Hành vi của Tr, Đ, H phạm tội Trộm cắp tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Ba đối tượng phạm một hay hai tội?” của tác giả Nguyễn Văn Toàn, đăng ngày 04/6/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, hành vi của Tr, Đ, H phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Đối với hành vi Hủy hoại tài sản: Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ hoại tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội huỷ hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.
Theo Công văn trao đổi nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC, ngày 01/10/2019 của TANDTC nêu: “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm…”
Trong vụ án trên, mục đích của Tr, Đ, H là trộm cây hoa giấy nhà bà N. Các đối tượng chỉ thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc mang theo công cụ phạm tội để nhằm mục đích trộm cây hoa giấy. Do cây hoa giấy cồng kềnh, to lớn nên các đối tượng phải dùng cưa tay cắt nhánh cây, dùng tay đẩy, bẻ, lung lay thân cây để nhổ gốc cây. Hành vi của Tr, Đ, H xâm phạm đến quyền sở hữu của bà N, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội Trộm cắp tài sản và tội Hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, việc làm gãy và chết gốc cây hoa giấy chỉ là phương pháp để các đối tượng đạt được mục đích trộm cắp tài sản. So sánh mức độ nặng, nhẹ giữa tội Trộm cắp tài sản và Hủy hoại tài sản thì tội Trộm cắp tài sản là tội nặng hơn nên trong trường hợp này, các đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản là phù hợp.
Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.
Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử các bị cáo bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”... Ảnh: Thanh Trúc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS hiện hành
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Quy định lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên – Hạn chế và giải pháp
Bình luận