyên nhân của tình hình tội phạm; các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tình hình tội phạm giết người, quá trình đấu tranh, xử lý để mỗi người biết tự phòng tránh, không vi phạm. Để góp phần phòng ngừa và tham gia đấu tranh với tội phạm giết người, công tác PBGDPL đối với lĩnh vực này cần phải được tiếp tục đổi mới theo hướng như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến để nâng cao ý thức pháp luật về đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm về giết người; chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, đặc biệt là quyền sống của mỗi người. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp trong thông tin, truyền thông, phổ biến giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là cơ quan công an các cấp với chính quyền địa phương và các cơ quan được giao nhiệm vụ PBGDPL, các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng trong tuyên truyền, phổ biến về tình hình tội phạm giết người và quá trình đấu tranh, phòng ngừa và chống các tội phạm này.
Thứ hai, tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến tình hình, nguyên nhân, điều kiện của tội phạm giết người và giải pháp khắc phục nguyên nhân xã hội dẫn đến tội phạm này đặt trong tổng thể các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông của các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, các trang mạng xã hội, các trò chơi trực tuyến theo đúng Luật Báo chí và các quy định về quản lý đối với các hoạt động văn hóa, phim ảnh, các trò chơi trực tuyến để hạn chế tình trạng bạo lực (gia đình, học đường và ngoài xã hội). Hạn chế tối đa các thông tin tiêu cực, các hành vi lệch chuẩn xã hội trên báo chí, phương tiện tuyền thông đại chúng, nhất là tin giật gân, câu khách, những hành vi mô tả rùng rợn. Nghiên cứu, phát triển các loại hình trò chơi trực tuyến gắn với giáo dục nhân cách, kỹ năng sống phù hợp với sự phát triển của tâm sinh lý lứa tuổi; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các cơ quan thông tin truyền thông trong việc cung cấp các thông tin chính thức, thông tin đúng đắn về đấu tranh phòng chống tội phạm giết người. Quản lý chặt chẽ và kiểm soát các công cụ, phương tiện phạm tội giết người thường được sử dụng như các loại vũ khí nóng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL liên quan đến tội phạm giết người theo hướng giảm bớt nội dung quy định cụ thể của pháp luật, theo từng văn bản cụ thể mà gắn với các tình huống, vụ việc, sự kiện pháp lý cụ thể trong mối quan hệ với sự điều chỉnh của pháp luật để tạo ra thói quen đối chiếu giữa hành vi với quy định của pháp luật. Qua đó xác định những hành vi tích cực, hợp pháp được khuyến khích, động viên, khen thưởng và nhân rộng; những hành vi tiêu cực, trái pháp luật bị phê phán, lên án và bị xử lý trách nhiệm pháp lý, nhất là các hành vi lệch chuẩn, những nhận thức lệch lạc như hành vi bạo lực gia đình, bạo lực học đường và bạo lực trong xã hội được phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội; coi trọng giáo dục ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân mỗi người và của người khác. Chú trọng thông tin, định hướng về phương thức, thủ đoạn, động cơ phạm tội mới để mọi người biết, phòng ngừa và tránh các hành vi xâm hại. Tăng cường thông tin về các địa chỉ của các cơ quan được giao nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, tội giết người nói riêng để mọi người kịp thời liên hệ khi bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại. Thông tin đầy đủ về công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các tội phạm giết người của các cơ quan bảo vệ pháp luật và sự tham gia đấu tranh, phòng ngừa của các tổ chức đoàn thể xã hội và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến những hậu quả bất lợi, trách nhiệm pháp lý mà người phạm tội phải chịu đối với hành vi giết người của mình để giáo dục, phòng ngừa, hạn chế tình hình vi phạm.
Thứ tư, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, chú trọng giáo dục pháp luật trong nhà trường, cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn trong ghế nhà trường; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống với giáo dục pháp luật; giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và xã hội, giữa giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớn; chú trọng giáo dục chuyên biệt, nhất là những đối tượng có hành vi lệch chuẩn xã hội, bị xử lý hành chính mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp xử lý thay thế. Đề cao giáo dục nêu gương trong tuân thủ, chấp hành pháp luật, tôn trọng quyền sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác từ phía những người thân trong gia đình, thày cô và bạn bè, chú trọng nêu gương người tốt. Tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm thông qua việc đưa người có những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, nhận thức lệch lạc đi thực tiễn tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ; cơ sở giáo dục bắt buộc. Coi trọng hình thức PBGDPL thông qua các phiên tòa xét xử lưu động với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để vừa phát huy tính giáo dục, vừa tránh phản tuyên truyền, tránh những hạn chế, tiêu cực từ hoạt động truyền thông về quá trình đấu tranh, xử lý đối với các tội phạm giết người. Lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với nội dung, đặc điểm nhận thức của từng nhóm đối tượng, coi trọng PBGDPL cho các nhóm đối tượng chuyên biệt không có điều kiện tự mình tiếp cận, tìm hiểu pháp luật. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong PBGDPL để định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, tích cực tham gia phòng ngừa và chống các tội phạm giết người.
Thứ năm, nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng trước xã hội, trước cộng đồng trong quá trình cung cấp, truyền tải các thông tin trên báo chí liên quan đến các nguyên nhân, điều kiện và yếu tố ảnh hưởng đến tình hình tội phạm giết người; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các phong trào quần chúng tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm giết người để thực sự trở thành phong trào rộng lớn, thu hút mọi lực lượng xã hội tham gia. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, đưa tin của những đối tượng bán báo dạo để bảo đảm các thông tin được cung cấp chính xác, khách quan, toàn diện, đúng quy định của Luật Báo chí.
[1] Ngày 18/12/2017 tại Bình Dương, Hoàng Thị Hồng Diễm đã giết chồng rồi phân xác thành nhiều mảnh;Võ Nhật Trường (Bình Định) 16 tuổi đã giết bà nội của mình (83 tuổi) để cướp 700.000 đồng; Nông Văn Công (Hà Giang) giết mẹ ruột để cướp 2,8 triệu đồng và một sợi dây chuyền bạc. Mai Đắc Dao (Đông Hưng, Thái Bình) giết mẹ vợ; Nguyễn Huy Luận cùng 8 người khác đi hát ở quán karaoke thuộc thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil ẩu đã dẫn đến Luận bị đâm chết tại chỗ chỉ vì tranh giành nhân viên phục vụ trong quán karaoke. Vụ án giết người ngày 07/01/2016, tại thôn làng Cẩm, xã Yên Dương, Ý Yên, Nam Định chỉ vì lý do người họ hàng dùng phân lợn tưới ruộng gây mùi khó chịu. Nguyễn Văn Kỳ (SN 1970 trú tại thôn 3, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), sau khi trộm cắp, sau khi bị phát hiện, Nguyễn Văn Kỳ đã dùng dao đâm 04 người khiến 2 bố con ông Nguyễn Lương Chuân (SN 1958) và Nguyễn Lương Chỉnh (sinh năm 1988) tử vong.
[2] Nguyễn Hữu Tình, bị Công an TP.HCM khởi tố hành vi giết người trong vụ sát hại 5 người ở quận Bình Tân ngày 12/2/2018; Vụ hoả hoạn tại khu biệt thự cổ số 13 Trần Hưng Đạo (Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến 5 người thiệt mạng (một gia đình có 4 người cùng tử vong); Lê Văn Luyện (tỉnh Bắc Giang) giết 3 người trong gia đình chủ tiệm vàng, Vụ Nguyễn Hải Dương; Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại thảm sát 06 người ở Bình Phước.
[3] Xem thêm: http://congannghean.vn/phap-luat/201509/tap-trung-ngan-ngua-dau-tranh-voi-toi-pham-giet-nguoi-va-mua-ban-nguoi-634359; http://www.hvcsnd.edu.vn/vn/Acedemy/Xa-hoi/86/1300/Gia-tang-toi-pham-giet-nguoi-vi-cac-nguyen-nhan-xa-hoi.aspx.
[4] Từ đầu năm đến tháng 8/2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 16 vụ giết người, làm 20 người chết và bị thương, tăng 4 người chết so với cùng kỳ năm 2014. Tội phạm mua bán người phát hiện xảy ra 12 vụ với 32 đối tượng, liên quan đến 27 nạn nhân, chủ yếu xảy ra tại các huyện miền núi, vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu (xem thêm http://www.hvcsnd.edu.vn/vn/Acedemy/Xa-hoi/86/1300/Gia-tang-toi-pham-giet-nguoi-vi-cac-nguyen-nhan-xa-hoi.aspx).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS hiện hành
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Quy định lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên – Hạn chế và giải pháp
Bình luận